Miền Tây sẽ có 1.180 km đường bộ cao tốc, đang nghiên cứu 174 km đường sắt TP HCM - Cần Thơ

Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có 91 km đường bộ cao tốc trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm 7%. Tới năm 2050 vùng sẽ có 1.180 km cao tốc, song gặp nhiều vướng mắc như tổng vốn đầu tư lớn, suất đầu tư cao gấp 1,3 - 1,5 lần so khu vực khác.

Sẽ có 1.180 km cao tốc, nhu cầu vốn rất lớn

Sáng nay, tại hội thảo “Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long” do Báo Thanh Niên tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm về nông nghiệp, thủy hải sản, du lịch của cả nước. Về hạ tầng giao thông có 2.688 km đường bộ đã và đang được đầu tư, nhiều cầu lớn đã và đang được đầu tư như cầu Mỹ Thuận, Vàm Công, Cao Lãnh…

Tuy nhiên, đường cao tốc chỉ có 91 km (đoạn TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km đường cao tốc của cả nước, chiếm tỷ lệ 7%.

Nguyên nhân là nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng, suất đầu tư cao (thường cao hơn 1,3-1,5 lần so với các khu vực khác của cả nước do kết cấu địa chất) do đó khó thu hút nguồn lực xã hội hóa…

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông xe vào hồi tháng 1. (Ảnh: Zing).

Theo kế hoạch, đến năm 2030 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 760 km đường cao tốc, đến năm 2050 là 1.180 km đường cao tốc.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 vùng có nhiều dự án triển khai và hoàn thành như tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 dài 30 km với tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng, đầu tư tuyến Cà Mau - Cần Thơ 109 km tổng mức đầu tư trên 27.000 tỷ đồng.

Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chiều dài 188 km tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải đang lập dự án cao tốc  Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, dự kiến khởi công trong năm 2023, tuyến Cao Lãnh - An Hữu dài 27 km, Tiếp tục đầu tư một số hạng mục để tổ chức khai thác đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi 80 km theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tất cả đều sử dụng nguồn vốn đầu tư công và đã xác định nguồn vốn để triển khai.

Như vậy, toàn vùng sẽ có 550 km đến năm 2025. Giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục hoàn thành thêm 637 km với tổng nhu cầu vốn trên 200.000 tỷ đồng.

Theo ông Lâm, nhu cầu vốn để hoàn thành hệ thống cao tốc giai đoạn 2026 - 2030 rất lớn, ngoài ngân sách Trung ương, huy động nguồn lực xã hội, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua cần ưu tiên, phân bổ ngân sách địa phương, đồng thời trực tiếp quản lý, thực hiện đầu tư các tuyến cao tốc qua địa bàn.

Làm đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ tạo sức bật cho kinh tế vùng

Tại hội thảo, Tiến sỹ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đặt vấn đề vì sao Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích hơn 4 triệu ha, dân số 19 triệu, là vựa lúa, lương thực, trái cây…của cả nước nhưng vẫn là vùng trũng của cả nước?

Theo ông Lịch, có ba nguyên nhân lớn là hạ tầng giao thông, cơ cấu kinh tế thuần nông chậm chuyển đổi và nguồn nhân lực chưa đáp ứng. Dù thời gian qua, vùng miền Tây đã được ưu tiên đầu tư nhưng vẫn ở mức trung bình, chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, dù có vị trí tiềm năng rất lớn nhưng vùng này vẫn chậm phát triển.

Hiện hạ tầng giao thông đang có sự bất cân xứng rất lớn. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn chỉ nối kết với vùng Đông Nam bộ dựa vào tuyến quốc lộ 1A, trong khi đó giao thông thuỷ vẫn chưa được khai thác tối đa. Bên cạnh đầu tư nội vùng đã khá tốt nhưng cần phải tập trung vào cao tốc Cần Thơ - Châu Đốc và các tuyến đường khác để biến TP Cần Thơ thành trung tâm, chiến lược của vùng…

Ông Lịch cũng cho rằng ngoài hoàn thành các tuyến đường cao tốc thì phải tập trung xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Đây là yếu tố quyết định về giao thông, giúp phát triển cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai.

“Quan hệ kinh tế giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ là mối quan hệ khăng khít và dựa vào nhau để cùng phát triển. Các đề án và hệ thống giao thông dọc và ngang Bộ Giao thông vận tải đang làm theo tinh thần quy hoạch, thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị kể cả trục dọc trục ngang, nhưng tôi thấy dường như chưa đánh giá đúng mức tuyến đường sắt nối Cần Thơ - TP HCM. Đây là con đường chiến lược để phát triển”, chuyên gia kinh tế nói.

Tại hội thảo, CTGroup đã trình bày phương án thiết kế dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ dài 174 km, khổ đôi 1.435 mm với tổng vốn đầu tư 174.000 tỷ đồng. Tuyến bắt đầu từ ga An Bình (Dĩ An, Bình Dương), kết thúc tại ga Cần Thơ (Phú Thứ, quận Cái Răng) với 13 ga đi qua Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.