Bộ Giao thông Vận tải lên phương án cho phép du khách quốc tế nhập cảnh

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được Covid-19.
Bộ Giao thông Vận tải lên phương án cho du khách quốc tế nhập cảnh - Ảnh 1.

Quầy hành lí thất lạc của Vietjet Air tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

Ngày 14/4 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, trong thư có nội dung kiến nghị mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được Covid-19. 

Trao đổi với phóng viên TTXVN sáng 18/8 về kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn cho hay, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại cộng đồng, Bộ GTVT đã xây dựng phương án các chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam và đề nghị cho mở từ 1/8/2020.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 lại bùng phát và diễn biến phức tạp nên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT hoàn thiện lại phương án này và xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng...

"Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang đôn đốc Cục Hàng không Việt Nam trình phương án cho phép chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam để xin ý kiến các bộ, ngành", TTXVN dẫn lời Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thông tin.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết thêm, hiện Bộ GTVT không dừng các chuyến bay thường lệ quốc tế mà chỉ chưa cho chở khách nhập cảnh vào Việt Nam do các khu cách li tập trung ở Việt Nam hạn chế; đồng thời cũng là để sẵn sàng cho phương án cách li của các vùng dịch.

Bộ Giao thông Vận tải lên phương án cho du khách quốc tế nhập cảnh - Ảnh 2.

Khung cảnh sân bay Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đã làm việc với nhà chức trách một số quốc gia kiểm soát được dịch và bàn thảo một số qui định để phòng ngừa. 

Một số nước cũng đã đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam, đều thống nhất hành khách nhập cảnh vẫn phải cách li và xét nghiệm Covid-19. Do đó, việc này phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận của các cơ sở cách li cũng như năng lực của ngành y tế trong nước.

"Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch sẽ quyết định thời điểm mở đường bay quốc tế và đưa ra qui định như thu phí cách li, qui trình kiểm soát dịch với khách du lịch", TTXVN dẫn lời ông Đinh Việt Thắng nói.

Giữa tháng 7, Cục Hàng không Việt Nam cũng từng kiến nghị mở một số đường bay quốc tế theo mô hình "di chuyển nội khối" nghĩa là các quốc gia cho phép nhập cảnh đối với công dân nước mình và thương gia, chuyên gia kỹ thuật, sinh viên... 

Khi nhập cảnh, người dân phải cách li 14 ngày tại gia đình hoặc cơ sở lưu trú do chính quyền chỉ định (có thu phí). Việc tự cách li tại gia được chính quyền kiểm soát chặt bằng công nghệ.

Trong văn bản ngày 14/8, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị miễn giảm phí kéo dài hết năm 2021 thay vì chỉ đến hết tháng 9/2020 như chủ trương hiện nay của Chính phủ. 

Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho rằng, hiện nay các hãng đã được miễn, giảm phí nhiều dịch vụ hàng không đến hết năm 2020. Đến cuối năm nay, các cơ quan sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh để có các phương án hỗ trợ tiếp theo cho các hãng hàng không.

Ngoài đề xuất kéo dài thời gian giảm phí và mở lại đường bay quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam còn một số kiến nghị khác như:

- Tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỉ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn từ 3 đến 4 năm.

- Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm 70%, ít nhất là 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021.

- Xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 6 tháng việc sửa chữa, nâng cấp đường băng, đường lăn Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Hiệp hội cho biết các chuyên gia thế giới ước tính khi ngành hàng không tăng trưởng 2-2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP thêm 1%.

"Các hãng hàng không Việt Nam có khả năng hồi phục nhanh sau dịch sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp cho ngân sách Nhà nước", Hiệp hội nhận định.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.