Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (13-19/6): Quốc hội chốt hơn 245.000 tỷ đồng xây 5 cao tốc, TP HCM mời đầu tư loạt dự án giao thông

Quốc hội thông qua nghị quyết đầu tư 5 tuyến cao tốc; TP HCM mời đầu tư nhiều dự án giao thông lớn; dự kiến khởi công đường sắt TP HCM - Cần Thơ vào năm 2025; sắp khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Quốc hội duyệt chủ trương đầu tư vành đai 4 vùng Thủ đô, vành đai 3 TP HCM và ba cao tốc phía Nam

Ngày 16/6, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư 5 dự án đường bộ quan trọng quốc gia.

Cụ thể, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần. Công trình được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng.

Quốc hội đồng ý đầu tư 75.378 tỷ để xây dựng 76,34 km đường vành đai 3 TP HCM. Công trình sẽ được chia thành 8 dự án thành phần, theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án là hơn 640 ha. Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm nay, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.

Quốc hội cũng thông qua chủ trương đầu tư ba tuyến cao tốc phía Nam với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù khi triển khai, dự kiến cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2025 đến 2027.

Ba tuyến cao tốc phía Nam dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2025 đến 2027. (Đồ họa: Đức Bùi).

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột  dài 117,5 km, chia thành ba dự án thành phần với tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng. Tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7 km, có tổng mức đầu tư sơ bộ 17.837 tỷ đồng. Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2 km, có tổng mức đầu tư sơ bộ 44.691 tỷ đồng.

TP HCM mời đầu tư 9 dự án giao thông gần 87.000 tỷ đồng

Ngày 14/6, UBND TP HCM đã chấp thuận danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp với 197 dự án và tổng vốn đầu tư 943.937 tỷ đồng (tương đương 43 tỷ USD). Trong đó, có 9 dự án giao thông lớn với mức đầu tư gần 86.962 tỷ đồng.

Các dự án này gồm cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đi qua TP HCM và Tây Ninh; đường trục động lực (đường song song với quốc lộ 50), đi qua TP HCM và Long An; đường Võ Văn Kiệt nối dài.

Tuyến đường trên cao số 1 (từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long (nối dài) - giao với đường Điện Biên Phủ và đường Ngô Tất Tố - kết thúc trước cầu Phú An), đi qua quận 1, quận 3, Tân Bình, Bình Thạnh và quận Phú Nhuận.

Đường trên cao tuyến số 5  từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương, đi qua TP Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn và quận Tân Bình

Các dự án cầu có cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ và cầu đi bộ nối TP Thủ Đức với quận 1.

Dự kiến khởi công đường sắt TP HCM - Cần Thơ vào năm 2025

Bộ Giao thông vận tải vừa có buổi làm việc với các tỉnh, thành về dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ.

Đơn vị tư vấn đề xuất dự án sẽ có điểm đầu ở ga An Bình (TP Dĩ An, Bình Dương) và điểm cuối ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Toàn tuyến đi qua và kết nối 6 tỉnh, thành, gồm: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ với tổng cộng 13 ga. Tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng.

 Sơ đồ hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Niên).

Tuyến đường sắt này đoạn đi qua TP HCM dài khoảng 33 km. Đoạn 1 đi trên cao, qua địa phận TP Thủ Đức dài 3,3 km. Đoạn 2 từ quận 12 đến hết địa phận thành phố dài 30 km (đoạn đi bằng 21 km và đoạn đi cầu cạn 9 km). Hướng tuyến đi qua quận 12, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Dự kiến giai đoạn 2023 - 2025 sẽ hoàn thiện báo cáo, chuẩn bị đấu thầu và khởi công.

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đạt 91% khối lượng thi công

Thông tin tại buổi họp báo định kỳ cung cấp tình hình dịch bệnh và kinh tế - xã hội TP HCM vào chiều 16/6, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết tổng tiến độ thực hiện dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đạt khoảng 91%.

Hiện nhà thầu đang tập trung triển khai tại các ga gầm như ga Bến Thành, ga Ba Son, ga Nhà hát thành phố, đồng thời tái lập lại mặt bằng khu vực đường Lê Lợi để chuẩn bị bàn giao trước ngày 2/9 năm nay.

17 đoàn tàu metro số 1 được tập kết tại depot Long Bình (TP Thủ Đức). (Ảnh: Zing). 

UBND TP HCM mới đây đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép thành phố tiến hành các thủ tục điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án vào cuối quý IV/2023. Thời gian hỗ trợ, vận hành và bảo dưỡng từ năm 2024 đến 2028.

Thông qua nghị quyết làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành và TP HCM - Chơn Thành

Ngày 17/6, HĐND tỉnh Bình Phước thông qua nghị quyết đầu tư hai cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một  - Chơn Thành.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài khoảng 140 km (đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 38 km, đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 102 km); quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Tổng mức vốn đầu tư dự án hơn 26.000 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Phước cũng đã cam kết cân đối 3.000 tỷ đồng trong việc bố trí ngân sách địa phương cho dự án.

cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành gồm có hai đoạn: Đoạn tuyến nối cao tốc dài 8,6 km từ nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP HCM) đến nút giao An Phú (Vành đai 3 tỉnh Bình Dương) và đoạn tuyến cao tốc từ nút giao An Phú đến quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước).

Tổng chiều dài dự án là 68,7 km. Trong đó đoạn qua TP HCM khoảng 1,7 km, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 60 km và đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 7 km.

Ba đoạn cao tốc Bắc Nam dự kiến về đích trong năm nay đang chậm tiến độ

Thông tin tại cuộc họp ngày 15/6 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 10/6 đạt khoảng 23.544 tỷ đồng, tương đương 41,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,74% so với kế hoạch.

Về 4 dự án thành phần hoàn thành năm 2022 (với tổng chiều dài 361 km), đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 (dài 63,4 km) có sản lượng thực hiện đến nay đạt 64,2% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Các đoạn Cam Lộ - La Sơn chậm 1,53%, Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm 1,93%, Phan Thiết - Dầu Giây chậm khoảng 3,8%.

Theo Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng. Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) còn thiếu khoảng 2,2 triệu m3 đất đắp nền.

Tháng 10 khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành ngày 14/6, đại diện Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đến ngày 12/6, tổng khối lượng đào đắp đạt 11,5 triệu m3, đã hoàn thành san lấp toàn bộ khu vực lõi nhà ga trong tháng 5/2022, trước một tháng so với kế hoạch.

Hạng mục nhà ga hành khách hiện đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ 90% thiết kế kỹ thuật. Ngày 18/6 tới, hồ sơ thiết kế kỹ thuật giai đoạn 90% nhà ga hành khách sẽ chính thức trình cơ quan chuyên môn thẩm định.

San lấp mặt bằng dự án sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV). 

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, địa phương đã bàn giao gần 95% diện tích mặt bằng thi công giai đoạn 1 (2.398,42 ha/2.532 ha), phần diện tích còn lại dự kiến bàn giao xong trong tháng 6 này.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các đơn vị đảm bảo tiến độ để khởi công nhà ga hành khách dự án sân bay quốc tế Long Thành trong tháng 10, khởi công hạng mục đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay... trong tháng 12.

Cao tốc Tân Phú - Liên Khương có thể khởi công vào cuối năm

Ngày 15/6, tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh về triển khai các giải pháp để đẩy nhanh việc phê duyệt, tiến độ và triển khai các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh thời gian tới phải phối hợp với các nhà đầu tư lập dự án và các sở, ngành liên quan đề xuất Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh các giải pháp để đẩy nhanh đầu tư các dự án gồm cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, phấn đấu khởi công hai tuyến này vào cuối năm nay.

Cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dài 66 km, tổng mức đầu tư 16.220 tỷ đồng. Đoạn Bảo Lộc - Liên Khương dài hơn 73 km, mức đầu tư giai đoạn 1 là 12.532 tỷ đồng. Cả 2 dự án này đều thuộc cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. 

Yêu cầu hoàn thành cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng trong năm 2025

Trong thông báo kết luận mới đây, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hai dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 6; chủ động triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

UBND các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn chủ động hoàn thiện các thủ tục theo quy định để triển khai dự án; chịu trách nhiệm thực hiện dứt điểm GPMB để bàn giao khi đã lựa chọn được nhà đầu tư theo quy định; chủ động phương án bố trí các nguồn, mỏ vật liệu, bãi thải... phục vụ thi công, bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025 và hiệu quả đầu tư của dự án.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng chiều dài 164 km, tổng mức đầu tư 23.187 tỷ đồng.

Đề xuất đầu tư 9.993 tỷ đồng làm cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang bao gồm tuyến chính và đoạn nối với đường Nam Sông Hậu; đoạn nối quốc lộ 1.

Chiều dài tuyến cao tốc khoảng 37,65 km (đoạn đi qua TP. Cần Thơ dài 0,6 km; đoạn qua Hậu Giang dài 37,05 km). Tuyến nối có chiều dài khoảng 9,6 km, gồm đoạn từ đường Nam Sông Hậu đến nút giao IC2 khoảng 2,8 km và đoạn từ nút giao IC2 đến quốc lộ 1 khoảng 6,8 km.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.993,19 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 1.758,86 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 6.806,46 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi khác là  476,22 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 951,66 tỷ đồng.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.