Đồng bằng sông Cửu Long đang chờ cao tốc để phát triển vượt bậc

Trong suốt gần hai thập kỷ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đưa vào sử dụng 91 km đường cao tốc, chiếm 7% so với cả nước. Những nút thắt về hạ tầng, đặc biệt hệ thống đường bộ cao tốc còn khiêm tốn là một trong những nguyên nhân khiến miền Tây trở thành vùng trũng về phát triển kinh tế.

Nghịch lý giữa phát triển cao tốc và vị thế của vùng

Là một trong những vùng đồng bằng phì nhiêu, có nhiều lợi thế bậc nhất khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp tỷ lệ lớn sản lượng lương thực thực phẩm, thủy hải sản, trái cây… cho cả nước. Đây cũng là vùng có chuỗi đảo nằm vị trí chiến lược của đường biển Thái Bình Dương kết nối Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên nhiều năm qua, việc phát triển hạ tầng giao thông, hình thành các tuyến cao tốc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế. Giao thông cách trở là một trong những nút thắt kìm hãm sự phát triển của vùng.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, đến nay, toàn vùng mới chỉ có 91 km đường cao tốc ( đoạn TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm tỷ lệ 7%.

Nơi nhập làn xe tại điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với cao tốc TP HCM - Trung Lương hiện hữu, tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, thị xã Cai Lậy. Đây cũng là điểm đầu của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh: Zing).

Năm 2004, tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương dài 40 km dành riêng cho ô tô với vận tốc 120 km/giờ khởi công. Đến năm 2010, tuyến này mới hoàn thành đưa vào hoạt động, trở thành cao tốc đầu tiên và duy nhất của vùng. Dự án đã giải phóng con đường độc đạo quốc lộ 1 xuống cấp, quá tải và thường xuyên bị ùn tắc từ TP HCM đi miền Tây.

12 năm sau, vào đầu năm 2022, tuyến cao tốc này mới được nối dài thêm đoạn đến Mỹ Thuận dài 51 km.

Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho biết ông từng có thời gian đặt chân đến các tỉnh thành khu vực này. Sự bất cân xứng giữa vị trí, vai trò, triển vọng phát triển của vùng và đầu tư hạ tầng giao thông, cao tốc là điều được vị chuyên gia này sớm nhận diện.

"Điều tôi trăn trở nhất là tới nay, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng trũng của sự phát triển kinh tế - xã hội, chỉ có thể so sánh với khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, chưa thể so được với các vùng kinh tế khác", vị chuyên gia nhìn nhận.

Đồng bằng Sông Cửu Long có kết nối chiến lược và lâu dài với vùng Đông Nam Bộ, nhưng trong suốt thời gian dài, giao thông giữa hai khu vực chỉ dựa vào quốc lộ 1. Hệ thống giao thông thủy cũng không được khai thác tối đa lợi thế.

Chi phí làm cao tốc gấp 1,5 lần nơi khác, nhiều bất lợi về địa hình

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, với suất đầu tư cao, thường cao hơn 1,3 - 1,5 lần so với các khu vực khác của cả nước là nguyên nhân khó thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư hạ tầng cao tốc tại đây.

Địa hình miền Tây nhiều sông ngòi, địa chất yếu, biến đổi khí hậu... khiến chi phí đầu tư cao. Trung ương đã dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng nơi đây nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Tấn Đông cho rằng khó khăn lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long địa chất nền đất yếu.

Mỗi năm vùng này lún trung bình 1 cm, cá biệt một số khu vực lún tới 5 - 7 cm/năm. Ông Đông nhận định đây là thách thức rất lớn, xây dựng công trình qua nền địa đất yếu tốn rất nhiều thời gian, tăng tổng mức đầu tư, kém hiệu quả.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Đèo Cả, vật liệu xây dựng ở miền Tây khan hiếm, vận chuyển xa, kênh rạch chằng chịt... cũng là khó khăn lớn khi triển khai dự án hạ tầng. Các vấn đề trên làm hiệu quả đầu tư ở khu vực thấp hơn nhiều nơi khác, do vậy cần các chính sách, điều kiện tốt hơn để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hạn mặn xâm nhập gây khó khăn, các địa phương buộc phải xây dựng đập ngăn mặn cũng ảnh hưởng tới vận chuyển vật liệu, kéo dài tiến độ dự án.

Ngoài ra, hệ thống kênh rạch chằng chịt của Đồng bằng sông Cửu Long vốn được xem lợi thế của vùng, nhưng lại là hạn chế với xây dựng công trình do phải trung chuyển vận chuyển vật liệu từ tàu lớn sang tàu nhỏ, ảnh hưởng tiến độ.

Chờ đón hơn nghìn km cao tốc

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từng đánh giá từ nay đến 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc, nhằm đưa vùng đất đầy tiềm năng này phát triển cùng cả nước.

Những nhận định như vậy đang dần được cụ thể hóa khi tháng 2 vừa qua, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Qua vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km với tổng mức đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án trong năm nay, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Còn sắp tới, hơn 188 km cao tốc Cần Thơ - Châu Đốc - Sóc Trăng với tổng vốn hơn 44.690 tỷ đồng sẽ được Quốc hội thảo luận và cho chủ trương tại kỳ họp đang diễn ra. Hiện các tuyến quốc lộ 1, tuyến N1, đặc biệt là quốc lộ 19 đang quá tải, việc đầu tư cao tốc trục ngang này sẽ trở thành sợi dây kết nối các đường theo trục dọc, giúp giảm áp lực cho các tuyến đường hiện tại,...

Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (màu xanh dương) trong tổng thể quy hoạch giao thông miền Tây. (Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận).

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Châu Đốc - Sóc Trăng cũng sẽ tăng cường kết nối các tỉnh miền Tây cùng Campuchia và các nước Đông Nam Á, mang đến nhiều cơ hội giao thương, giao thông tốt hơn cho khu vực.

Vừa qua, HĐND 4 tỉnh thành có tuyến cao tốc đi qua đã ra nghị quyết bố trí vốn thực hiện dự án.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, giai đoạn 2021-2025 sẽ cơ bản hoàn thành thêm khoảng 460 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số lên khoảng 550 km cao tốc trong vùng.

Ngoài hai tuyến trục ngang và dọc kể trên sẽ hoàn thành tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 với tổng chiều dài 30 km.

Bộ Giao thông vận tải đang lập dự án đầu tư tuyến Mỹ An - Cao Lãnh 26 km, tổng vốn 4.770 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2023, tuyến Cao Lãnh - An Hữu 27 km, tổng vốn khoảng 5.886 tỷ đồng.

Hiện cũng đang tiếp tục đầu tư một số hạng mục để tổ chức khai thác đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi 80 km theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tất cả dự án này đều được sử dụng bằng nguồn đầu tư công và đã được xác định nguồn vốn triển khai thực hiện.

Giai đoạn 2026-2030 tiếp tục hoàn thành khoảng 637 km với nhu cầu vốn ước tính trên 200.000 tỷ đồng gồm cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu dài 15 km, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (qua Long An dài 21 km), đoạn Đức Hòa - Mỹ An dài 74 km, đoạn Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km, đoạn An Hữu - Trà Vinh dài 90 km, đoạn Trà Vinh - Hồng Ngự dài 68 km và tuyến cao tốc từ TP HCM đến Sóc Trăng dài 150 km.

Như vậy, theo kế hoạch, đến năm 2030 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 760 km đường cao tốc, đến năm 2050 con số này là 1.180 km.

Với những dự án cao tốc đang và sắp được triển khai đầu tư xây dựng, những nút thắt về hạ tầng của Đồng bằng sông Cửu Long đang dần được gỡ bỏ, hình thành diện mạo mới, tạo thêm động lực và đòn bẩy phát triển kinh tế cho toàn vùng.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.