Bộ GTVT: Thị phần vận tải đường sắt sụt giảm theo từng năm

Bộ GTVT cho biết, thời gian gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình vận tải khác (đặc biệt là vận tải đường bộ, hàng không), thị phần vận tải đường sắt đã sụt giảm theo từng năm.

IMG_5760

Tính đến hết năm 2018, đường sắt chỉ chiếm 1,71% tổng lượng luân chuyển hành khách toàn ngành giao thông vận tải. (Ảnh minh họa: Di Linh).

"Điệp khúc" mỗi năm mỗi giảm

Theo báo cáo ngày 16/10 của Bộ GTVT, mạng lưới đường sắt quốc gia bao gồm 19 tuyến đi qua địa bàn 34 tỉnh/thành phố và được phân bố theo các tuyến chính; tổng chiều dài là 3.143 km (trong đó 2.703 km đường chính tuyến) và có 277 ga.

"Tuy nhiên, do xây dựng từ lâu, khổ đường đơn với tiêu chuẩn kĩ thuật thấp, kể cả hai tuyến chủ đạo có lượng vận tải lớn là tuyến Hà Nội - TP HCM và tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai cũng có tiêu chuẩn kĩ thuật rất hạn chế về bình diện và trắc dọc.

Đáng chú ý, hạ tầng tuyến chưa đồng bộ (còn nhiều cầu yếu, hầm yếu, độ dốc cao, bán kính nhỏ; ray, tà vẹt nhiều chủng loại; hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu; còn nhiều điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt…) nên hạn chế tốc độ chạy tàu, năng lực thông qua thấp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Ngoài ra, đường sắt chưa có sự kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác; một số khu vực kinh tế quan trọng như Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên chưa có đường sắt", Bộ GTVT cho hay.

Theo Bộ này, vào những năm 80 của thế kỉ 20, khối lượng vận chuyển của đường sắt chiếm 29,2% tổng lượng luân chuyển hành khách toàn ngành giao thông vận tải.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, thời gian gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình vận tải khác (đặc biệt là vận tải đường bộ, hàng không), thị phần vận tải đường sắt đã sụt giảm theo từng năm.

Tính đến hết năm 2018, đường sắt chỉ chiếm 1,71% tổng lượng luân chuyển hành khách toàn ngành giao thông vận tải.

"Hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt chưa cao, chưa tương xứng với giá trị khối tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư; khả năng cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt so với các loại hình vận tải khác còn hạn chế dẫn đến thị phần vận tải đường sắt trong những năm gần đây có chiều hướng sụt giảm", Bộ GTVT nhận định.

IMG_5781

Đường sắt đang được đầu tư, nâng cấp. (Ảnh minh họa: Di Linh).

Mục tiêu đến năm 2050, đường sắt đáp ứng 8% vận tải hành khách

Theo Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược và Qui hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020 sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam để đạt tốc độ 50 - 60 km/h đối với tàu hàng và 80 – 90 km/h đối với tàu khách.

Đồng thời, nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt trọng điểm, các nhà ga có lượng hành khách lớn; từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại các điểm giao cắt có lưu lượng giao thông lớn.

Giai đoạn này cũng sẽ nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn.

Nghiên cứu phương án xây dựng mới các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Cần Thơ… phù hợp với qui hoạch và khả năng huy động vốn.

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 sẽ khai thác có hiệu quả đường sắt hiện có; xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt.

Triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 - 200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.

Nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt có nhu cầu vận tải lớn, các tuyến nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch...

Đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam.

Sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h; hiện đại hóa mạng lưới đường sắt hiện có đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hành khách địa phương và hàng hóa; hoàn thành việc xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển lớn.

Đáp ứng tối thiểu 5 - 8% thị phần vận tải hành khách và 5 - 6% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng trên 30% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và TP HCM.

Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tại TP HCM và Hà Nội cũng sẽ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị qui hoạch được phê duyệt.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.