Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Lễ công bố Biên bản ghi nhớ (MOU), Biên bản hợp tác (MOC) và Thư bày tỏ quan tâm tài trợ cung cấp tài chính cho các dự án phát triển vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu đã trao MOU hợp tác đầu tư cho đại diện CTCP Sân bay Fansipan (thuộc Tập đoàn Hưng Hải) đầu tư Cụm cảng hàng không Lai Châu với tổng mức đầu tư dự kiến 6.800 tỷ đồng.
Trong tháng 8, UBND tỉnh Lai Châu đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP và giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.
Địa phương cho biết sân bay Lai Châu đã được Thủ tướng xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không vào tháng 2/2018.
Cụ thể, sân bay này được định hướng đến giai đoạn 2030 là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách /năm; diện tích sử dụng đất là 167 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng, địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Tỉnh đã chủ động ưu tiên nguồn lực địa phương thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng sân bay. Theo UBND tỉnh Lai Châu, đã có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP.
Theo phương án của Bộ Giao thông vân tải, cảng hàng không Lai Châu có công suất thiết kế dự kiến 0,5 triệu hành2 khách/năm, diện tích đất dự kiến 117 ha, chi phí đầu tư ước tính 4.350 tỷ đồng, địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Mới đây, trong chương trình công tác tại Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng cảng hàng không Phan Thiết, tháo gỡ ngay tại hiện trường các khó khăn, vướng mắc đang đặt ra với dự án này.
Cảng hàng không Phan Thiết nằm tại xã Thiện Nghiệp, phía đông bắc TP Phan Thiết, cách trung tâm thành phố khoảng 19 km và cách khu du kịch Hàm Tiến, Mũi Né chỉ khoảng 8 km.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh, sân bay Phan Thiết là Cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay lưỡng dụng dùng chung dân dụng và quân sự, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Bộ Quốc phòng là cơ quan có thẩm quyền đối với khu bay quân sự và UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan có thẩm quyền đối với hạng mục hàng không dân dụng.
Đến nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay và đài dẫn đường đã cơ bản hoàn thành; các nhà thầu đang khẩn trương san lấp mặt bằng, thi công đường băng, đường lăn; nhà đầu tư và các đơn vị liên quan đang phối hợp triển khai các bước tiếp theo của dự án.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận di dời sớm các công trình điện, hạ tầng để có mặt bằng, đồng thời chậm nhất tháng 12 năm nay phải hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng; rà soát lại, giải quyết vấn đề liên quan tới các mỏ vật liệu xây dựng, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ để bảo đảm vật liệu cho dự án, hoàn thành trong tháng 10.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại mức đầu tư của hạng mục nhà ga hành khách dân dụng và năng lực chủ đầu tư BOT hạng mục này.
Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án đường Vạn Thiện - Bến En. Đường Vạn Thiện - Bến En được HĐND tỉnh này chấp thuận chủ trương đầu tư vào cuối tháng 4/2021; Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 10/2021 và điều chỉnh dự án vào tháng 3 năm nay.
Mục tiêu dự án nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường khả năng kết nối từ cao tốc Bắc - Nam với khu du lịch Vườn quốc gia Bến En; đồng thời chia sẻ lưu lượng giao thông của quốc lộ 45 và mở rộng không gian phát triển cho tỉnh Thanh Hóa về phía tây nam.
Tổng mức đầu tư dự án là 1.181 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 920 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 261 tỷ đồng. Dự án được giao cho Ban QLDA Đầu tư Công trình Giao thông Thanh Hóa làm chủ đầu tư.
Đơn vị thi công xây dựng tuyến đường là Liên danh CTCP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng Minh Tuấn - CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Huy Hoàn - Tổng công ty Đầu tư Xây dựng cầu - CTCP.
Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông đường bộ cấp II với quy mô thiết kế đường cấp III đồng bằng 4 làn xe cơ giới + 2 làn xe hỗn hợp theo TCVN 4054–2005, vận tốc thiết kế Vtk = 80km/h. Chiều dài toàn tuyến là 12 km, đi qua địa phận hai huyện là Nông Cống với chiều dài 5,5km (Km0-Km5+549) và huyện Như Thanh với chiều dài 6,6km (Km5+549-Km12+176).
Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động, các trạm dừng nghỉ sẽ được tỉnh đầu tư xây dựng.
Cụ thể, có hai trạm dừng nghỉ tại Km 20+00 thuộc xã Thống Nhất, TP Hạ Long và trạm dừng nghỉ tại Km80+00 thuộc xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng bố trí thêm một chỗ dừng xe kết hợp trạm sửa chữa, cung cấp dịch vụ xe tại Km 114+400 thuộc xã Quảng Long, huyện Hải Hà.
Trạm dừng nghỉ tại Km20+00, xã Thống Nhất, TP Hạ Long, được xây dựng trên diện tích gần 6,6 ha, gần các khu du lịch Hạ Long.
Trạm dừng nghỉ tại Km80+00, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn được quy hoạch xây dựng trên diện tích 14 ha, gần sân bay Vân Đồn, còn chỗ dừng xe thuộc xã Quảng Long, huyện Hải Hà, sẽ đầu tư xây dựng trên diện tích 1,9 ha, sẽ cung cấp các dịch vụ về sửa chữa, bảo dưỡng, xử lý tình huống phương tiện…
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh cho biết, trong quá trình triển khai các dự án trạm dừng nghỉ và chỗ dừng xe, tỉnh sẽ ưu tiên triển khai hạ tầng thiết yếu trước như hệ thống cung cấp nhiên liệu phương tiện, khu nhà vệ sinh và dịch vụ ăn uống để đáp ứng nhu cầu người dân khi di chuyển trên tuyến cao tốc.
Các trạm dừng nghỉ này được triển khai thành các dự án độc lập, thông qua hình thức đấu thầu đầu tư và khai thác.
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại buổi họp ngày 22/8 về dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đó, cao tốc TP HCM - Trung Lương được đầu tư đưa vào khai thác giai đoạn 1 cách đây hơn 10 năm, quy mô bốn làn xe và hai làn dừng khẩn cấp.
Hiện nay, cao tố này lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn, không đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu đi lại của người dân, thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt là các dịp lễ, Tết, cuối tuần.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ tháng 4 đến nay đã chia sẻ lưu lượng, phương tiện giao thông, giảm ùn tắc giao thông cho Quốc lộ 1. Tuy nhiên khi khai thác đồng thời cả tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đã phát sinh một số bất cập do lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến quá lớn.
Để khắc phục những bất cập nêu trên và phát huy hiệu quả khai thác các tuyến vành đai của TP HCM, các tuyến cao tốc đang và sẽ được đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng việc sớm nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc từ TP HCM đi Trung Lương và Mỹ Thuận là hết sức cần thiết.
Vì vậy, GTVT thống nhất nghiên cứu phương án triển khai thực hiện tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo hướng tách thành 2 dự án độc lập trên cơ sở hai đoạn tuyến đã được đầu tư giai đoạn 1 (TP HCM – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận) để đề xuất phương án đầu tư giai đoạn 2, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ sẽ có văn bản gửi UBND TP HCM, các tỉnh Long An, Tiền Giang, đề nghị phối hợp nghiên cứu, báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành thông qua. Đồng thời, thống nhất phương án đề xuất giao cho UBND các tỉnh, thành là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án theo hướng UBND TP HCM hoặc Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai mở rộng đoạn cao tốc TP HCM - Trung Lương; UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện dự án Trung Lương - Mỹ Thuận…
Về phương án đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất nghiên cứu, đề xuất ít nhất ba phương án đầu tư gồm đầu tư công, BOT, BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ)… Trong đó, cần phân tích, đánh giá ưu điểm, hạn chế, khó khăn của từng phương án.
Về lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau khi UBND các tỉnh, thành được cấp có thẩm quyền chấp thuận giao nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện các dự án, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, trong trường hợp triển khai dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra tình hình triển khai cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong những dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, dài 98 km, trong đó đoạn qua tỉnh dài 61 km.
Điểm đầu Km0+00 trùng với Km10+380 quốc lộ 9, điểm cuối Km102+200, trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Túy Loan. Dự án chia làm 11 gói thầu xây lắp, giá trị sản lượng thực hiện từ khi khởi công đến nay đạt 93,9% giá trị xây lắp. Dự án dự kiến hoàn thành vào 30/10 năm nay.
Theo Ban quản lý đường Hồ Chí Minh, công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh đã xong, tuy nhiên công tác di dời đường điện 220kV, 500kV, điện cao thế chưa thực hiện xong, mong muốn tỉnh quan tâm, chỉ đạo để giải quyết dứt điểm, sớm đẩy nhanh công tác di dời đường điện cao thế để đảm bảo tiến độ dự án.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị Ban quản lý đường Hồ Chí Minh và các đơn vị, nhà thầu phải tập trung nỗ lực, tăng tốc với mục tiêu hoàn thành dự án đúng theo kế hoạch đề ra; các đơn vị liên quan phối hợp sớm giải quyết các tồn tại trong quá trình thi công, xử lý dứt điểm công tác di dời đường điện cao thế để đơn vị thi công triển khai dự án.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang - chủ đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này.
Theo đó, đây là dự án nhóm A, được đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương. Tổng mức đầu tư dự án là 3.478,97 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 498,3 tỷ đồng, chi phí xây dựng 2.412,37 tỷ đồng, còn lại là dự phòng và các chi phí khác. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022 - 2025.
Tổng chiều dài đoạn tuyến này là khoảng 27,4 km, điểm đầu là KmO+000 (trùng với Km77 đoạn qua tỉnh Tuyên Quang), thuộc thị trấn Vĩnh Tuy, tỉnh Hà Giang. Đểm cuối là Km27+443 thuộc địa phận xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
Phạm vi thực hiện dự án nằm trong ranh giới địa lý hành chính các xã/thị trấn thuộc huyện Bắc Quang, cụ thể là thị trấn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Hảo, xã Hùng An, xã Quang Minh, xã Việt Vinh và xã Tân Quang.
Hướng tuyến cụ thể cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) là tim tuyến đi theo hướng Tây - Bắc, song song với quốc lộ 2 (QL 2) hiện tại, khoảng cách từ tuyến đến QL 2 trung bình 1 - 2 km.
Điểm đầu tuyến KmO+000 thuộc phía đầu cầu Vĩnh Tuy (thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang) - nối tiếp điểm cuối đoạn qua địa phận tỉnh Hà Giang (Km77), cách QL 2 khoảng 1,2 km, tuyến men qua các sườn đồi đất phía đông QL 2, cách QL 2 khoảng 400-1800 m thuộc thị trấn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Hảo; đoạn thuộc xã Hùng An có địa hình tương đối bằng phẳng, tuyến đi song song phía đông QL 2 đến các dãy núi phía đông bắc của xã thì rẽ phải cắt qua các đồi bát úp xã Quang Minh.
Trên địa phận xã Quang Minh, tuyến đi theo hướng bắc trên địa hình đồi thấp đến giao với QL 279 tại vị trí Km5 tính từ ngã ba Pắc Há vào cầu Sảo, sau đó tuyến đi men sưòn núi địa hình khó khăn đến vượt yên ngựa phía đông dãy núi Khau Vai.
Tuyến tiếp tục men theo địa hình núi khó đến thôn Tân Tạo 1, xã Việt Vinh. Từ đây tuyến đi về bên trái, phía bắc hồ Nậm Moong đến thôn Minh Thắng 1 rồi tuyến đi men theo sườn núi phía đông QL 2 đến vượt sông Lô tại xã Tân Quang.
Tương lai khi kéo dài tuyến đường đến thành phố Hà Giang thì tuyến đi men theo sườn núi song song với QL 2, phía đông sông Lô.
Về các yếu tố nhạy cảm về môi trường, dự án cắt qua các khu vực khu dân cư (KDC) như KDC thị trấn Vĩnh Tuy; KDC xã Vĩnh Hảo; KDC xã Hùng An; KDC xã Quang Minh; KDC xã Việt Vinh; KDC xã Tân Quang. Trong đó, đoạn cắt qua xã Tân Quang là khu dân tập trung, đặc biệt đông đúc ở cuối tuyến. Bên cạnh đó, dự án cũng cắt qua một số khu vực đất trồng lúa nước 2 vụ và rừng trồng sản xuất.
Về mặt pháp lý, chủ đầu tư dự án cho biết, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang đã được HĐND tỉnh Hà Giang phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 22/3. Dự án nằm trong danh mục đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế tại Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp trực tuyến thảo luận tiến độ triển khai các cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu và Chơn Thành - Gia Nghĩa , Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã nghe báo cáo tiến độ triển khai các dự án cao tốc, thảo luận một số khó khăn tồn tại quá trình giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Đối với dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Các Sở, ban ngành, địa phương có liên quan, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh đã chủ động trong việc triển khai trước các công việc để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo kế hoạch, Ban QLDA xây dựng kế hoạch chi tiết dự án và kế hoạch chi tiết giải phóng mặt bằng trình Sở GTVT, Sở TN&MT trong ngày 30/8. Hiện, Ban QLDA đã trình UBND tỉnh chấp thuận cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Về khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cơ bản hoàn thành công tác khảo sát địa hình; công tác khảo sát địa chất, thuỷ văn; đang thực hiện công tác thỏa thuận trước với các địa phương đường gom, cống chui, cầu vượt. Khảo sát bãi thải, mỏ vật liệu thông thường dự kiến tổ chức báo cáo đầu kỳ trước ngày 20/9.
Về công tác GPMB, các huyện Cư Kuin, Ea Kar đã được phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất 2022; huyện Krông Pắc đã trình UBND tỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 (ngày 24/8).
Công tác lập hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB và bàn giao cho các huyện, dự kiến chia làm 2 đợt, đợt 1 bàn giao các đoạn đơn giản trong tháng 10 và đợt 2 bàn giao các đoạn còn lại trong tháng 12.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ nút giao giữa đường Vành đai 4 với Đại lộ Thăng Long, đoạn qua huyện Hoài Đức. Hình thức nút giao này là nút giao liên thông khác mức dạng hoa thị hoàn chỉnh.
Chỉ giới đường đỏ của nút giao được xác định thông qua các thông số kỹ thuật, kích thước, kết hợp với nội suy và các điều kiện khống chế thể hiện chi tiết trên bản vẽ.
Đối với Đại lộ Thăng Long nằm ngoài phạm vi nút giao, sẽ được xác định theo hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, vào 20/7, Văn phòng UBND TP Hà Nội ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc họp chỉ đạo triển khai lập chỉ giới đường đỏ tuyến vành đai 4 trên địa bàn.
Việc triển khai tổ chức lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 4 trên địa bàn thành phố chia làm 4 đoạn.
Cụ thể, đoạn 1 dài 11 km từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18. Đoạn 2 dài 9,6 km từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32. Đoạn 3 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 với chiều dài 17,77 km.
Đoạn 4 từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở, chia làm hai phân đoạn với chiều dài 19,5 km. Phân đoạn 1 (dài khoảng 15 km) đoạn từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A. Phân đoạn 2 (dài khoảng 4,5 km) đi từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở.
Sau gần 20 tháng thi công, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn chưa đạt tiến độ và mới hoàn thành 50% khối lượng. Sốt ruột với tiến độ dự án này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải liên tục đi hiện trường yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện các giải pháp để đưa cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ phải về đích đúng kế hoạch.
Động thái mới nhất để đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường từ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ là vừa ra văn bản phê bình các nhà thầu để chậm tiến độ; trong đó yêu cầu các nhà thầu cam kết có các mốc tiến độ rõ ràng. Tuy nhiên, đại diện Ban Mỹ Thuận cho hay, dự án bị chậm tiến độ ngoài những yếu tố từ các nhà thầu còn có một số nguyên nhân khách quan mang lại.
Theo đó, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ mà các nhà thầu đưa ra là do mặt bằng bàn giao chậm. Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Lượng, đại diện Tổng công ty 36 cho biết, việc chậm bàn giao mặt bằng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công của nhà thầu. Đơn cử tại hạng mục nút giao cầu Chà Và, đến ngày 15/3 nhà thầu mới được bàn giao mặt bằng để tiến hành thi công, chậm khoảng 14 tháng so với thời điểm khởi công dự án.
Đến thời điểm này một số công trình hạ tầng trên tuyến tại nút Chà Và vẫn chưa xử lý để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu như đường dây điện trung thế, hệ thống cáp quang... ảnh hưởng trực tiếp đến thi công cắm bấc thấm.
Cũng liên quan đến chậm bàn giao mặt bằng, đại diện Công ty Xây dựng Đèo Cả chia sẻ, nhà thầu đã huy động thiết bị và nhân công ở các vị trí có thể triển khai thi công được sau khi đền bù, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có biên bản bàn giao chính thức từ chủ đầu tư để nhà thầu có cơ sở thực hiện.
Nhà thầu này cho biết thêm, mặt bằng bàn giao cho hạng mục thi công nút giao Đường tỉnh 908 không đủ bề rộng mặt cắt ngang theo thiết kế, dẫn đến không thể thi công đồng bộ. Cụ thể, nhánh N1, nhánh N2 thiếu bề rộng nền từ 4 – 6 m ngang, nhánh A, B, C, D và đảo giao thông A, B điều chỉnh lại hướng tuyến. Đến ngày 30/8/2022, cũng là ngày nhà thầu bị phê bình chậm tiến độ, liên danh nhà thầu mới nhận được giấy mời của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về việc bàn giao mặt bằng phần mở rộng bổ sung cho gói thầu này, bàn giao chậm 18 tháng so với 24 tháng theo tiến độ hợp đồng.
Đến thời điểm này tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa xây dựng chỉ số giá cho năm 2021 và 2022, chỉ số giá vật liệu của tỉnh mới công bố đến hết năm 2020 gây khó khăn trong việc bù giá thi công cho các nhà thầu. Nhà thầu đang tạm áp dụng 80% theo chỉ số giá của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên chỉ số bù giá tạm áp dụng vẫn chưa phản ánh kịp thời và phù hơp với sự biến động giá cả thị trường.
Các chuyên gia giao thông đánh giá, nhiều yếu tố khách quan đang bủa vây khiến tình hình các nhà thầu hết sức khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà thầu không chỉ đối mặt với áp lực về tiến độ, chất lượng mà còn cả chuyện khan hiếm vật liệu và “bão giá”. Vì thế, ngoài cố gắng, nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu thì rất cần sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, các ban, ngành trong việc ra quyết định chỉ đạo kịp thời để gỡ vướng cho các dự án đang thi công.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khởi công đầu năm 2021, dài gần 23 km, vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Cao tốc dự tính hoàn thành năm 2022, đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn 1 trong năm 2023. Giai đoạn hoàn chỉnh cao tốc được thiết kế 100 km/h với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32 m.
Quy hoạch 07:44 | 02/11/2024
Quy hoạch 08:20 | 05/10/2024
Quy hoạch 06:45 | 02/10/2024
Quy hoạch 19:00 | 24/09/2024
Quy hoạch 11:41 | 21/09/2024
Quy hoạch 13:53 | 18/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 08/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 07/09/2024