Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (19-25/9): Hoàn thành nâng cấp sân bay Côn Đảo vào 2024; Bình Dương rót thêm 4.266 tỷ đồng cho vành đai 3

Hoàn thành nâng cấp sân bay Côn Đảo vào 2024, Bình Dương rót thêm 4.266 tỷ đồng cho vành đai 3, hoàn tất mặt bằng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tháng 9, hoàn tất mặt bằng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tháng 9... là những thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng nổi bật tuần qua.

Hoàn thành nâng cấp sân bay Côn Đảo vào 2024

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo.

Bộ GTVT cho biết, hiện đã giao Cục Hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nâng cấp, mở rộng tại Cảng hàng không Côn Đảo.

Cục Hàng không Việt Nam đang triển khai kêu gọi đầu tư đối với công trình kho xăng dầu hàng không Bộ GTVT. Ban QLDA Thăng Long với vai trò quản lý dự án đang chỉ đạo liên danh tư vấn tiến hành khảo sát, lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự kiến phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 10.

Đối với các công trình khu hàng không dân dụng (nhà ga, sân đỗ...) tại sân bay Côn Đảo, Bộ GTVT giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng phương án đề xuất đầu tư công trình sân đỗ, nhà ga và hạ tầng dùng chung theo quy định và báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, chấp thuận trước khi triển khai đầu tư.

Sân bay Côn Đảo hiện nay. (Ảnh: VietnamPlus) 

Bộ GTVT khẳng định, dự án cải tạo, mở rộng tại sân bay Côn Đảo đang được thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đồng bộ các hạng mục nâng cấp, mở rộng đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga, sân đỗ,... dự kiến khởi công trong năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024.

Các hạng mục đầu tư xây dựng tại sân bay Côn Đảo gồm nhà ga mới công suất 2 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa công suất 4.400 tấn hàng hóa/năm; mở rộng sân đỗ tàu bay thành 8 vị trí; cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh 1.830 m x 45 m (hiện tại là 1.830 m x 30 m), hệ thống đèn tín hiệu; công trình quản lý bay. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.794 tỷ đồng.

Bình Dương rót thêm 4.266 tỷ đồng cho vành đai 3

UBND tỉnh Bình Dương mới đây vừa có văn bản giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 -  2025 về việc giao bổ sung vốn cho đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh.

​Theo đó, giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) giai đoạn 2021 - 2025 là 4.266 tỷ đồng cho 2 dự án thành phần thuộc dự án đường vành đai 3 TP HCM, có chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông.

Cụ thể, tỉnh giao bổ sung cho dự án thành phần 5 - Xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) là 1.266 tỷ đồng; giao bổ sung cho dự án thành phần 6 - Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương là 3.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 (vốn nước ngoài) là 1.135 tỷ đồng cho dự án Cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương, có chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP HCM được chia thành 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công. Công trình có chiều dài 57,8 km, đi qua tỉnh Long An (2,7 km), TP HCM (26,4 km) và tỉnh Đồng Nai (28,7 km). Tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ADB, JICA.

Khởi công tuyến đường nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai

Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) cho biết tuyến đường kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài khoảng 147 km sẽ được khởi công xây dựng. Đây được coi là tuyến đường rất quan trọng với sự phát triển kinh tế của các tỉnh Lai Châu, Lào Cai.

Cụ thể, gói thầu XL01 đoạn từ nút giao IC16 - tỉnh Lai Châu đến Khánh Yên, tỉnh Lào Cai (Km00+000 - Km18+500) chính thức được triển khai xây dựng vào sáng ngày 19/9.

Gói thấu XL01 cũng là một trong 3 gói thầu (XL01, XL02, XL03) thuộc tuyến nối Lai Châu - cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa phận tỉnh Lào Cai.

Theo thiết kế, tuyến kết nối thuộc gói thầu XL01 được đầu tư với quy mô cấp III miền núi, tốc độ thiết kế 60 km/h. Quy mô mặt cắt ngang được thiết kế với bề rộng mặt đường 6 m, bề rộng nền đường 9 m. Tại một số đoạn, bề rộng mặt đường là 9 m (có làn phụ leo dốc); bề rộng nền 10 m.

Theo phương án được duyệt, gói thầu XL01 có tổng giá trị hợp đồng hơn 474 tỷ đồng, được thi công trong 30 tháng. 

Ban QLDA2 cho biết, việc lưu thông giữa các tỉnh miền núi phía bắc, trong đó có Lai Châu với khu vực đồng bằng, cảng biển và ngược lại gặp nhiều khó khăn, làm giảm khả năng phát triển kinh tế - xã hội, du lịch,...

Riêng với Lai Châu, hiện, việc kết nối giao thông giữa địa phương này với các tỉnh khác chủ yếu thông qua 2 tuyến quốc lộ chính là QL4D và QL32 có quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp IV-V miền núi.

Ở khu vực Tây Bắc, ngoài đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các tuyến đường khác cấp đường đều thấp (kể cả quốc lộ) và chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp V-IV miền núi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. (Ảnh: Báo Giao thông). 

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc có quy mô gồm 2 tuyến, gồm: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147 km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ADB hơn 187 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia là gần 4,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 43,5 triệu USD.

Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024.

Hoàn tất mặt bằng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tháng 9

Về tình hình triển khai dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ GTVT cho biết lũy kế sản lượng thực hiện đối với 3 gói thầu xây lắp tại dự án đạt hơn 48 % giá trị hợp đồng, chậm gần 2,2% so với tiến độ yêu cầu.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), địa phương đã bàn giao 100% chính tuyến; phạm vi các nút giao còn vướng khoảng 0,2 km. 

Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư tiểu dự án GPMB để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 9 năm nay.

Nguyên nhân của việc chậm trễ được Bộ GTVT nhận định do nhà thầu tổ chức thi công chưa hợp lý, đắp gia tải chậm. Không để tình trạng chậm tiến độ tiếp tục diễn ra, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA chỉ đạo, giám sát, đôn đốc các nhà thầu dồn lực hoàn thành toàn bộ các cầu trên tuyến trước ngày 30/9 năm nay.

Thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. (Ảnh: Báo Thanh Niên) 

Trước đó, cuối tháng 8, Ban QLDA Mỹ Thuận đã có văn bản phê bình 15 nhà thầu vì chậm tiến độ khi thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. 

Ban QLDA Mỹ Thuận đã yêu cầu từng thành viên liên danh nhà thầu bố trí lãnh đạo trực tiếp có mặt tại công trường để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn (tài chính, vật tư, vật liệu) để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khởi công đầu năm 2021, dài gần 23 km, vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng. Giai đoạn một của dự án quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Cao tốc dự tính hoàn thành năm nay, đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn một trong năm 2023. Giai đoạn hoàn chỉnh cao tốc được thiết kế 100 km/h với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32 m.

Bộ GTVT ủng hộ Sơn La làm sân bay Mộc Châu

Liên quan đến đề xuất của UBND tỉnh Sơn La về việc đề nghị bổ sung Cảng hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời ý kiến của UBND tỉnh Sơn La.

Theo đó, Bộ GTVT đã tổ chức lập “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch hệ thống CHK) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoạch định tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Mộc Châu với chiều dài khoảng 145 km, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Trường hợp có nhu cầu phát triển sân bay phục vụ du lịch, Bộ GTVT ủng hộ tỉnh chủ động nghiên cứu quy hoạch sân bay chuyên dùng tại Mộc Châu sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng. Đồng thời, chủ trì kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, phát triển sân bay Mộc Châu với tính chất là sân bay chuyên dùng theo quy định hiện hành. 

Trước đó, UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho bổ sung sân bay Mộc Châu vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. 

Đến năm 2030, diện tích sân bay khoảng 350 ha; đến năm 2050 khoảng 500 ha. Dự kiến tổng mức đầu tư Sân bay Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Dự kiến khởi công cầu Phước An gần 4.900 tỷ đồng vào tháng 12 

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành, huyện Nhơn Trạch để thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng thực hiện dự án cầu Phước An.

Dự kiến vào tháng 12/2022, cầu Phước An sẽ được khởi công xây dựng và thời gian thực hiện khoảng 5 năm. Để thực hiện dự án, huyện Nhơn Trạch phải thu hồi hơn 4 ha giao cho chủ đầu tư, gồm hơn ba ha rừng trồng và gần một ha mặt nước.

Lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành, huyện Nhơn Trạch hoàn tất hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng để trình HĐND tỉnh thông qua vào đầu tháng 12/2022. Chủ đầu tư liên hệ với Sở NN-PTNT tìm nơi để trồng rừng bù lại diện tích đã chuyển đổi. 

Dự án cầu Phước An là công trình giao thông cấp đặc biệt do UBND tỉnh cấp quyết định đầu tư. Chủ đầu tư là BQL Dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. 

Dự án đi qua hai địa bàn là thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích đất cần thu hồi là 13,18 ha. Trong đó, diện tích cần thu hồi thuộc tình Bà Rịa - Vũng Tàu là 4,67 ha.

Dự án thuộc nhóm A, tổng mức đầu tư 4.879 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách trung ương hỗ trợ. Thời gian thực hiện từ 2021 - 2025.

Tổng chiều dài 4,3 km, trong đó phần cầu vượt sông Thị Vải dài 3,5 km. Điểm đầu kết nối với đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải giai đoạn một; điểm cuối kết nối với dự án đường vào cảng Phước An.

Phần cầu dẫn có chiều rộng 23,5 m; cầu chính rộng 25 m, gồm 4 làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ. Nhịp chính của cầu dài 250 m có thể cho phép tàu 3.000 tấn lưu thông qua phía dưới.

Dự kiến nâng cấp quốc lộ 14E hơn 1.800 tỷ đồng vào cuối năm

Vừa qua, tại huyện Hiệp Đức, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có buổi kiểm tra thực tế và làm việc về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cải tạo, nâng cấp QL.14E.

Dự án cải tạo, nâng cấp QL.14E đoạn qua tỉnh Quảng Nam được Bộ GTVT phê duyệt vào ngày 4/8 với tổng mức đầu tư hơn 1.848 tỷ đồng. Toàn bộ dự án nằm trên 3 huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức thực hiện. Dự kiến tháng 12 năm nay sẽ khởi công dự án. 

Ban quản lý dự án 4 - Tổng Cục đường bộ Việt Nam đề nghị Ban chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm tỉnh, các ngành chức năng và 3 địa phương quan tâm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch, đảm bảo tiến độ dự án.

Báo cáo tại buổi làm việc, huyện Thăng Bình cho biết, dự án đi qua huyện Thăng Bình có chiều dài hơn 17 km, với khoảng 29 ha đất bị ảnh hưởng. Dự kiến tháng 12 năm nay sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng một số vị trí để thi công dự án. 

QL.14E đoạn qua địa phận Hiệp Đức dài khoảng 30 km. Qua khảo sát sơ bộ, cho thấy, có khoảng 10 hộ dân và một số ít công trình cần phải di dời. Huyện Hiệp Đức đang tập trung lập phương án tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, ưu tiên phương án tái định cư xen ghép tại chổ.

Quốc lộ 14E đoạn qua tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Báo Quảng Nam) 

Riêng đoạn qua huyện Phước Sơn có chiều dài khoảng 26 km chủ yếu đi qua đất rừng sản xuất. Địa phương tập trung quản lý tốt hiện trạng, sau khi nhận bàn giao mốc sẽ khẩn trương lập các thủ tục tiến hành bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng dự án. 

Các địa phương có dự án đi qua kiến nghị Sở GTVT phối hợp kiểm tra, tổ chức di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi GPMB của dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ trong việc thẩm định thiết kế - dự toán, bản trích đo địa chính khi UBND huyện trình; hỗ trợ xác minh nguồn gốc đất; xây dựng, bố trí các khu tái định cư…

Giảm gần 460 tỷ đồng vốn đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành

Mới đây, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư dự án thành phần 3 – xây dựng các công trình thiết yếu trong sân bay Long Thành (giai đoạn 1) cho biết, dự án thành phần 3 giảm gần 460 tỷ đồng vốn đầu tư.

Theo ông Lại Xuân Thanh, ACV đã phê duyệt dự án thành phần 3 theo yêu cầu tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg năm 2020 (Quyết định 1777) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Đặc biệt, thiết kế cơ sở các hạng mục do ACV phê duyệt có tổng mức đầu tư khoảng 98.500 tỷ đồng, giảm gần 460 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định 1777. Các nội dung khác so với Quyết định 1777 không thay đổi.

Tại Quyết định chủ trương đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sân bay Long Thành có 4 dự án thành phần; trong đó, dự án thành phần 3 có vốn đầu tư lớn nhất, gồm nhiều phần việc như: san nền, thoát nước, móng cọc, xây dựng nhà ga hành khách, đường cất, hạ cánh, sân đỗ máy bay.

Từ đầu năm nay, ACV bắt đầu triển khai dự án thành phần 3 với các hạng mục san nền, thoát nước và đã hoàn thành móng cọc nhà ga hành khách. Dự kiến, tháng 10, ACV khởi công hạng mục quan trọng nhất là phần thân nhà ga hành khách; cuối năm nay xây dựng đường cất, hạ cánh, sân đỗ máy bay.

Đặc biệt, năm 2023 và những năm tiếp theo ACV sẽ triển khai dự án thành phần 1, thành phần 2, thành phần 4 bao gồm trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, công trình phục vụ quản lý bay và các công trình khác. ACV cam kết tháng 9/2025 đưa sân bay Long Thành vào khai thác.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.