Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hay còn gọi là Tây Nam Bộ, là vùng cực nam của Việt Nam. Khu vực này có một thành phố trực thuộc trung ương là TP Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Tại talkshow "Nhận diện lực đẩy thị trường bất động sản Tây Nam Bộ cuối năm 2021" do Đất xanh Miền Tây tổ chức mới đây, khu vực này được các chuyên gia đánh giá đang khởi sắc và còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai.
Ông Dương Quốc Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ, người có 8 năm nghiên cứu về BĐS miền Tây đã chỉ ra nhiều yếu tố khiến thị trường này khởi sắc trong thời gian qua.
Theo ông Thủy, yếu tố đầu tiên là nền tảng về kinh tế. Ở khu vực ĐBSCL, kinh tế tăng trưởng ổn định trong 10 năm qua. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, các địa phương đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ đưa ra dẫn chứng, trong 6 tháng đầu năm 2021, 6/13 tỉnh thành ĐBSCL có GDP cao hơn mức trung bình cả nước. Cũng trong thời gian này khu vực có hơn 5.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng 78%.
Yếu tố thứ hai là khả năng thu hút đầu tư của khu vực. Trong nhiều năm qua, ĐBSCL đã liên tục đón nhận các dòng vốn FDI. Giai đoạn từ 2020 - 2021, khu vực này đứng đầu cả nước về quy mô các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo và năng lượng sạch.
6 tháng đầu năm 2021, miền Tây có khoảng 50 dự án mới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 15,8 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 20%, giá trị thặng dư thương mại đạt khoảng 3,9 tỷ USD.
Năm 2020, ĐBSCL có tới 4 tỉnh nằm trong top đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, đó là Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long và Bến Tre.
Yếu tố thứ ba thúc đẩy thị trường bất động sản miền Tây khởi sắc là hệ thống cơ sở hạ tầng, điều kiện giao thông về đường bộ, đường thủy và hàng không. Đặc biệt, trong thời gian qua, khu vực này đã tập trung nguồn lực phát triển các tuyến cao tốc trục dọc ngang liên vùng, kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm như TP HCM và Đông Nam Bộ.
Có thể kể đến một số dự án đường bộ tiêu biểu như tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu...
Về đường thủy, ĐBSCL có hai dự án lớn gồm: Cảng biển quốc tế Trần Đề ở Sóc Trăng (quy mô khoảng 50.000 tỷ đồng) và cảng hòn khoai ở Cà Mau (quy mô khoảng 5 tỷ USD). Ngoài ra còn có các dự án vành đai biển từ TP HCM dọc về miền Tây.
Về đường hàng không, theo đánh giá của ông Thủy, thời gian qua, tuyến đường bay tại các sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc hay Cà Mau đã được nâng cấp và mở thêm. Điều này sẽ thúc đẩy du lịch và thu hút các nhà đầu tư.
Ngoài ra, tại Cần Thơ, dự án khu logistics và công nghiệp hàng không tổng quy mô khoảng 1.650 ha cũng đang được nghiên cứu triển khai.
Riêng đường sắt, tuyến đường sắt tốc độ cao TP HCM - Cần Thơ tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ USD đang ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Dự án này nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Lợi thế thứ 4 của vùng ĐBSCL được Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ đề cập là quỹ đất lớn và dư địa phát triển. Khu vực này đã thu hút các chủ đầu tư lớn về phát triển nhà ở, nổi bật là các khu đô thị trung tâm và các dự án liền kề khu công nghiệp. Trong đó có sự góp mặt của một số ông lớn như Savico,T&T, Đất Xanh, FLC, Nova, Vingroup,...
Ông Thủy đánh giá, thanh khoản cao và sức mua của thị trường tương đối tốt. 6 tháng đầu năm nay, nguồn cung bất động sản ĐBSCL khoảng 4.000 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng hơn 62%.
Bên cạnh đó, thị trường miền Tây còn có lợi thế về giá cả: "Nếu so với các khu vực kinh tế khác ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam thì mặt bằng giá của vùng ĐBSCL là thấp.
Xét riêng về TP Cần Thơ - khu đô thị loại I trực thuộc Trung ương, mức giá bình quân tại đây khoảng 21 triệu đồng/m2, tại khu vực trung tâm quận Ninh Kiều khoảng 42 triệu đồng/m2. Mức giá này chưa bằng 1/3 giá tại TP Thủ Đức.
Tại đô thị loại I trực thuộc tỉnh như Mỹ Tho, giá khoảng 30 triệu đồng/m2. Long Xuyên giá khoảng 29 triệu đồng/m2. Mức giá này cũng rẻ hơn so với các tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai,...".
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng miền Tây hội tụ nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, trở thành vùng trũng hút các nhà đầu tư.
Khu vực này có lợi thế về vị trí địa lý, dân cư đông đúc, đất rộng, cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh và cả lợi thế về giá.
"Những lợi thế phát triển kinh tế như vậy sẽ kéo theo nhiều nhà máy, khu trọng điểm được hình thành. Các lao động trí thức, lao động chất lượng cao về sinh sống và làm việc sẽ gia tăng nhu cầu phát triển nhà ở, khu đô thị, dịch vụ... Tất cả những hoạt động đó sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản.
Trong khi đó, quỹ đất với mức giá hấp dẫn vẫn còn nhiều. Tôi cho rằng, một vài năm nữa thị trường sẽ được kéo cân bằng, giá đất khu vực miền Tây sẽ tăng giá, cân bằng với các tỉnh Đông Nam Bộ và TP HCM", ông Đính dự đoán.