Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (27/6-3/7): Duyệt báo cáo đường nối dài đại lộ Thăng Long, nghiên cứu mở rộng cao tốc và đường sắt nối sân bay Long Thành

Hà Nội duyệt báo cáo đường nối dài Đại lộ Thăng Long từ QL21B đến cao tốc Hà Nội - Hoà Bình, nghiên cứu mở rộng cao tốc và các tuyến đường sắt kết nối sân bay Long Thành, TP HCM chỉ đạo lập kế hoạch bồi thường, GPMB dự án vành đai 3, đề xuất nâng cấp mở rộng sân bay Cam Ranh, Thọ Xuân,... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

TP HCM chỉ đạo lập kế hoạch bồi thường, GPMB dự án vành đai 3 

UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn gửi các sở, ban ngành liên quan về việc triển khai thực hiện dự án vành đai 3 TP HCM. 

Theo đó, thành phố sẽ thành lập ban chỉ đạo về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP HCM. Ban chỉ đạo có chức năng lãnh đạo giải quyết lập tức các vấn đề phát sinh cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện dự án thành phần như kỹ thuật, vật liệu, chính sách bồi thường… 

Ngoài ra, thành phố thành lập ban chỉ huy dự án để điều hành giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. 

 Đồ họa: Đức Bùi.

UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch chi tiết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ dự án; hướng dẫn các địa phương thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sở Quy hoạch và Kiến trúc hướng dẫn các địa phương rà soát đồ án quy hoạch có liên quan đến dự án.

Duyệt báo cáo đường nối dài Đại lộ Thăng Long từ QL21B đến cao tốc Hà Nội - Hoà Bình 

UBND TP Hà Nội vừa duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long đoạn nối từ quốc lộ 21B đến cao tốc Hà Nội - Hoà Bình do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư. 

Tổng chiều dài tuyến khoảng 6,7 km, điểm đầu kết nối với nút giao hoa thị giữa Đại lộ Thăng Long với quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất. Điểm cuối nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình tại vị trí giao với đường Làng Văn Hóa, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất có mặt cắt ngang từ 120 m - 180 m. 

Dự án cao tốc nối từ đại lộ Thăng Long đến đường Hòa Lạc - Hòa Bình. (Ảnh: Google Maps).

Trên tuyến có 4 công trình cầu (vượt sông, đường ngang) và 5 công trình hầm (một hầm chui trực thông dọc tuyến chính phục vụ thành phần đường cao tốc và 4 hầm chui dân sinh ngang đường). 

Hà Nội cho biết việc đầu tư cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình nhằm từng bước hoàn chỉnh toàn bộ đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía tây và tây nam, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía tây và kết nối với đường Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu mở rộng cao tốc và các tuyến đường sắt kết nối sân bay Long Thành

Tại thông báo kết luận mới đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công tác san nền, đào đắp đất dự án sân bay Long Thành còn lại rất nhiều (khoảng 90%), do đó, yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV xây dựng kế hoạch triển khai hàng tháng gửi Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, theo dõi, chịu trách nhiệm về tiến độ hoàn thành hạng mục san nền trong 15 tháng theo đúng cam kết. 

Dự kiến hồ sơ thiết kế công trình nhà ga hành khách sẽ được duyệt vào tháng 7/2022 để khởi công vào tháng 10/2022; thiết kế đường cất hạ cánh vào tháng 9/2022 để khởi công vào tháng 12/2022.

 Phối cảnh dự án sân bay Long Thành. (Ảnh: Hồng Quân).

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) được giao triển khai công tác khảo sát, thiết kế dự án thành phần 2 (hoàn thành trong tháng 6/2022) để triển khai các công việc tiếp theo, bảo đảm hoàn thành thi công xây lắp, cung cấp thiết bị vào cuối năm 2024. 

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với đơn vị liên quan đối với việc nghiên cứu triển khai mở rộng tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cùng với các tuyến đường đang triển khai thi công; việc đầu tư các tuyến đường ĐT.773 và ĐT.770B và các tuyến đường sắt kết nối Cảng hàng không Long Thành theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 105 của Văn phòng Chính phủ.

Đề xuất nâng công suất sân bay Cam Ranh lên 25 triệu khách/năm

Theo Cục Hàng không Việt Nam, quy hoạch sân bay Cam Ranh giai đoạn đến năm 2020 lượng hành khách đạt 5,5 triệu hành khách/năm, định hướng đến năm 2030 lượng hành khách tiếp nhận đạt 8 triệu hành khách/năm. 

Tuy nhiên, thực tế khai thác năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã đón 10 triệu lượt khách thông qua cảng. 

Theo nội dung điều chỉnh quy hoạch sân bay Cam Ranh, Cục Hàng không đề xuất trong thời kỳ 2021-2030 sẽ có công suất 25 triệu hành khách/năm và 55.000 tấn hàng hóa/năm. Sân bay có tổng số vị trí đỗ tàu bay là 75 vị trí; loại tàu bay khai thác là Boeing 747, Boeing 777, Boeing 787, Airbus 321, Airbus 350,.. 

 Lối vào sân bay Cam Ranh. (Ảnh: Huy Hoàng).

Về nhà ga hàng không, Cục Hàng không đề xuất trong thời kỳ 2021-2030 sẽ xây dựng nhà ga hành khách T1 theo nhu cầu, công suất quy hoạch 21 triệu hành khách/năm (quốc nội 8,5 triệu hành khách/năm, quốc tế 12,5 triệu hành khách/năm), giữ nguyên nhà ga T2 quốc tế công suất 4 triệu hành khách/năm. 

Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ cải tạo nhà ga T2 và hợp khối nhà ga T1 thành nhà ga T1 (quốc tế) mới công suất 24 triệu hành khách/năm. Xây mới nhà ga T3 (quốc nội) công suất 12 triệu hành khách/năm đảm bảo theo dự báo tầm nhìn đến năm 2050 đạt 36 triệu hành khách/năm. 

Nhu cầu vốn đầu tư sân bay Cam Ranh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến là 39.376 tỷ đồng.

Sẽ giải phóng mặt bằng 90-120 m chiều ngang toàn tuyến vành đai 4 vùng Thủ đô 

Tại buổi tiếp xúc với các cử tri huyện Đông Anh, quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm vào ngày 27/6 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết vành đai 4 là dự án đặc biệt quan trọng với Thủ đô, không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư nội đô, giúp giải bài toán mất cân đối, quá tải hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. 

Đồ họa: Đức Bùi.

Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cho biết thành phố sẽ giải phóng toàn tuyến từ 90 đến 120 m chiều ngang; đưa đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô, chuyển tuyến đường sắt từ Yên Viên đến ga Hà Nội hiện nay thành tuyến đường sắt đô thị. 

Trong chiều ngày 27/6, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã họp chỉ đạo triển khai dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô. 

Đề xuất đầu tư gần 20.500 tỷ đồng xây 88 km cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn 

Ban Quản lý dự án 2 vừa trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đề xuất, tuyến có tổng chiều dài khoảng 88 km. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi là 60,3km, tỉnh Bình Định là 27,7 km. 

Điểm đầu dự án tại tại Km0 (Km127+720 của đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), thuộc địa phận xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. 

Điểm cuối tại Km88 (trước giao cắt tỉnh lộ 629), thuộc phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. 

Hướng tuyến dự kiến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Ảnh: quangngai.gov.vn). 

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.  Trên tuyến dự kiến xây dựng 6 nút giao, ba hầm đường bộ, trong đó hầm dài nhất là hơn 3.200 m. 

Dự án có tổng mức đầu tư là 20.469 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn đầu tư công; dự kiến khởi công vào quý IV/2022, cơ bản hoàn năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành năm 2026. 

TP HCM muốn làm đường 12 làn xe nối cảng Cát Lái với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và vành đai 3 

UBND TP HCM vừa đề nghị Bộ GTVT cho ý kiến về tuyến đường mới kết nối cảng Cát Lái với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và vành đai 3.

TP HCM đã nghiên cứu bổ sung quy hoạch, đầu tư tuyến đường kết nối cảng Cát Lái - Phú Hữu - cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và vành đai 3 TP HCM để phục vụ vận tải hàng hóa ra vào cảng Cát Lái. 

Theo đó, tuyến đường mới dài khoảng 6 km, quy mô 12 làn xe, vận tốc 60 km/h, bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định, đi qua rạch Ông Nhiêu, điểm cuối tại nút giao vành đai 3. 

Trong đó, đoạn từ Nguyễn Thị Tư đến rạch Ông Nhiêu bao gồm cầu cạn và đường song hành hai bên. Đoạn từ Rạch Ông Nhiêu đến vành đai 3 đi trên cao. Từ cảng Phú Hữu sẽ có 2 nhánh cầu lên xuống, điểm cuối tuyến sẽ kết nối vành đai 3 tại nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 59 ha. 

Việc hình thành tuyến đường liên cảng nhằm phục vụ vận tải hàng hóa ra vào cảng Cát Lái, đồng thời chia sẻ lưu lượng xe cho các tuyến Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh. 

Bình Dương quy hoạch Bến Cát thành đô thị công nghiệp - dịch vụ với 6 phân khu 

Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thị xã Bến Cát đến năm 2040 xác định diện tích lập quy hoạch toàn thị xã là 23.435 ha. Ranh giới hành chính Bến Cát gồm 7 phường (Mỹ Phước, Thới Hòa, Tân Định, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa, An Tây, An Điền) và xã Phú An, được phân chia thành 6 phân khu đô thị. 

Cụ thể, Khu đô thị 1 chức năng là khu trung tâm hành chính - dịch vụ - công nghiệp, vị trí thuộc phía Đông sông Thị Tính và được giới hạn trên cơ sở tuyến đường vành đai 4 ở phía nam, đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng ở phía đông. 

Khu đô thị 2 chức năng là khu đô thị dịch vụ - giáo dục - công nghiệp, vị trí thuộc phía đông sông Thị Tính và được giới hạn  trên cơ sở tuyến đường vành đai 4 ở phía bắc, đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng ở phía đông. 

Khu đô thị 3 chức năng là khu đô thị công nghiệp - dịch vụ, vị trí được giới hạn trên cơ sở tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng ở phía tây, đường vành đai 4 ở phía nam. 

Khu đô thị 4 chức năng là khu đô thị công nghiệp - dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật; vị trí được giới hạn trên cơ sở tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng ở phía tây, đường Vành đai 4 ở phía nam. 

Khu đô thị 5 chức năng là khu đô thị công nghiệp - dịch vụ, vị trí thuộc phía tây sông Thị Tính đến giáp sông Sài Gòn và được giới hạn bởi tuyến đường vành đai 4 ở phía nam. 

Khu đô thị 6 chức năng là khu đô thị cảng - dịch vụ; vị trí thuộc phía tây sông Thị Tính đến giáp sông Sài Gòn và được giới hạn bởi tuyến đường vành đai 4 ở phía bắc. 

Thanh Hóa muốn xây thêm nhà ga T2 sân bay Thọ Xuân 

Trong công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Thanh Hóa cho biết nhà ga hành khách T1 sân bay Thọ Xuân đang khai thác các đường bay nội địa với công suất vượt công suất thiết kế, không có khu vực cách ly ga quốc nội, quốc tế, khu vực quản lý xuất nhập cảnh, hải quan nên chưa đảm bảo cho khai thác các đường bay quốc tế.  

UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư hoặc bố trí nguồn vốn hợp pháp khác từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 và hạ tầng đồng bộ sân bay Thọ Xuân trong giai đoạn 2022-2025.   

Nhà ga hành khách mới T1 được đưa vào vận hành từ tháng 1/2016 với công suất thiết kế 1,2 triệu lượt hành khách/năm.  

Với tốc độ khai thác như hiện nay, dự kiến đến hết năm 2022 lượng hành khách qua cảng đạt khoảng 1,4 triệu lượt, vượt công suất thiết kế nhà ga T1.  

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt quy hoạch cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giai đoạn 2021-2030 sân bay sẽ được cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu T1 và xây mới nhà ga hành khách T2 (hai cao trình), tổng công suất thiết kế nhà ga hành khách đạt 5 triệu lượt hành khách/năm; xây thêm một ga hàng hóa đáp ứng công suất 27.000 tấn/năm.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/7 - 26/7): Hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang, chính thức mở rộng TP Nam Định
Chính thức mở rộng TP Nam Định; thông tin mới về dự án khép kín đường Vành đai 3 Hà Nội qua huyện Đông Anh; hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang; duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Cam Ranh... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.