Đề xuất đầu tư 9.993 tỷ đồng làm cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang

Công trình dài 37 km, là một trong những dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đi qua địa phận TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, thông tin từ Báo Đầu tư.

Theo đề xuất của Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang bao gồm tuyến chính và đoạn nối với đường Nam Sông Hậu; đoạn nối quốc lộ 1.

Tuyến chính cao tốc bắt đầu tại điểm giao với tuyến nối quốc lộ 91 - quốc lộ 1 (đường vành đai phía tây TP Cần Thơ), thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ; điểm cuối giao với quốc lộ 61B, là điểm đầu dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Chiều dài tuyến cao tốc khoảng 37,65 km (đoạn đi qua TP. Cần Thơ dài 0,6 km; đoạn qua Hậu Giang dài 37,05 km). Tuyến nối có chiều dài khoảng 9,6 km, gồm đoạn từ đường Nam Sông Hậu đến nút giao IC2 khoảng 2,8 km và đoạn từ nút giao IC2 đến quốc lộ 1 khoảng 6,8 km.

Tuyến chính cao tốc có mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,75 m; giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.993,19 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 1.758,86 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 6.806,46 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi khác là  476,22 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 951,66 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư vừa trình duyệt tăng 225,19 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư được Quốc hội duyệt đầu năm nay (9.768 tỷ đồng), do bổ sung tuyến nối từ nút giao IC2 đến quốc lộ 1, cập nhật khối lượng theo hồ sơ thiết kế cơ sở, đơn giá định mức, chi phí giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành.

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, dự án sẽ khởi công vào quý IV/2022, cơ bản hoàn thành dự án năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành năm 2026.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ hình thành tuyến đường trục có năng lực thông hành lớn, tính cơ động cao liên kết giữa các trung tâm kinh tế của toàn vùng như Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.