Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (1-7/8): Chậm nhất cuối 2022 hoàn thành đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội, đề án sáp nhập huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chậm nhất là 31/12/2022, Bắc Giang xây dựng đề án sáp nhập huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang, nghiên cứu mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành lên 8 làn xe, cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình với Nam Định dự kiến hoàn thành vào 30/4/2023, lùi thời gian khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sang ngày 2/9,... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Thủ tướng chốt tiến độ dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Sáng 7/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị nhà thầu thi công và TP Hà Nội để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, theo Cổng TTĐT Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính di chuyển trên tàu từ ga S8 về depot (Trung tâm Điều khiển) tại Nhổn và kiểm tra thực địa tại depot. (Ảnh: VGP).

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng nếu không có giải pháp quyết liệt thì dự án có thể tiếp tục kéo dài và phát sinh các vấn đề khác. Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ đã ban hành ba văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có những vướng mắc. 

Do đó, Thủ tướng có buổi kiểm tra thực tế và tổ chức cuộc làm việc này để rà soát tổng thể tình hình triển khai dự án; xác định những khó khăn, vướng mắc; giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ dự án; mốc tiến độ cần đạt được và công tác tổ chức thực hiện...

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chậm nhất là 31/12/2022 và rút ngắn ít nhất một nửa thời gian gian hoàn thành đoạn đi ngầm của dự án so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Ga Nhổn thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: Hồng Quân).

Theo các báo cáo, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án động thổ từ năm 2008, khởi công năm 2010 với dự kiến hoàn thành năm 2015. Song đến nay đến nay, tiến độ dự án mới đạt khoảng 75%. Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư cũng đội lên gấp đôi so với ban đầu, lên hơn 34.000 tỷ đồng.

Cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình với Nam Định dự kiến hoàn thành vào 30/4/2023

Cầu sông Hồng dài 1,4 km nối hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định) là dự án thành phần thuộc tuyến đường ven biển gần 4.000 tỷ chạy qua địa phận tỉnh Thái Bình. 

Cây cầu này có tổng chiều dài là 1,4 km với 27 nhịp, trong đó có 5 nhịp cầu chính và nhịp chính giữa sông vượt khẩu độ 120 m. Đến nay khối lượng thi công đã đạt trên 60%. Hiện công trình đang bước vào giai đoạn quan trọng, đơn vị thi công đang tập trung triển khai các hạng mục như mố, trụ cầu, đúc dầm cầu và cọc khoan nhồi trụ 20, 21...

Đơn vị thi công đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng và hợp long cầu sông Hồng vào dịp 30/4/2023.

Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài trên 43 km, đã bàn giao 9 km mặt bằng và đang triển khai thi công giai đoạn 1.

Đoạn còn lại trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải có chiều dài 34 km, đến nay đã thi công khuôn, nền đường được trên 25 km.

Xây dựng đề án sáp nhập huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang, thành lập thêm hai thị xã 

Tỉnh ủy Bắc Giang vừa ban hành nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang  giai đoạn 2022 - 2025  

Tỉnh định hướng xây dựng đề án sáp nhập huyện Yên Dũng với TP Bắc Giang; thành lập thị xã Việt Yên; sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn (mới) và huyện Sơn Động sau khi điều chỉnh phần diện tích thuộc Trường bắn Quốc gia TB1 về huyện Lục Ngạn (mới). 

Theo Kế hoạch do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành vào tháng 4, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 32,4%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 5 - 7%. Toàn tỉnh có 17 đô thị, trong đó TP Bắc Giang mở rộng là đô thị loại II; thị xã Việt Yên và thị xã Chũ đạt đô thị loại IV; ba đô thị loại IV là các thị trấn: Thắng, Đồi Ngô và Vôi; 11 thị trấn là đô thị loại V gồm 7 đô thị hiện có và 4 đô thị thành lập mới. 

TP Bắc Giang sẽ được mở rộng địa giới hành chính trên cơ sở sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn thành thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn.

Nghiên cứu mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành lên 8 làn xe 

Trong văn bản trả lời kiến nghị cử trị tỉnh Đồng Nai vừa qua, Bộ Giao thông vận tải cho biết việc mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là một phần của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Giai đoạn 1 cao tốc được hoàn thành tháng 6/2016 với quy mô 4 làn xe. 

Hiện hạm vi từ nút giao An Phú (TP HCM) đến nút giao Long Thành đã khai thác vượt so với năng lực thông hành của tuyến; phạm vi từ nút giao Long Thành đến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vẫn có thể bảo đảm khai thác với quy mô hiện hữu giai đoạn đến năm 2030.

 Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng. (Ảnh: Khải An).

Theo quy hoạch, đoạn TP HCM - Long Thành được quy hoạch với quy mô 10 làn xe, tiến trình đầu tư giai đoạn trước năm 2030. 

Như vậy, việc nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành (từ nút giao An Phú tới nút giao Long Thành) là cần thiết, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ được phê duyệt cũng như đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại của người dân. 

Bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành đoạn từ vành đai 2 TP HCM - nút giao Long Thành. 

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đã đề xuất phương án giao VEC tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành với quy mô 8 làn xe. 

Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo VEC hoàn thiện nghiên cứu; đồng thời phối hợp với các đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành, dự kiến hoàn thành đồng bộ với giai đoạn 1 sân bay Long Thành.

Lùi thời gian khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sang ngày 2/9 

Theo kế hoạch, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ được đưa vào sử dụng tạm thời từ ngày 1/8. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên tỉnh Quảng Ninh đã lùi thời gian khai thác sử dụng công trình này. 

Vừa qua, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý chủ trương gia hạn thời gian xây dựng đoạn Tiên Yên – Móng Cái đến này 31/8, toàn bộ tuyến Vân Đồn – Móng Cái sẽ được đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 2/9.

 Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ được đưa vào vận hành từ ngày 2/9. (Ảnh: quangninh.gov.vn).

Đối với đoạn Tiên Yên - Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công thảm các lớp bê tông nhựa mặt đường và các hạng mục còn lại, nhất là lớp thảm nhựa trên cùng, các hạng mục còn lại phải xong trước ngày 20/8. 

Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng Vân Đồn tiến hành công tác hoàn thiện công trường, vệ sinh công nghiệp, thực hiện các thủ tục nghiệm thu công trình, phương án tổ chức giao thông và báo cáo Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, đảm bảo điều kiện để Hội đồng tổ chức kiểm tra đồng bộ cả hai đoạn Vân Đồn - Tiên Yên và Tiên Yên - Móng Cái từ ngày 20/8 và xem xét đưa vào sử dụng từ 2/9. 

Được khởi công vào tháng 4/2019, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài hơn 80 km, quy mô 4 làn xe với vận tốc thiết kết tối đa 120 km/h. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, được chia làm hai dự án độc lập là đoạn thành phần Vân Đồn - Tiên Yên và Tiên Yên - Móng Cái. 

Cần Thơ đề xuất phương án kết nối cầu Ô Môn qua tỉnh Đồng Tháp 

UBND TP Cần Thơ mới đây có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất hai phương án tuyến kết nối với hợp phần cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu trên địa phận tỉnh Đồng Tháp. 

Phương án 1 là từ vị trí giao quốc lộ 80 ở khu vực đông nam TP Sa Đéc, tuyến đi về phía tây, giao cắt đường tỉnh 835, sau đó đi giữa khu vực quy hoạch hai dự án KCN Vinashin và Bắc Mương Khai, vượt sông Hậu tại ví trí cạc phá Thới An - Phong Hòa khoảng 2,5 km về phía thượng lưu, thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn. 

Tuyến tiếp đi về phía tây, giao quốc lộ 91 ở phía bắc cầu Ô Môn hiện tại, qua khu vực Viện lúa ĐBSCL, song song cách sông Ô Môn khoảng 2,5 km và song song với đường tỉnh 922E phía tây thị trấn Thới Lai để đi về phía Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Chiều dài toàn tuyến liên vùng khoảng 69 km. 

Phương án 2 dài khoảng 70 km, từ vị trí nút giao TP Sa Đéc với tuyến N1 quy hoạch (phía đông nam TP Sa Đéc), tuyến đi về phía tây nam, giao cắt quốc lộ 80 và đường tỉnh 852, sau đó đi giữa khu vực quy hoạch hai KCH Vinashin và Bắc Mương Khai, nhập vào hướng huyến của phương án 1.

Chờ Trung Quốc phản hồi về đề xuất kết nối đường sắt Lào Cai - Vân Nam 

Cử tri tỉnh Lào Cai mới đây đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan sớm phê duyệt chủ trương đầu tư, tiếp tục phối hợp với phía Trung Quốc để đàm phán ký kết hiệp định và nghị định thư trong việc triển khai dự án kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).  

Trả lời vấn đề này, Bộ cho biết thời gian qua đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với các bộ, ngành và UBND tỉnh Lào Cai chủ động xúc tiến nghiên cứu về phương án kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc, đã làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để trao đổi thống nhất phương án kết nối.  

Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức của phía Trung Quốc đối với đề xuất của phía Việt Nam. 

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc để nước này sớm có phản hồi chính thức về phương án kết nối. 

Thi công trở lại cao tốc Bến Lức - Long Thành trong quý III 

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Long An về tiến độ thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã có các báo cáo gửi Chính phủ và thường xuyên làm việc với các cơ quan liên quan (Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA, Kiểm toán nhà nước...) để tháo gỡ các vướng mắc của dự án.  

Đến nay, Bộ Chính trị và Quốc hội đã thông qua chủ trương tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn của công trình, Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan đang khẩn trương trình Chính phủ hoàn thiện thủ tục để bố trí vốn cho dự án.  

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải và chủ đầu tư đang chỉ đạo các nhà thầu để tái khởi động dự án, phấn đấu triển khai thi công trở lại trong quý III/2022.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8 km, tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, đi qua tỉnh Long An, TP HCM và tỉnh Đồng Nai. 

Tuyến bắt đầu tại điểm giao với cao tốc TP HCM - Trung Lương và vành đai 3 của TP HCM; điểm cuối giao quốc lộ 51 (Đồng Nai). Dự án thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A với 4 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h.

Gần 1.200 tỷ đồng nâng cấp đường sắt Vinh - Nha Trang  

Bộ GTVT vừa phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM với tổng chiều dài dự án hơn 995,7 km. 

Dự án gồm các hạng mục: Cải tạo các cầu yếu; cải tạo kiến trúc tầng trên, sửa chữa nền đường yếu một số đoạn; cải tạo bình diện các vị trí có bán kính đường cong và một số hạng mục công trình đồng bộ (cống thoát nước); cải tạo, nâng cấp một số ga hành khách và hàng hóa. 

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm (2022 - 2025). Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. 

Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang thuộc gói 7.000 tỷ vốn trung hạn 2016 - 2020.

Dự kiến khởi công sân bay Quảng Trị vào quý I năm sau 

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, dự án cảng hàng không tỉnh này đang vào giai đoạn sắp thống nhất để thông qua báo cáo khả thi. 

Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án do CTCP Tập đoàn T&T lập đã hoàn thiện theo ý kiến tham gia của các sở, ban ngành, địa phương. 

UBND tỉnh cũng đã có tờ trình gửi HĐND tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết cho ý kiến về tác động của việc thực hiện dự án. 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng khẳng định tầm quan trọng của cảng hàng không đối với sự phát triển chung của tỉnh, lưu ý trong quá trình thực hiện dự án cần quan tâm đến yếu tố tạo sự khác biệt nhằm thu hút các nhà đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là khâu quy hoạch, cần rà soát tổng thể quy hoạch để nhà đầu tư thấy có lợi khi triển khai dự án. 

Về tiến độ, Bí thư tỉnh này cho biết đã thống nhất trong tháng 8/2022 sẽ thông qua báo cáo khả thi và phấn đấu trong quý I/2023 khởi công dự án.

chọn
Người trẻ 9X cần 26 năm thu nhập để mua căn hộ 3 tỷ đồng
Thống kê của batdongsan.com.vn, năm 2024, một cá nhân 9x cần khoảng 26 năm thu nhập để mua căn hộ trên với giá 3 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%.