Tới năm 2030, giao thông Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển vượt bậc

"Khi có hệ thống giao thông đồng bộ, đóng góp của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ gấp nhiều lần hiện nay", Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nói khi thẩm định quy hoạch khu vực này.

Ngày 25/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch đã chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Báo Chính Phủ.

Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng thẩm định là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh vị trí đặc biệt của vùng ĐBSCL - một trong những trọng điểm về quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước.

Vùng ĐBSCL chiếm 12% diện tích và 19% dân số, khoảng 50% sản lượng lúa và 95% gạo xuất khẩu, 65% lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây.

Dù đạt nhiều kết quả trong phát triển, ĐBSCL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa cao so với các vùng khác.

Ông yêu cầu đơn vị chủ trì (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tư vấn lập quy hoạch vùng ĐBSCL đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt.

Tới năm 2030, giao thông Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển vượt bậc - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc trục cao tốc nối TP HCM với vùng ĐBSCL. (Ảnh: Thanh niên).

Từ nay đến 2030, Phó thủ tướng nhận định hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc. Ông đề nghị rà soát, cập nhật đầy đủ các quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thủy vào quy hoạch vùng ĐBSCL.

Cụ thể, quy hoạch ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng. Từ nay đến 2025, Nhà nước sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Sóc Trăng - Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề (khoảng 400 km).

Đồng thời, sân bay quốc tế Cần Thơ phải được mở rộng, đường bộ ven biển phải được đầu tư. Cảng biển (trong đó có cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hệ thống các công trình dịch vụ - hậu cần phải được nâng cấp nhằm giảm chi phí logistic, hỗ trợ việc xuất khẩu nông sản của vùng.

"Khi có hệ thống giao thông đồng bộ thì đóng góp của ĐBSCL sẽ gấp nhiều lần hiện nay", Phó thủ tướng khẳng định.

Theo Phó thủ tướng, ĐBSCL là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng. Do đó, hệ thống thủy lợi, chống xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông - bờ biển, đặc biệt là hệ thống các hồ dự trữ nước, đường ven biển phải được chú trọng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đặc biệt lưu ý Quy hoạch vùng ĐBSCL cần rà soát, bổ sung thêm các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo Phó Thủ tướng, ĐBSCL là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, do đó đặt ra yêu cầu về hệ thống thủy lợi, chống xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông – bờ biển, đặc biệt là hệ thống các hồ, các điểm dự trữ nước chiến lược, các tuyến đường ven biển phải được chú trọng cả về quy hoạch, cả về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển.

"Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nếu không có giải pháp cụ thể, quy hoạch đúng đắn thì sau này, thiệt hại sẽ rất lớn", ông lưu ý.

Sau cuộc họp, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ trình Thủ tướng để có thể phê duyệt trong tháng 12 năm nay.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.