Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt đầu tư vào Thanh Hoá - cực tăng trưởng mới tại khu vực phía bắc

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thanh Hoá liên tiếp đón nhận dòng vốn từ các doanh nghiệp địa ốc đầu ngành như Vingroup, Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Sao Mai... Lực hút mạnh mẽ với các chủ đầu tư BĐS xuất phát từ việc Thanh Hoá được định hướng trở thành cực tăng trưởng mới góp mặt trong tứ trụ kinh tế phía bắc, bên cạnh Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Dòng tiền nhóm doanh nghiệp địa ốc ồ ạt đổ về Thanh Hoá từ đầu năm

Thanh Hóa từ đầu năm đến nay là điểm đến của làn sóng đầu tư mới trên thị trường bất động sản, đặc biệt là dòng vốn từ loạt "ông lớn" địa ốc như Vingroup, FLC, Tập đoàn T&T, Sun Group, TNG Holdings, Hưng Thịnh, Tập đoàn Sao Mai, Flamingo...

Giữa tháng 6, Tập đoàn Vingroup có đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án số 1 Khu đô thị mới Trung tâm TP Thanh Hóa. Dự án là một khu đô thị mới bao gồm các chức năng: Công trình công cộng, nhà thấp tầng và cao tầng, đất công cộng, cây xanh và các khu chức năng khác. Quy mô dân số dự án khoảng 18.620 người, tổng diện tích 149,2 ha.

Mới đây, CTCP Tập đoàn T&T cũng có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tài trợ quy hoạch Khu đô thị mới Đông Cương, TP Thanh Hóa. Tập đoàn này cũng mới khởi công được 3 tháng dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, quy mô diện tích khoảng 117 ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.660 tỷ đồng.

Tại Thanh Hóa, doanh nghiệp của "bầu" Hiển còn tham gia tài trợ nghiên cứu lập quy hoạch nhiều dự án trọng điểm khác trên địa bàn như Khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ (4.000 ha), Khu đô thị cửa ngõ Đông Bắc TP Thanh Hoá (320 ha),...

Thanh Hóa: miền đất màu mỡ của các ông lớn ngành BĐS - Ảnh 3.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn T&T Group cùng đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Khu du lịch sinh thái Tân Dân. (Nguồn: UBND tỉnh Thanh Hóa).

CTCP Tập đoàn Sao Mai của "đại gia xứ Thanh" Lê Thanh Thuấn cũng đang mở rộng hoạt động đầu tư vào bất động sản tại Thanh Hoá. Theo đó, trong tháng 7, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa giao hơn 60,4 ha đất đợt 1 cho Tập đoàn Sao Mai để thực hiện dự án số 2 Khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn - Sao Vàng tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân.

Trong vài năm trở lại đây, doanh nghiệp này liên tục có những động thái đầu tư vào loạt dự án tại Thanh Hóa với tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng, có thể kể đến các Dự án khu Resort Sao Mai Thanh Hóa (1.400 tỷ đồng); Dự án Khu dân cư Sao Mai (435 tỷ đồng); Bệnh viện Quốc tế Sao Mai Thanh Hóa (700 tỷ đồng);...

Bên cạnh đó, CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) cũng đang tài trợ lập quy hoạch dự án khu dân cư và tái định cư thôn Đồng Lườn (khu số 1), xã Xuân Thái (diện tích khoảng 12 ha).

Sun Group hiện cũng đang lập quy hoạch nhiều dự án khu đô thị và khu nghỉ dưỡng tại Thanh Hóa như dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại huyện Quảng Xương; Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En.

Tập đoàn này cũng đang hoàn thiện ý tưởng quy hoạch Khu đô thị Đông Nam, TP Thanh Hóa (1.500 ha) và tài trợ lập quy hoạch Phân khu B - Khu đô thị du lịch Nam Sầm Sơn (677 ha), Phân khu D - Khu đô thị du lịch sông Đơ (344 ha)…tại TP Sầm Sơn.

Một trong những dự án có vốn đầu tư "khủng" nhất của Sun Group tại Thanh Hoá là Quảng trường biển và Tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn với tổng diện tích hơn 1.260 ha và tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đầu tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án này.

Thanh Hóa: miền đất màu mỡ của các ông lớn ngành BĐS - Ảnh 4.

Hình ảnh đồ họa thuyết trình của dự án Khu du lịch sinh thái Bến En. (Nguồn: UBND tỉnh Thanh Hóa)

Ngoài ra, Tập đoàn FLC được UBND tỉnh giao 34.337,6 m2 đất thực hiện dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn (giai đoạn 2) tại phường Quảng Cư hồi tháng 5. Hiện FLC Group cũng đang có dự án FLC Samson Golf Links tại tỉnh này và đã được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng hồi cuối tháng 3 năm nay.

Một số đơn vị phát triển địa ốc khác như Tập đoàn Bất động sản Hưng Thịnh, Tập đoàn Flamingo, nhóm TNG Holdings và nhóm Hancorp cũng có động thái muốn mở rộng quỹ đất và đầu tư các dự án tại Thanh Hoá.

Không chỉ những doanh nghiệp đầu ngành bất động sản, nhiều đơn vị phát triển địa ốc vừa và nhỏ cũng muốn có phần trước sự phát triển của thị trường Thanh Hoá.

Gần nhất, UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái và lưu trú khách du lịch Đảo Ngọc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn của CTCP Đầu tư Du lịch Đảo Ngọc. Dự án có quy mô gần 21 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng.

Trong tháng 8 trước đó, CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD4 đã đề nghị tài trợ kinh phí lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu đô thị và khu dân cư trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn. Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 6.390,37 ha.

Tháng 7, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có quyết định giao thêm 19.052,7 m2 đất cho CTCP Bất động sản Hano-Vid (Hano-Vid) để thực hiện dự án Khu đô thị thị trấn Lam Sơn - giai đoạn II. Hồi đầu năm, tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao 83.991,6 m2 đợt 1 cho Hano-Vid để thực hiện dự án trên.

Xung lực nào đưa Thanh Hoá trở thành vùng đất màu mỡ với các công ty BĐS?

Dòng tiền ồ ạt đổ về Thanh Hoá trong thời gian qua xuất phát từ Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Nhóm 4 tỉnh và thành phố trên sẽ hình thành một tứ giác phát triển ở khu vực phía bắc.

Trong phiên họp sáng ngày 16/9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh này nhằm nhằm cụ thể hóa mục tiêu đưa Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới.

Việc được định hướng trở thành một trong tứ trụ phía bắc kéo theo kế hoạch phát triển hạ tầng của tỉnh. Sẽ có khoảng gần 35.000 tỷ đồng vốn đầu tư đổ vào hơn 40 dự án giao thông trong giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Thanh Hóa.

Riêng trong năm nay, dự án đường Vành đai phía tây TP Thanh Hóa sẽ được hoàn thành. Đây là trục đường chính của TP Thanh Hóa và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh.

Trong thời gian tới, khi cao tốc Bắc – Nam đoạn Thanh Hóa – Ninh Bình đi vào hoạt động sẽ thu hẹp khoảng cách giữa Thanh Hóa với đầu tàu kinh tế Thủ đô Hà Nội, mở ra dư địa phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế của tỉnh.

Thanh Hóa: miền đất màu mỡ của các ông lớn ngành BĐS - Ảnh 1.

Nút giao của tuyến đường Vành đai phía Tây TP Thanh Hóa. (Nguồn: Đài phát thanh truyền hình Thanh Hóa).

Bên cạnh yếu tố hạ tầng, mục tiêu phát triển diện tích xây dựng nhà ở của tỉnh này cũng là điểm đáng chú ý với giới đầu tư. Theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, tổng diện tích xây dựng nhà ở đến năm 2025 dự kiến tăng thêm khoảng 19,6 triệu m2 sàn, tương ứng với khoảng 193.939 căn. 

Chỉ trong hai tháng 7 - 8/2021, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận đầu tư rất nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư ở nhiều khu vực trên địa bàn với tổng vốn đầu tư lên đến cả nghìn tỷ đồng, ví dụ như Khu xen cư phố Thành Yên (66.926 tỷ đồng), Khu dân cư đô thị và Trung tâm thương mại Sầm Sơn (3.046,9 tỷ đồng), Khu dân cư Mỹ Hưng thuộc huyện Nga Sơn (1.484 tỷ đồng)...

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030
Nam Định được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng điểm qua những thông tin nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.