Liên quan đến đề xuất của UBND tỉnh Sơn La về việc đề nghị bổ sung Cảng hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo Chính phủ dẫn thông tin từ ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời ý kiến của UBND tỉnh Sơn La.
Theo đó, Bộ GTVT đã tổ chức lập “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch hệ thống CHK) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Qy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoạch định tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Mộc Châu với chiều dài khoảng 145 km, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Sau khi tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, sẽ bảo đảm khả năng kết nối thuận lợi tới sân bay quốc tế Nội Bài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, Quy hoạch hệ thống CHK không đề xuất quy hoạch sân bay mới tại Mộc Châu.
Trường hợp có nhu cầu phát triển sân bay phục vụ du lịch, Bộ GTVT ủng hộ tỉnh chủ động nghiên cứu quy hoạch sân bay chuyên dùng tại Mộc Châu sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng. Đồng thời, chủ trì kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, phát triển sân bay Mộc Châu với tính chất là sân bay chuyên dùng theo quy định hiện hành.
Trước đó, UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho bổ sung sân bay Mộc Châu vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Theo đề xuất, Cảng hàng không Mộc Châu được xác định là sân bay cấp 4E, phần kỳ đầu tư làm hai giai đoạn. Giai đoạn một (đến năm 2030), là cảng hàng không dân dụng (thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và một số tuyến quốc tế) với công suất dự kiến một triệu hành khách/năm.
Giai đoạn hai (sau năm 2030), dự kiến công suất là hai triệu hành khách/năm. Kết cấu đường băng dự kiến có chiều dài ≥ 1.800 m.
Đến năm 2030, diện tích sân bay khoảng 350 ha; đến năm 2050 khoảng 500 ha. Dự kiến tổng mức đầu tư Sân bay Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Ngoài các tuyến đường bay nội địa đi/đến TP HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Buôn Ma Thuật, Pleiku, Phú Quốc..., địa phương còn muốn khai thác các đường bay quốc tế đi/đến khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông), khu vực Đông Nam Á (Viêng Chăn (Lào), Bangkok (Thái Lan), KualaLumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia)...