Bộ Giao thông Vận tải: Sẵn sàng cho kế hoạch giải ngân 46.000 tỷ đồng

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, ngay trong những tuần đầu tháng 1, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức khởi công nhiều dự án trọng điểm.

Đây là những dự án sẽ tạo động lực cho các đơn vị của Bộ và ngành giao thông vận tải hoàn thành giải ngân 46.000 tỷ đồng được giao trong năm 2021, nhiều hơn 6.000 tỷ đồng so với năm 2020.

Theo đó, lễ khởi công Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long sẽ diễn ra vào ngày 4/1/2021.

Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện dự án đã xác định được nhà thầu trúng thầu 3/3 gói thầu xây lắp. Việc giải phóng mặt bằng của dự án cũng đã đạt hơn 80%, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công tăng tốc ngay trong năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, đây là dự án đặc biệt quan trọng góp phần hoàn thiện tuyến đường cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, được ngành giao thông vận tải xác định là công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 có tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97 km (địa phận tỉnh Vĩnh Long dài 12,52 km, tỉnh Đồng Tháp dài 10,45 km); điểm đầu tại Km107 363,08 kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km130 337 (nút giao Chà Và, kết nối với Quốc lộ 1 hiện hữu) thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h; mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án được triển khai theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư 4.827,32 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Trung ương; trong đó vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 932 tỷ đồng, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 3.895,32 tỷ đồng.

Đúng một ngày sau, ngày 5/1, tại Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV sẽ khởi công gói thầu rà phá bom mìn -  hạng mục đầu tiên của Dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, trước khi tiến hành triển khai các hạng mục quan trọng khác của đại sân bay này trong năm 2021.

“Việc khởi công Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là sự cụ thể hóa quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, dự án sân bay quốc tế Long Thành được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải xác định sẽ cạnh tranh để trở thành điểm trung chuyển toàn cầu. Do đó dự án sẽ được đầu tư với công nghệ hiện đại nhất để cạnh tranh với các sân bay trong khu vực, đặc biệt là sân bay của Singapore và Thái Lan. Dự kiến, toàn bộ quy trình kiểm soát hành khách và hàng hoá sẽ tự động hoàn toàn. Nhà ga hành khách cũng được thiết kế theo hướng thân thiện với môi trường.

Thậm chí, sân bay Long Thành là dự án đầu tiên mà Hội đồng thẩm định nhà nước thuê riêng một đơn vị tư vấn nước ngoài tiến hành thẩm định và phản biện, hoàn chỉnh phương án thiết kế, sau đó Hội đồng mới thông qua

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, việc hoàn thành thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau; xây dựng xong sân bay Long Thành giai đoạn 1; nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ là những công trình nhận được sự ưu tiên lớn của ngành giao thông vận tải trong 5 năm tới đây.

Trong một diễn biến khác, cũng trong những ngày đầu tiên của năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ đưa vào khai thác một loạt các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như: 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất (1/1/2021); Dự án cải tạo, nâng cấp mặt cầu Thăng Long (7/1/2021); Dự án BOT hầm Hải Vân 2 (dự kiến cuối tháng 1/2021); bàn giao và khai thác Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông (cuối quý I/2021); thông xe khai thác tạm tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dự kiến trước Tết nguyên đán 2021 khoảng 10 ngày).

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2020, Bộ này đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới./.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.