Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (30/5-5/6): Đông Anh và Gia Lâm dự kiến lên quận năm 2023, TP HCM sẽ có thêm 4 thành phố

Trong tuần qua, các thông tin quy hoạch nổi bật có thể kể đến như Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, bố trí vốn cho các dự án cao tốc trọng điểm phía Nam; Hà Nội và TP HCM họp triển khai đề án xây dựng các huyện lên quận và thành phố trực thuộc; tổ chức hội thảo “Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long"; đại biểu Quốc hội kiến nghị sớm làm cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang Đồng Nai; đề xuất đầu tư hơn 38.000 tỷ đồng làm đường trên cao tại TP HCM,...

Quốc hội họp về Luật Quy hoạch, mới có 7/111 quy hoạch được duyệt

Trong tuần qua, Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Đến nay có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, nhưng tới bước lập chỉ 7 trong 111 quy hoạch được xem xét, phê duyệt, trong đó có một quy hoạch quốc gia, hai quy hoạch vùng, tỉnh và 4 quy hoạch ngành.

Trong 7 quy hoạch được phê duyệt thì cũng bộc lộ ngay một số bất cập. Đơn cử như quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa thể hiện rõ mối quan hệ với TP HCM và vùng miền Đông Nam Bộ, bốn quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải chưa thể hiện tính đồng bộ,...

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc công bố công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm, chưa liên tục là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai.

Đông Anh và Gia Lâm dự kiến lên quận vào năm 2023

Sáng 2/6, Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận (Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng) của TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng thực hiện đề án này.

Các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng đều có tiêu chí giữ nguyên so với thời điểm tháng 12/2021. Riêng huyện Đông Anh sau khi rà soát và tích cực thực hiện đã tăng thêm 5 tiêu chí.

 Nhiều dự án lớn đổ về, hạ tầng Đông Anh đang được đầu tư. (Ảnh: Hạ Vũ).

Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đến năm 2025 sẽ có hai huyện là Đông Anh và Gia Lâm có khả năng hoàn thành đề án, ba huyện còn lại Hoài Đức, Thanh Trì và  Đan Phượng còn chưa hoàn thành 3 đến 6 tiêu chí, việc hoàn thành đề án đến năm 2025 khó khả thi. 

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, thời gian tới các ban ngành xác định lộ trình và tới đây báo cáo với Thường vụ quyết tâm phấn đấu đến năm 2023 đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận.

TP HCM định hướng 4 huyện lên thành phố, Nhà Bè sẽ lên quận

Sáng 2/6, UBND TP HCM tổ chức hội nghị triển khai các đề án khoa học thuộc đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP HCM giai đoạn 2021-2023.

Đối với các tiêu chuẩn khi chuyển huyện thành quận hoặc thành phố, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè vẫn còn tiêu chí chưa đạt. Trong đó, huyện Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí nhất với 26/30 tiêu chí, huyện Cần Giờ là địa phương thấp nhất chỉ có 19/30 tiêu chí.

Theo định hướng, huyện Cần Giờ phát triển thành thành phố trực thuộc TP HCM theo hướng xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao; Củ Chi định hướng phát triển đô thị sinh thái, các khu du lịch sinh thái ven sông; xây dựng, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao.

Huyện Hóc Môn sẽ phát triển thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và ngành logistics; còn Bình Chánh đề ra các chương trình đột phá gồm chương trình đột phá đổi mới phát triển, đột phá hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.

Riêng huyện nhà Nhà Bè sẽ được TP HCM định hướng thành quận đô thị vệ tinh gắn với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung xây dựng quy hoạch đô thị mang tính đa địa phương, phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, giao thông thống suốt.

Dành 9.620 tỷ trong gói phục hồi cho ba dự án cao tốc phía Nam

Sáng 4/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương với tổng mức vốn hơn 149.201 tỷ đồng cho 4 dự án đường cao tốc, quốc lộ thuộc lĩnh vực giao thông; 965 tỷ đồng các bộ, cơ quan Trung ương đề xuất không bố trí vốn từ Chương trình nên không đủ điều kiện thông báo vốn để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về đề xuất của Chính phủ về việc dành 9.620 tỷ đồng trong tổng số gói 176.000 tỷ đồng thuộc Nghị quyết 43 của Quốc hội để phân bổ vốn cho 3 dự án đường cao tốc.

Trong đó, có 3.800 tỷ đồng dành cho dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; hơn 2.320 tỷ đồng cho dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và 3.500 tỷ đồng cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế miền Tây

Trong tuần qua, tại hội thảo “Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết vùng có 2.688 km đường bộ đã và đang được đầu tư, nhiều cầu lớn đã và đang được đầu tư như cầu Mỹ Thuận, Vàm Công, Cao Lãnh…

Tuy nhiên, đường cao tốc chỉ có 91 km (đoạn TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km đường cao tốc của cả nước, chiếm tỷ lệ 7%.

 Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông xe vào hồi tháng 1. (Ảnh: Zing).

Theo kế hoạch, đến năm 2030 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 760 km đường cao tốc, đến năm 2050 là 1.180 km đường cao tốc.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 vùng có nhiều dự án triển khai và hoàn thành như tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 dài 30 km với tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng, đầu tư tuyến Cà Mau - Cần Thơ 109 km tổng mức đầu tư trên 27.000 tỷ đồng.

Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chiều dài 188 km tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải đang lập dự án cao tốc  Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, dự kiến khởi công trong năm 2023, tuyến Cao Lãnh - An Hữu dài 27 km, Tiếp tục đầu tư một số hạng mục để tổ chức khai thác đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi 80 km.

Đề nghị sớm làm cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2021, đại biểu đoàn Điện Biên Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ cho phép triển khai dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang trước năm 2030.

Theo nữ đại biểu, việc đầu tư dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang trước năm 2030 sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đưa Điện Biên trở thành cửa ngõ kết nối khu vực Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, khu vực Đông Bắc Thái Lan và Tây Nam Trung Quốc phát triển hành lang kinh tế Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

 Nguồn: Điện Biên TV.

Trong tờ trình gửi Thủ tướng, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị xem xét, giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 (TP Điện Biên Phủ - nút giao Km15+800/Quốc lộ 279), theo phương thức PPP, loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL).

Tuyến dài 50 km, gồm 45 km tuyến chính và 5 km đoạn kết nối vào quốc lộ 279 để đảm bảo việc vận hành, kết nối khai thác, tổng mức đầu tư dự án ước khoảng 8.177 tỷ đồng chưa gồm lãi vay.

Đã bàn giao hơn 91% diện tích mặt bằng dự án sân bay Long Thành

UBND huyện Long Thành tiếp tục bàn giao thêm gần 70 ha đất dự án sân bay Long Thành cho Cảng vụ Hàng không miền Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Cụ thể, đất bàn giao gồm 16,8 ha thuộc khu vực 1.810 ha xây dựng sân bay giai đoạn 1, hơn 44 ha thuộc khu vực 722 ha dùng để làm khu vực dự trữ đất dôi dư và hơn 8 ha thuộc khu vực thực hiện xây dựng sân bay giai đoạn 2.

Tính đến thời điểm này, Đồng Nai đã thực hiện bàn giao diện tích đất khoảng 2.319 ha phục vụ dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, đạt hơn 91% tổng diện tích đất cần bàn giao và đảm bảo diện tích cho các đơn vị thi công xây dựng.

Dự chi hơn 5.870 tỷ đồng làm đường với nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa nghe báo cáo nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư tuyến giao thông kết nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn từ nút giao QL.56 (TP Bà Rịa) đến vòng xoay 51B (TP Vũng Tàu).

Tuyến giao thông kết nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ nút giao QL.56 đến vòng xoay đường 51B, 51C, gồm hai đoạn: Đoạn từ nút giao QL.56 đến vòng xoay Vũng Vằn dài 6,1 km đi qua địa bàn TP Bà Rịa và huyện Long Điền; đoạn còn lại từ vòng xoay Vũng Vằn đến vòng xoay đường 51B, 51C dài khoảng 9,5 km đi qua địa bàn huyện Long Điền và TP Vũng Tàu. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư giai đoạn 1 cả hai đoạn tuyến khoảng 5.876 tỷ đồng.

Đề xuất đầu tư hơn 38.000 tỷ đồng làm đường trên cao tại TP HCM

CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) vừa đề xuất dùng nguồn vốn xã hội xây đường trên cao trục Bắc - Nam dài khoảng 14 km (từ đường Cộng Hòa đến Nguyễn Văn Linh). Tuyến trên cao này kết nối trung tâm thành phố với khu đô thị Nam Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 38.000 tỷ đồng.

Dự án chia làm 3 đoạn. Đoạn 1 dài 3,4 km từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh, đi dọc theo đường Cộng Hòa đến nút giao Lăng Cha Cả; đoạn 2 dài 2,6 km từ nút giao Lăng Cha Cả, dọc theo Bùi Thị Xuân đến vị trí cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, qua hẻm số 656 Cách Mạng Tháng Tám - ngã ba Bắc Hải - Thành Thái.

Đoạn 3 dài 8,1 km (từ ngã ba Bắc Hải – Thành Thái theo Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn đến đường Nguyễn Văn Linh (tại vị trí tiếp giáp giữa nút giao cầu Ông Lớn và cầu Ông Bé trên đường Nguyễn Văn Linh).

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.