Đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng mở đường cho Tây Nguyên ra biển

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn - Pleiku, quốc lộ 19,... là những tuyến đường huyết mạch sẽ kết nối Tây Nguyên với vùng biển duyên hải Nam Trung Bộ, thúc đẩy mối liên kết vùng, tạo đột phá về phát triển kinh tế cho toàn khu vực.

Khu vực Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, có tổng diện tích tự nhiên hơn 54.000 km2. Đây là vùng duy nhất không giáp biển trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam.

Không giáp biển, chưa có tuyến cao tốc nào hoàn thành cùng với nhiều yếu tố địa hình được xem là những bất lợi lớn trong phát triển kinh tế vùng.

Hiện nay, kết nối vùng Tây Nguyên xuống các tỉnh thành ven biển chủ yếu thông qua các quốc lộ, tuy nhiên, hiện trạng nhiều tuyến đường đã quá tải và xuống cấp.

Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa với Đắk Lắk hiện trạng nhỏ hẹp thường xuyên hư hỏng, phương tiện đi lại khó khăn. Quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk có quy mô hiện trạng là đường cấp IV miền núi, lại đang xuống cấp. Quốc lộ 19 nối Gia Lai với Bình Định xây dựng đã lâu, lại nhiều đèo dốc, hiện đang trong quá trình nâng cấp.

Phần còn lại quốc lộ 24 kết nối tỉnh Kon Tum, các tỉnh Bắc Tây Nguyên với khu công nghiệp Dung Quất, các trung tâm kinh tế, các cảng biển lớn như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định cũng chưa được cải tạo do chưa thể bố trí vốn đầu tư.

Sắp tới đây, nhiều tuyến cao tốc nối Tây Nguyên với các tỉnh ven biển được xúc tiến đầu tư xây dựng hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng kết nối vùng.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là một trong những dự án quan trọng quốc gia vừa được Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công với tổng vốn hơn 21.900 tỷ đồng. Dự kiến dự án được khởi công vào năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025. 

 Hướng tuyến dự kiến của cao tốc  Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. (Ảnh: PLO).

Tuyến đường dài hơn 117 km, quy mô 4 làn xe, bắt đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong (Ninh Hoà, Khánh Hoà), tuyến đi phía nam quốc lộ 26, sau đó tuyến đi theo hướng đông tây và kết thúc tại vị trí giao cắt với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Công trình sẽ hình thành trục kết nối vùng Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung Bộ, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang được đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng...

Vừa qua, CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) đặt vấn đề với tỉnh Gia Lai về nghiên cứu dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. 

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai, vừa qua, khi tỉnh Gia Lai và các tỉnh Kon Tum, Bình Định đề xuất Chính phủ sớm đầu tư xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, VIID đã có văn bản và làm việc với tỉnh Gia Lai đề xuất được nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án này.

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đề xuất với Trung ương, Chính phủ bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giao các ban, bộ, ngành Trung ương giúp tỉnh Gia Lai tìm đối tác để sớm triển khai đầu tư tuyến đường trước năm 2030. Hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đều có quyết tâm cao để triển khai dự án.

Với đề xuất trên, Thủ tướng cho biết Trung ương sẽ cùng với Gia Lai tìm đối tác triển khai đầu tư cao tốc Pleiku - Quy Nhơn theo hướng dự án hợp tác công tư.

 Hướng tuyến dự kiến của cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. (Ảnh: Google Maps).

Trước đó, từ năm 2020, ba tỉnh Gia Lai, Bình Định và Kon Tum đã ký kết tờ trình chung gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho xây dựng tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn.

Tuyến đường cao tốc này dài khoảng 160 km, quy mô 4 làn xe với kinh phí đầu tư dự kiến 56.000 tỷ đồng. Dự án bắt đầu tư nút giao với quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (Bình Định), điểm cuối giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây khu vực TP Pleiku.

Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn nếu sớm triển khai sẽ tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên; giữa Gia Lai với các tỉnh Kon Tum, Bình Định. Khi hình thành, tuyến sẽ tạo thành trục Đông - Tây kết nối khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan với biển Đông.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hạ tầng kết nối Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung còn có các tuyến cao tốc Quy Nhơn - Lệ Thanh (Gia Lai) dài 230 km; tuyến Đà Nẵng - cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) dài 281 km; tuyến Phú Yên - Đắk Lắk dài 220 km; tuyến Nha Trang - Liên Khương - Buôn Ma Thuột 200 km. Các tuyến này có thiết kế 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030.

Ngoài hai tuyến cao tốc trên, hiện nay, quốc lộ 19 cũng đang được thi công nâng cấp với chi phí 3.600 tỷ đồng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch có chiều dài hơn 240 km kết nối Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) tiếp giáp với Campuchia xuống cảng Quy Nhơn (Bình Định)

Hiện nay hầu hết các mặt hàng từ tỉnh Gia Lai, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia xuất khẩu qua cảng Quy Nhơn đều vận chuyển qua quốc lộ 19. Vì vậy, đây là tuyến có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Gia Lai, Bình Định và vùng tam giác phát triển của ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào.

Quốc lộ 19 được cải tạo không chỉ hai tỉnh Gia Lai, Bình Định được hưởng lợi mà là của toàn khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Dự án được hoàn thành sẽ giúp thời gian phương tiện di chuyển chặng Bình Định - Gia Lai rút ngắn chỉ còn khoảng 5 tiếng, kết nối giao thông và logistics với hành lang Đông - Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung sẽ dễ dàng hơn.

Vào tháng 3 vừa qua, trong chuyến làm việc với CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) tại Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Thaco mở rộng cảng Chu Lai để đón được tàu lớn, đồng thời làm con đường mới lên Tây Nguyên, nối thẳng sang Lào.

Các cao tốc và quốc lộ nói trên khi hình thành sẽ là tuyến ngang kết nối các trục dọc là cao tốc Bắc - Nam, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc Việt Nam, thúc đẩy mối liên kết vùng, tạo đột phá về phát triển kinh tế cho toàn khu vực.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.