Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (8-14/8): Lập 5 quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn, nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò vào TP Vinh

Hà Nội lập quy hoạch 5 phân khu đô thị Sóc Sơn, Nghệ An thống nhất áp nhập thị xã Cửa Lò vào TP Vinh, thành lập thị xã Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước, Khánh Hòa xây dựng huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, thu hồi đất làm đường vành đai 4 qua các quận huyện của Hà Nội, Lai Châu đề xuất xây sân bay... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

 

Nội lập quy hoạch 5 phân khu đô thị Sóc Sơn 3.500 ha 

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 1, 2, 4, 5 và 6, tỷ lệ 1/2.000.

Cụ thể, phân khu đô thị Sóc Sơn khu 1 thuộc địa giới hành chính các xã Phù Linh, Tiên Dược, Mai Đình và thị trấn Sóc Sơn. Diện tích đất lập quy hoạch khoảng 625,15 ha; tính chất là trung tâm của huyện với các chức năng hành chính chính trị, quảng trường, công viên cây xanh đô thị, khu trung tâm thương mại tài chính và dịch vụ, bảo tàng, nhà hát.

Phân khu đô thị Sóc Sơn khu 2 thuộc các xã Tiên Dược, Mai Đình, Đông Xuân. Quy mô phân khu 425,15 ha; là khu vực đô thị hóa, có tính chất là khu vực đô thị mới kết hợp cải tạo chỉnh trang làng xóm hiện có; là một phần không gian của quảng trường trung tâm đô thị vệ tinh; là khu vực thương mại, dịch vụ và các chức năng công cộng, phụ trợ hỗn hợp gắn với sân bay Nội Bài, ga Đa Phúc.

Phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4 thuộc các xã Tiên Dược, Mai Đình, Quang Tiến với quy mô khoảng 554 ha; tính chất là cụm công nghiệp tập trung, gồm khu công nghiệp Nội Bài, các cụm công nghiệp CN2 và CN3, khu nhà ở công nhân và công trình công cộng; khu dân cư làng xóm được giữ lại chỉnh trang, cải tạo. 

Phân khu đô thị Sóc Sơn khu 5 (khu vực hồ Đồng Quan và phụ cận) thuộc các xã Quang Tiến, Phù Linh, Mai Đình, Tiên Dược và thị xã Sóc Sơn. Quy mô lập quy hoạch khoảng 1.340 ha, chức năng là các khu vực đô thị, gồm khu ở mới, công trình công công, giáo dục, y tế, thương mại, khách sạn và văn phòng; khu cây xanh tập trung;  các khu vực làng xóm hiện hữu được cải tạo; các khu vực an ninh quốc phòng; cụm du lịch đền Sóc - hồ Đồng Quan gồm các khu tổ hợp du lịch thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng sinh thái gắn với các vùng cảnh quan hồ Đồng Quan, hồ Đồng Chằm, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. 

Phân khu đô thị Sóc Sơn khu 6 thuộc địa giới hành chính các xã Đông Xuân, Mai Đình, Phù Lỗ, có diện tích quy hoạch khoảng 523 há. Về tính chất, cụm công nghiệp vừa và nhỏ và các khu vực làng xóm hiện hữu, công viên cây xanh sinh thái gồm hai khu vực. Trong đó, khu vực trong phạm vi xây dựng đô thị gồm các chức năng công cộng, hỗn hợp phục vụ khu đô thị đại học và dịch vụ phụ trở sân bay Nội Bài. 

Sáp nhập thị Cửa Lò và một phần huyện Nghi Lộc vào TP Vinh 

Ngày 9/8, Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo đề án mở rộng địa giới và không gian đô thị TP Vinh do Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức đã thống nhất phương án nhập thị xã Cửa Lò và 6 xã của huyện Nghi Lộc vào TP Vinh.

 

 

Toàn bộ thị xã Cửa Lò sẽ được nhập vào TP Vinh. (Ảnh: Báo Nghệ An). 

Trình bày tại hội nghị có ba phương án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP Vinh. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cơ bản thống nhất lựa chọn phương án lấy 5 xã huyện Nghi Lộc (Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái) và thị xã Cửa Lò vào TP Vinh. 

Sau khi mở rộng, diện tích tự nhiên của TP Vinh hơn 173 km2 (đạt 115,59%), dân số trên 452.000 người, thành lập thêm một số phường từ các xã. 

Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích địa bàn, không gian phát triển, ý kiến các đại biểu thống nhất sẽ bổ sung xã Khánh Hợp của huyện Nghi Lộc về TP Vinh.

 

Thành phố Vinh. (Ảnh: Báo Nghệ An). 

 

Theo quyết định số 52 của Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050, vùng nghiên cứu phát triển TP Vinh có diện tích khoảng 250 km2, bao gồm toàn bộ TP Vinh, toàn bộ thị xã Cửa Lò, một phần huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Lộc.  

Thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và thị trấn Bình Phú, tỉnh Tiền Giang

Sáng 11/8,  tiếp tục họp phiên thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập thị xã Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước và 5 phường trực thuộc.

Thị xã Chơn Thành sau khi thành lập giữ nguyên diện tích tự nhiên và dân số; có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường (Hưng Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành) và 4 xã (Minh Thắng, Nha Bích, Minh Lập và Quang Minh). 

Theo số liệu thống kê của tỉnh Bình Phước, tính đến ngày 31/12/2021, huyện Chơn Thành có hơn 390 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 121.083 người , có 9 đơn vị hành hành cấp xã, gồm thị trấn Chơn Thành và 8 xã. 

Chơn Thành nằm ở phía tây nam của tỉnh Bình Phước, cách trung tâm TP Đồng Xoài 35 km, cách TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương 55 km và cách TP HCM 80 km. 

Địa phương có vị trí địa lý gần các trung tâm công nghiệp lớn, có các tuyến đường huyết mạch chạy qua như quốc lộ 13, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh,... Hiện hai tuyến cao tốc là TP HCM -  Thủ Dầu Một - Chơn Thành và Gia Nghĩa - Chơn Thành đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn khi hoàn thành sẽ gia tăng khả năng kết nối vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. 

Quốc lộ 13 đi qua Chơn Thành. (Ảnh: SGGP). 

Cũng trong phiên họp sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. 

Thị trấn Bình Phú được thành lập trên cơ sở nguyên trạng xã Bình Phú với diện tích hơn 19 km2 và dân số hơn 18.500 người. Sau khi thành lập, thị trấn Bình Phú không thay đổi về diện tích tự nhiên và dân số. 

Xây dựng huyện Cam Lâm, Khánh Hòa trở thành đô thị sân bay hiện đại 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng về việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045, nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. 

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm với tổng diện tích tự nhiên trên 54.000 ha. Mục tiêu quy hoạch làm cơ sở xây dựng đô thị mới Cam Lâm phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia nói chung và chiến lược phát triển biển Việt Nam nói riêng; pht triển huyện Cam Lâm thành đô thị thông minh - sinh thái - bền vững, kết hợp với hệ sinh thái đầm Thủy Triều, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, vùng vịnh Nha Trang.

 Cam Lâm được quy hoạch thành đô thị sân bay. (Ảnh: Hồng Quân).

Bên cạnh đó, dựa trên định hướng phát triển khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch quốc gia và bên cạnh Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, đô thị Cam Lâm sẽ phát triển thành trung tâm vui chơi giải trí và mua sắm hàng đầu thế giới, phát triển khu thiên đường nghỉ dưỡng.

Tại đây sẽ tạo dựng hệ sinh thái đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ, tiện ích, cùng với các tiện ích đô thị, giá trị cảnh quan ven biển, các hoạt động lễ hội sôi động, chiến lược marketing toàn cầu nhằm thu hút cư dân đa quốc gia đến sinh sống, làm việc, học tập và du khách quốc tế.

Thu hồi hơn 280 ha đất làm đường vành đai 4 qua  Đông, Thanh Oai Thường Tín 

Chiều ngày 9/8, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và UBND huyện Thường Tín, huyện Thanh Oai và quận Hà Đông tổ chức Hội nghị công bố chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 4, đoạn từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A, tỷ lệ 1/500.

Đây là đoạn 3, dài gần 18 km trong 4 đoạn chỉ giới đường đỏ tuyến vành đai 4 đi qua Hà Nội.

Vành đai 4 sẽ mở theo quy hoạch qua quận Hà Đông, dài khoảng 5,5 km. (Ảnh: Google Maps). 

Tại quận Hà Đông, đường vành đai 4 đi qua có chiều dài khoảng 5,5 km, qua địa bàn 4 phường với diện tích thu hồi khoảng 75 ha. Phường Yên Nghĩa có tổng diện tích nằm trong chỉ giới đường là 35,8 ha, phường Đồng Mai 0,11 ha, phường Phú Lãm 25 ha, phường Phú Lương 14 ha. Ngoài đất nông nghiệp, quận còn phải giải phóng mặt bằng 9.500 m2 đất ở và di chuyển khoảng 1.200 ngôi mộ.

Dự án vành đai 4 qua địa phận huyện Thanh Oai có chiều dài 7,9 km, thuộc địa phận 6 xã, trong đó: Bích Hòa 2,1 km; Cự Khê 2 km; Bình Minh 0,28 km; Tam Hưng 0,98 km; Mỹ Hưng 1,44 km và Thanh Thùy 1,1 km.

Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án hơn 88 ha, trong đó, đất nông nghiệp hơn 78 ha và đất phi nông nghiệp hơn 10 ha.Dự kiến có 1.501 hộ phải di dời phục vụ giải phóng mặt bằng. Quỹ đất quy hoạch dự kiến tái định cư là 1 ha tại xã Cự Khê.

Còn qua địa phận huyện Thường Tín, tuyến vành đai 4 dài khoảng 9 km, ước tính phải thực hiện thu hồi đất 118,71 ha tại 9 xã: Khánh Hà, Hiền Giang, Hòa Bình, Nhị Khê, Văn Bình, Duyên Thái, Vân Tảo, Ninh Sở và Hồng Vân.

Tổng diện tích đất tái định cư khoảng 10 ha, trong đó tại xã Khánh Hà 1,4 ha tại thôn Khánh Vân; xã Văn Bình 2,6 ha tại thôn Văn Giáp; xã Hồng Vân 1,5 ha tại thôn Xâm Thị; xã Vân Tảo 4,5 ha tại thôn Xâm Động.

 

 

 

Lai Châu đề xuất xây sân bay theo hình thức PPP 

UBND tỉnh Lai Châu vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP và giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.

Địa phương cho biết sân bay Lai Châu đã được Thủ tướng xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không vào tháng 2/2018.

Cụ thể, sân bay này được định hướng đến giai đoạn 2030 là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách /năm; diện tích sử dụng đất là 167 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng, địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Tỉnh đã chủ động ưu tiên nguồn lực địa phương thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng sân bay.

Sân bay Lai Châu được quy hoạch xây dựng tại thị trấn Tân Uyên. (Ảnh minh họa: Hồng Quân).

Theo UBND tỉnh Lai Châu, hiện nay có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP.

Theo phương án của Bộ Giao thông vân tải, cảng hàng không Lai Châu có công suất thiết kế dự kiến 0,5 triệu hành2 khách/năm, diện tích đất dự kiến 117 ha, chi phí đầu tư ước tính 4.350 tỷ đồng, địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Đồng Nai sẽ thu hồi 373 ha đất làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 

Các địa phương của tỉnh Đồng Nai hiện đang hoàn thiện các thủ tục để xây dựng các khu tái định cư phục vụ hai dự án giao thông lớn sắp được triển khai là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 TP HCM. 

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch đầu tư hoàn thiện toàn tuyến. 

Đối với Đồng Nai, để phục vụ xây dựng dự án dự kiến thu hồi diện tích đất gần 373 ha trên địa bàn TP Biên Hòa và huyện Long Thành, bố trí tái định cư cho hơn 2.000 hộ dân. 

Để phục vụ bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi, huyện Long Thành sẽ xây dựng hai khu tái định cư gồm khu tái định cư tại xã Long Đức và khu tái định cư tại xã Long Phước. 

Đối với TP Biên Hòa, việc xây dựng hai khu tái định cư cao tốc này phức tạp hơn vì trong các khu vực được quy hoạch xây dựng các khu tái định cư có phần đất của các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng. 

Do đó, TP Biên Hòa phải tính toán quỹ đất để vừa bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng như các hộ dân có đất bị thu hồi để phục vụ xây dựng hai khu tái định cư cho dự án này. 

 

 

Đầu tư 1.660 tỷ đồng xây cầu Kênh Vàng nối Bắc Ninh với Hải Dương 

Ngày 11/8, HĐND tỉnh Hải Dương đã thông qua Nghị quyết về việc chấp thuận tham gia đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu.

Theo đó, tỉnh Hải Dương sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ và tái định cư của dự án thuộc địa phận tỉnh Hải Dương và kinh phí khoảng 180 tỷ đồng thực hiện từ nguồn ngân sách của tỉnh Hải Dương.

Cuối năm 2021, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2025.

Điểm đầu dự án tại Km0+00 giao với quốc lộ 17 tại Km27+600 thuộc huyện Gia Bình, điểm cuối tại Km13+400 giao với quốc lộ 37 tại Km77+400 thuộc tỉnh Hải Dương.

Công trình có tổng chiều dài khoảng 13,4 km, trong đó, phần cầu Kênh Vàng dài khoảng 743 m, bề rộng dự kiến 23,5 m; phần đường dẫn hai đầu cầu dài 12,6 km, mặt đường rộng 15 m, thiết kế hai làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp.

Tổng mức đầu tư 1.480 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng địa phận Hải Dương). Ngân sách trung ương hỗ trợ 900 tỷ đồng.

Sau khi HĐND tỉnh Hải Dương thông qua mức vốn 180 tỷ đồng cho bồi thường và giải phóng mặt bằng địa phận Hải Dương, tổng vốn đầu tư toàn dự án là khoảng 1.660 tỷ đồng.

 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.