Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, góp ý hồ sơ Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) của Vietravel.
Bộ đánh giá dự án này của Vietravel đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, trong văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải cũng có góp ý, khuyến cáo Vietravel cần điều chỉnh một số nội dung để đảm bảo tính khả thi.
Bộ GTVT đánh giá dự án này của Vietravel đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư. (Ảnh: Vietravel Airlines).
Theo đó, mô hình mà Vietravel Airlines dự kiến khai thác là cung cấp chuyến bay thuế chuyến, phục vụ du lịch. Hiện Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không nào cung cấp dịch vụ này, trong khi đó, trên thế giới có khoảng 30 hãng hàng không và công ty du lịch trên thế giới áp dụng. Vì vậy, Bộ cho rằng mô hình của Vietravel cần được khuyến khích.
Tuy nhiên, mô hình này cũng tiềm ẩn khó khăn. Nguyên nhân là khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm vận tải hàng không như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh.
Trong trường hợp khai thác các chuyến bay thuê chuyến không hiệu quả, công ty sẽ khai thác thường lệ và sẽ phải sử dụng các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu máy bay qua đêm.
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng điều này góp phần gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không, nhất là khi hãng bay mới này khó có được các slot tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng...
Do đó, Vietravel cần xây dựng kế hoạch khai thác linh hoạt phù hợp với thực tiễn tại các cảng hàng không nêu trên.
Về mạng lưới đường bay, Vietravel Airlines tập trung khai thác các cảng hàng không thứ cấp như Huế, Chu Lai, Vân Đồn, Hải Phòng, Cần Thơ... và mạng đường bay quốc tế đi Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ. Bộ đánh giá mạng lưới này phù hợp với qui hoạch mạng đường bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Liên quan việc Vietravel lựa chọn cảng hàng không quốc tế Phú Bài làm sân bay căn cứ và khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyển, Bộ GTVT đánh giá "cơ bản phù hợp với năng lực của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay".
Tuy nhiên, việc đỗ toàn bộ đội tàu bay qua đêm tại sân bay Phú Bài có thể gây khó khăn cho hoạt động khai thác của hãng, do thị trường đi/đến không cao.
Bộ GTVT cũng lưu ý tình trạng quá tải tại Tân Sơn Nhất bởi các hãng hàng không đã sử dụng hết các vị trí đỗ tàu bay qua đêm, giờ hạ cất cánh (slot) tại các khung giờ trong ngày.
Trong khi đó, Nội Bài vẫn còn vị trí đỗ tàu bay qua đêm và còn slot khai thác cho các hãng hàng không Việt Nam, nhưng số lượng sẽ giảm trong thời gian tới khi các hãng bay đều tăng cường khai thác.
Tháng 8 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, sau khi thẩm định dự án thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines của Vietravel.
Cục Hàng không cho biết dự án thành lập hãng hàng không này của Vietravel đủ điều kiện để Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đại diện Vietravel dự kiến Vietravel Airlines sẽ cất cánh từ quý II/2020. Mô hình hoạt động là hãng hàng không này là bay thuê chuyến (charter), thường được sử dụng trong hoạt động du lịch.
Trong năm đầu tiên, Vietravel Airlines dự kiến khai thác 3 tàu bay Airbus 320/321, hoặc B737 hoặc tương đương. Đến năm thứ 5 nâng tổng số tàu bay khai thác lên 8 chiếc.
Vietravel cũng phối hợp đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chuyên về hàng không, đặc biệt phi công, thợ bảo dưỡng tàu bay… cho thị trường.