Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20-26/6): Công bố quy hoạch vùng ĐBSCL, giao các tỉnh làm cao tốc

Công bố quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2030, dự kiến tháng 6/2023 khởi công đường vành đai 3 TP HCM, Hà Nội chốt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, giao một số tỉnh nghiên cứu làm cao tốc, TP HCM tính mở làn riêng cho xe đạp trên xa lộ Hà Nội,... là những  thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 500 km cao tốc

Ngày 21/6, tại Cần Thơ diễn ra Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030.

Đây là quy hoạch vùng đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch, thể hiện "tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới" cho tương lai phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày về kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải của vùng trong thời gian tới.

Nêu một số điểm đột phá về giao thông đã và sẽ triển khai trong thời gian tới, về đường biển, tư lệnh ngành giao thông cho biết đã bổ sung cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng), xem như là cửa ngõ chính của vùng miền Tây, để tàu 80.000-100.000 tấn có thể hoạt động khu vực này.

Về hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, ba sân bay đang được nghiên cứu để nâng cấp là Phú Quốc, Cà Mau và Rạch Giá.

Về đường bộ, Bộ trưởng cho biết có 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này.

Hiện nay, cả vùng đồng bằng mới có 90 km đường cao tốc và đang triển khai 30 km nữa. Như vậy, trong những năm qua triển khai được 120 km mà mới đạt được 90 km. Trong nhiệm kỳ này, Bộ Giao thông vận tải bố trí đầu tư 400 km đường cao tốc, gồm những trục chính kết nối TP HCM với Cần Thơ, từ Cần Thơ kết nối mũi Cà Mau.

Một tuyến cao tốc quan trọng nữa là An Thủ (Cao Lãnh) qua Rạch Giá. Nếu đạt kế hoạch thì cuối nhiệm kỳ này có thể đạt 400 km đường cao tốc, cộng với khoảng 130 km hiện nay đang triển khai thì sẽ có 500 km đường cao tốc.

Hà Nội chốt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo

Hà Nội lựa chọn phương án đoạt giải nhất cuộc thi tuyển chọn kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hồi tháng 10/2021.

Thiết kế được lựa chọn xây dựng cầu Trần Hưng Đạo (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp).

Phương án này có thiết kế với kết cấu vòm, hai đường cong tiếp xúc nhau, lặp lại 6 nhịp, tạo biểu tượng về không gian và thời gian.

Cầu chính dài 900 m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5 km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.

Đơn vị thiết kế phương án này từng giải thích, kiến trúc cầu lấy cảm hứng từ sự giao thoa giữa Hà Nội cổ kính và Hà Nội hiện đại hai bên bờ sông Hồng thông qua hình ảnh những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu, tạo nên những vòng kết nối vô tận.

Cầu gồm hai chiều, mỗi chiều hai làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Ngoài ra, các khoảng không được tận dụng bố trí làn xe đạp tại vị trí sát vành vòm.

Phần đường dành cho người đi bộ nằm ngoài vành vòm. Đầu cầu có đường lên xuống cho người đi bộ. Trụ cầu có các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu. Hai đầu cầu có công viên phục vụ người dân vui chơi, giải trí.

Dự kiến tháng 6/2023 khởi công đường vành đai 3 TP HCM

Tại buổi kiểm tra buổi kiểm tra hiện trường một số dự án giao thông phía Nam vào ngày 20/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương tập trung cao độ cho đường vành đai 3 TP HCM, triển khai đồng thời các bước chuẩn bị để trong vòng một năm, đến tháng 6/2023 có thể khởi công dự án.

Vành đai 3 TP HCM kết hợp cùng cao tốc Bến Lức - Long Thành tạo nên vòng tròn khép kín hoàn chỉnh. (Ảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM).

Đối với dự án Bến Lức - Long Thành, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, cơ bản hình thành tuyến đường. Lãnh đạo Chính phủ giao các địa phương đẩy nhanh tiến độ, trước mắt là giải phóng để bàn giao dứt điểm mặt bằng, TP HCM và Đồng Nai cần tập trung xử lý dứt điểm, hoàn thành trong tháng 7/2022.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công tháng 10/2014, trong quá trình thực hiện, dự án gặp vướng mắc về vốn đầu tư dẫn đến dừng thi công từ giữa năm 2019.

Công trình có chiều dài 57,8 km, đi qua tỉnh Long An (2,7 km), TP HCM (26,4 km) và tỉnh Đồng Nai (28,7 km). Tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ADB, JICA.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành có một đoạn dài khoảng 38 km (từ nút giao cao tốc TP HCM - Trung Lương đến đoạn nút giao vành đai 3 TP HCM tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) sẽ kết hợp cùng đường vành đai 3 TP HCM tạo thành vành đai hoàn chỉnh.

Toàn tuyến có 11 gói thầu xây lắp chính, sản lượng thi công đạt khoảng 78,96% (10.858 tỷ đồng/13.751 tỷ đồng tổng giá trị các hợp đồng).

Giao các tỉnh nghiên cứu làm cao tốc

Tại thông báo kết luận mới đây, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bình Định, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số đối tác khác nghiên cứu đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, trong đó ưu tiên phương thức BOT hoặc đối tác công tư PPP để huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội tham gia, mục tiêu đầu tư ngay trong nhiệm kỳ này.

Kết luận trên được đưa ra sau khi tỉnh Gia Lai đề nghị bố trí vốn đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giúp tỉnh tìm đối tác để sớm triển khai đầu tư trước năm 2030.

Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Bình Định, các nhà đầu tư… trong quá trình tổ chức nghiên cứu phương án đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.

Về tuyến cao tốc này, CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) mới đây đặt vấn đề với tỉnh Gia Lai về nghiên cứu dự án.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng vừa đồng ý giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BTL (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ) trong giai đoạn 2022 - 2030.

Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 1/9/2021. Việc sớm được đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này sẽ mở ra cơ hội lớn cho tỉnh Điện Biên; nhất là tháo gỡ được nút thắt về giao thông để Điện Biên nâng cao năng lực kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, vùng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Đề xuất chi gần 15.000 tỷ đồng xây cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh

Ban quản lý dự án 85 vừa trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, theo Báo Đầu tư.

Tuyến có điểm đầu tại Km0+200 (sau nút giao quốc lộ 19), thuộc phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, kết nối với điểm cuối đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn; điểm cuối tại Km66+965,91, thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, kết nối với điểm đầu đoạn Chí Thạnh - Vân Phong.

Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án khoảng 66,76 km, bao gồm 5,1 km đi chung với dự án hầm đường bộ Cù Mông. Hướng tuyến đi song song và cách quốc lộ 1 khoảng 0,5 - 6,5 km tùy theo từng vị trí.

Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 14.853 tỷ đồng, sẽ được cân đối điều hòa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo gói phục hồi kinh tế

Dự án sẽ khởi công dự kiến trong quý IV năm nay, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

TP HCM tính mở làn riêng cho xe đạp trên xa lộ Hà Nội

Sở Giao thông vận tải TP HCM vừa giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp với CTCP Đầu tư Xây dựng xa lộ Hà Nội và Ban Quản lý đường sắt đô thị nghiên cứu làn đường dành riêng cho xe đạp trên tuyến xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức.

Theo Sở Giao thông vận tải, xa lộ Hà Nội là trục giao thông huyết mạch, có cảnh quan đẹp với nhiều cây xanh. Dọc hai bên đường của tuyến này có nhiều khu đô thị và trung tâm thương mại.

Do đó, việc xem xét nghiên cứu tổ chức đường dành cho xe đạp là cần thiết để giảm áp lực giao thông, đảm bảo an toàn và khuyến khích người dân sử dụng giao thông xanh.

Dự định mở ra làn riêng dành cho người đi xe đạp được Sở Giao thông vận tải TP HCM đưa ra sau khi Chính phủ ra Nghị quyết về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giai đoạn 2022 - 2025 hồi tháng 4.

Xa lộ Hà Nội là con đường nối liền TP HCM và Biên Hòa, Đồng Nai được xây dựng từ năm 1957 đến năm 1961, do Mỹ đầu tư. Con đường này dài 31 km, bắt đầu từ cầu Sài Gòn, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh; kết thúc là nút giao cắt quốc lộ 1 tại ngã 3 Chợ Sặt, phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa.

Đề xuất hơn 7.000 tỷ đồng nâng cấp ba tuyến quốc lộ ở ĐBSCL

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có đề xuất Bộ Giao thông vận tải dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 53, quốc lộ 62 và quốc lộ 91B tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB)

Cụ thể, tuyến quốc lộ 62 qua tỉnh Long An có điểm đầu tại Km0+000, giao với Quốc lộ 1A, thuộc phường 2, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Điểm cuối tại Km76+00, cửa khẩu Bình Hiệp, thuộc địa phận thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An với tổng chiều dài hơn 76km.

Tuyến quốc lộ này sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp thành đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ; bề rộng nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m bao gồm hai làn xe cơ giới và hai làn xe thô s.

Tuyến quốc lộ 91B (tuyến Nam Sông Hậu) đoạn ngã 5 cầu Cần Thơ - Bạc Liêu có điểm đầu tại Km2+604 (ngã 5 cầu Cần Thơ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Điểm cuối tại Km144+226 (ngã ba giao giữa quốc lộ 91B với tỉnh lộ Bạc Liêu - Vĩnh Châu và đường dẫn phía mố A đường vào cầu Tôn Đức Thắng, thuộc TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Dự án có tổng chiều dài hơn 141 km.

Tuyến Quốc lộ 53 có điểm đầu tại Km11+295 thuộc địa phận xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km56+000 thuộc địa phận xã Phương Thạch, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Tổng chiều dài của dự án hơn 40 km.

Dự án sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ này thành đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ, chiều rộng nền đường 12 m, mặt đường rộng 11 m bao gồm hai làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ.

Cùng chủ đề
chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.