Ngày 20/5, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết bố trí 23.524 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 vùng Thủ đô. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 19.477 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng.
Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô có chiều dài 112,8 km, trong đó qua Hà Nội 58,2 km, tỉnh Hưng Yên 19 km, tỉnh Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.
Nguồn vốn đầu tư dự kiến cho dự án là 85.813 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2022 đến 2027.
Hà Nội đề xuất đầu tư 5.500 tỷ đồng xây dựng thêm 6,7 km Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Bộ Giao thông vận tải đã đồng thuận và cho rằng cần thiết đầu tư dự án.
Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 6,7 km. Dự án bắt đầu tại điểm giao cao tốc Đại lộ Thăng Long với quốc lộ 21, điểm cuối tại Km6+700 giao điểm đầu đường cao tốc Hà Nội – Hoà Bình.
Dự án sẽ xây dựng đường cao tốc đô thị với quy mô 6 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên với hai làn xe cơ giới mỗi bên; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, tổ chức giao thông,…
Tổng mức đầu tư dự kiến 5.500 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách TP Hà Nội bố trí phần còn lại. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022-2026.
Ngày 18/5, tại tỉnh Cao Bằng đã diễn ra lễ ký kết đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Cả hai tuyến cao tốc này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng chiều dài 164 km, tổng mức đầu tư 23.187 tỷ đồng. Trong đó, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, vốn đầu tư là 10.013 tỷ đồng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 121 km, vốn đầu tư là 13.174 tỷ đồng.
Bên cạnh Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đề xuất, dự án còn có sự tham gia của Văn Phú Invest, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Đầu tư Xây dựng Thành Lợi, các đơn vị cấp tín dụng là VPBank và TPBank.
Các công trình này sau khi hoàn thành sẽ kết nối tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang và Bắc Giang – Lạng Sơn đã đi vào hoạt động.
Hội đồng thẩm định Nhà nước đang trình Thủ tướng phê duyệt Đề án quy hoạch mạng cảng hàng không - sân bay cấp quốc gia. Hiện đã định hướng quy hoạch vị trí xây dựng sân bay thứ hai ở Hà Nội.
Theo nguồn tin từ Dân Trí, thời điểm sau năm 2030 mới nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay thứ hai của Hà Nội. Sân bay Nội Bài vẫn đóng vai trò chủ yếu, được đầu tư mở rộng, nhưng khi sân bay Nội Bài đạt 100 triệu khách/năm thì đến 2050, phải có sân bay thứ hai để điều chỉnh hoạt động khai thác, khi đó Nội Bài đã quá tải.
Định hướng quy hoạch vị trí xây dựng sân bay ở phía nam là ở huyện Thường Tín. Vị trí này có thể tránh được núi ở phía tây, ít ảnh hưởng tới vệt tiếp cận của máy bay khi về Nội Bài, đồng thời có thể nghiên cứu đường cất - hạ cánh song song với đường cất - hạ cánh của sân bay Nội Bài.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3.
Tổng mức đầu tư dự kiến là trên 3.241 tỷ đồng, Sở đề xuất sử dụng vốn ngân sách thành phố để thực hiện, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư, đặt mục tiêu hoàn thành trong giai đoạn 2022 - 2025.
Dự án này có chiều dài khoảng 3,4 km với điểm đầu giao với đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ (lý trình Km184+100); điếm cuối giao với đường vành đai 3 (lý trình Km169+100). Quy mô mặt cắt ngang nền đường có chiều rộng 60m; diện tích sử dụng đất khoảng 31,5 ha.
Tuần qua, HĐND các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng đã thông qua nghị quyết bố trí vốn đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Cụ thể, tỉnh An Giang thống nhất bố trí 1.380 tỷ đồng, tỉnh Sóc Trăng đã thông qua nghị quyết bố trí 1.000 tỷ đồng (tương đương 50%), còn tỉnh Hậu Giang bố trí 823 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn.
Trong khi đó, UBND TP Cần Thơ sẽ có tờ trình xin ý kiến HĐND TP về bố trí hơn 1.070 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương cho dự án đường bộ cao tốc qua địa bàn.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (màu xanh dương) trong tổng thể quy hoạch giao thông miền Tây. (Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận).
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) dài hơn 188 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Châu Đốc (An Giang) đến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) khoảng 12 km, giảm thời gian di chuyển khoảng 2 giờ đồng hồ so với đi các tuyến đường hiện hữu.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ký quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không (giai đoạn 1) thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa theo phương thức PPP.
Mục tiêu xây dựng cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C với công suất 1,5 triệu hành khách/năm và sân bay quân sự cấp II.
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 3.651 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu, vốn vay là 2.990 tỷ đồng; vốn nhà nước trong dự án PPP là 661 tỷ đồng.
Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi trong nước, không sơ tuyển; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là từ quý II năm nay.
Trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP HCM giai đoạn 2020-2030, giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ đầu tư giai đoạn 2 tuyến metro số 2, đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Bến xe Tây Ninh. Việc có đường sắt nhẹ kết nối từ ga Thủ Thiêm đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đánh giá phù hợp, cần thiết.
TP HCM đề nghị Đồng Nai phối hợp Bộ Giao thông vận tải đề xuất cấp thẩm quyền quyết định giao cơ quan thực hiện dự án đường sắt nhẹ; đảm bảo đúng thẩm quyền, phù hợp quy định về đầu tư, pháp luật.
Nếu các đơn vị đảm bảo đầy đủ điều kiện trên, TP HCM thống nhất đề xuất của tỉnh Đồng Nai.
Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài 37,5 km, bắt đầu từ ga Thủ Thiêm TP Thủ Đức, TP HCM, điểm cuối tại sân bay Long Thành. Tổng mức đầu tư dự kiến 40.566 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Ngày 19/5, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ khởi công tuyến đường kết nối đường phía tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) , trên địa bàn huyện Phù Mỹ.
Dự án có điểm đầu giáp ĐT.638 tại Km 65+300 (nút giao ngã 3 giữa đường ĐT.638 và ĐT.631 cũ), thôn Chánh Thuận, xã Mỹ Trinh; điểm cuối giao với đường ven biển (ĐT.639) tại Km44+698, thôn Hương Lạc, xã Mỹ Thành.
Tổng mức đầu tư dự án 700 tỷ đồng, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc 80 km/h, chiều dài tuyến 19 km, đi qua các xã Mỹ Trinh, Mỹ Quang, Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Thành và thị trấn Phù Mỹ, nền đường rộng 12 m, mặt đường bê tông nhựa rộng 11 m với 4 làn xe, xây dựng 2 cây cầu.
Quy hoạch 07:44 | 02/11/2024
Quy hoạch 08:20 | 05/10/2024
Quy hoạch 06:45 | 02/10/2024
Quy hoạch 19:00 | 24/09/2024
Quy hoạch 11:41 | 21/09/2024
Quy hoạch 13:53 | 18/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 08/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 07/09/2024