Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (9-15/5): Trình Quốc hội ba dự án cao tốc phía Nam, khởi công đường nối vùng Trung du miền núi phía Bắc

Chính phủ trình Quốc hội ba dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô; khởi công đường kết nối Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Bắc Giang; khởi công cầu Bến Rừng nối Hải Phòng với Quảng Ninh; Vingroup - Techcombank đề xuất làm cao tốc Đắk Nông - Bình Phước,... là những thông tin quy hoạch nổi bật trong tuần qua.

Chính phủ trình Quốc hội ba dự án cao tốc phía Nam

Chính phủ vừa trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư ba tuyến cao tốc mới gồm Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Theo đó, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 44.691 tỷ đồng.

Tuyến này dự kiến được chia thành 4 dự án thành phần, gồm các đoạn: An Giang - Cần Thơ (hơn 57 km), đoạn Cần Thơ (hơn 37 km), đoạn Hậu Giang (gần 37 km), đoạn Hậu Giang - Sóc Trăng (gần 57 km). Định hướng phân cấp cho các địa phương đi qua làm chủ đầu tư.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài hơn 53 km, kết nối sân bay Long Thành với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng.

Tuyến dự kiến được thành ba dự thành phần, trong đó hai đoạn trên đại bàn tỉnh Đồng Nai (hơn 34 km) và một đoạn trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn 19 km), định hướng phân cấp cho các địa phương này làm chủ đầu tư.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài hơn 117 km. Điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và Quốc lộ 1 khu vực cảng Nam Vân Phong. Điểm cuối tại nút giao cắt đường Hồ Chí Minh tránh phía đông Buôn Ma Thuột với tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 21.935 tỷ đồng. 

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án cao tốc nói trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế ủng hộ hình thức đầu tư công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tán thành thực hiện dự án Biên Hòa – Vũng Tàu theo hình thức đầu tư công để cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô

Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP HCM.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án. Tuy nhiên, đề xuất của Chính phủ (quy mô 4 làn xe, mặt đường 17 m, mặt cầu 17,5 m và không có hai làn dừng xe khẩn cấp) chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về đường ôtô cao tốc, do đó đề nghị thuyết minh thuyết phục hơn.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, về vấn đề vật liệu,... khi nhiều dự án đường cao tốc được đề xuất thực hiện cùng lúc, tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần nguồn lực rất lớn, khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, việc Chính phủ đề xuất quy mô đầu tư đường song hành nên được cân nhắc lại do diện tích rất lớn, chi phí có khi còn cao hơn đường chính và có thể sẽ làm tăng tổng mức đầu tư lên rất nhiều. Ông đề nghị Chính phủ cân nhắc sự cần thiết của đường song hành này của hai dự án nói trên.

Khởi công đường kết nối Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Bắc Giang

Sáng 12/5, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lễ khởi công xây dựng tuyến đường kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc  với tổng mức đầu tư 3.781 tỷ đồng.

 Tuyến đường kết nối nhiều dự án giao thông và khu du lịch, sân golf. (Ảnh: thainguyen.gov.vn).

Tuyến dài khoảng 42 km, gồm hai đoạn: Đoạn 1 dài hơn 4 km, kết nối với tỉnh Bắc Giang, điểm đầu từ cầu Hòa Sơn, phường Đông Cao (TP Phổ Yên) đến điểm cuối giao với đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội. 

Đoạn 2 dài hơn 38 km, gồm tuyến chính nối từ nút giao Yên Bình (TP Phổ Yên) đến tỉnh lộ 261 thuộc huyện Đại Từ và 2 tuyến nhánh nối với tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ được triển khai thi công trong vòng 30 tháng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 và bàn giao, đưa vào sử dụng trong quý II/2025.

Khởi công cầu Bến Rừng nối Hải Phòng với Quảng Ninh

Ngày 13/5, UBND TP Hải Phòng tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) .

Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ, bắc qua sông Đá Bạch, được xây dựng tại vị trí cách phà Rừng hiện tại khoảng 3,7 km.

Chiều dài cầu khoảng 1.857 m; vận tốc thiết kế cầu chính 80 km/h, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2024.

 Phối cảnh cầu Bến Rừng. (Ảnh: UBND TP Hải Phòng).

Tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, để công trình phát huy hiệu quả, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cả bên phía Hải Phòng (kết nối đường 359, quốc lộ 10, các khu đô thị Bắc sông Cấm, khu công nghiệp VSIP...) và Quảng Ninh (kết nối đường 338, quốc lộ 18, các khu đô thị và công nghiệp đầm nhà Mạc, sông Khoai…).

Hơn 8.100 tỷ làm cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết theo quy hoạch, cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang  (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La – Điện Biên) dài 200 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư giai đoạn sau năm 2030.

UBND tỉnh Điện Biên đề xuất giai đoạn 1 dự án (đoạn TP Điện Biên Phủ - nút giao Km15+800/QL.279) dài 50 km có quy mô 2 làn xe (giai đoạn 2 hoàn thiện quy mô 4 làn xe), dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác vận hành vào tháng 6/2026.

Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với Bộ Giao thông vận tải làm rõ sự cần thiết đầu tư, phù hợp về quy mô, tính kết nối đồng bộ của dự án với toàn tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên, dự báo nhu cầu, lưu lượng giao thông để báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh tiến độ dự án sớm hơn.

Trong tờ trình gửi Thủ tướng, tỉnh Điện Biên đề nghị xem xét, giao UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 (TP Điện Biên Phủ - nút giao Km15+800/Quốc lộ 279), theo phương thức PPP, loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL).

Tuyến dài 50 km, gồm 45 km tuyến chính và 5 km đoạn kết nối vào quốc lộ 279 để đảm bảo việc vận hành, kết nối khai thác. Tổng mức đầu tư dự án ước khoảng 8.177 tỷ đồng chưa bao gồm lãi vay.

Liên danh Vingroup - Techcombank muốn làm cao tốc Đắk Nông - Bình Phước

Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa có văn bản gửi hai tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và Bộ Giao thông vận tải đề xuất thực hiện dự án đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành theo hình thức PPP.

Ngoài liên danh này, hiện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước  - SCIC cũng đang bắt tay nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành.

Cao tốc Đắk Nông – Bình Phước dài 212 km, trong đó 110 km thuộc Đăk Nông, 102 km qua Bình Phước. Điểm đầu tuyến kết nối cao tốc Hồ Chí Minh (tại Đắk Lắk), giao cắt quốc lộ 28 (Đăk Nông) và điểm cuối nối đường Hồ Chí Minh tại huyện Chơn Thành (Bình Phước).

Tuyến được đề xuất quy mô 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/h. Dự án khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và TP HCM - cực tăng trưởng lớn nhất của cả nước. Công trình này cũng sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ hai tỉnh biên giới giáp Campuchia về TP HCM, kết nối hướng về sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Hơn 3.651 tỷ đồng làm sân bay Sa Pa, dự kiến khai thác từ năm 2024

Hội đồng thẩm định liên ngành vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Lào Cai về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 – xây dựng cảng hàng không (giai đoạn 1) thuộc Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa theo phương thức đối tác công tư.

Về quy mô, sẽ xây dựng cảng hàng không Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, diện tích sử dụng đất là 295,2 ha, đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C với công suất 1,5 triệu khách/năm và sân bay quân sự cấp II.

Tổng mức đầu tư hơn 3.651 tỷ đồng; loại hợp đồng dự án là BOT; thời gian thực hiện dự án 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến là 3 năm 7 tháng, thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm 2 tháng). 

Dự kiến từ quý III tới đây, tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư, không thực hiện sơ tuyển.

Quy hoạch ba phân khu hơn 4.600 ha tại TP Biên Hòa

Ngày 10/5, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 phân khu B5 tại phường Long Bình; phân khu A1 và một phần phân khu C2 tại các phường Long Bình Tân, phường An Bình; và phân khu A9 tại phường Tân Vạn, phường Bửu Hòa, phường Hóa An, TP Biên Hòa. Ba phân khu này có tổng quy mô 4.635 ha.

Phân khu B5 là phân khu thành phần thuộc khu vực trung tâm của Khu đô thị trung tâm mở rộng phía Đông. Trong phân khu tổ chức các khu chức năng như khu quốc phòng, khu dịch vụ logistic, khu công nghiệp, khu công viên rừng trồng, khu phát triển hỗn hợp, khu ở mới,...

Phân khu A1 và một phần phân khu C2 là phân khu thành phần phía nam của Khu đô thị trung tâm lịch sử TP Biên Hòa và một phần phân khu thành phần phía tây bắc của KĐT phía tây cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Còn phân khu A9 là phân khu thành phần phía nam của Khu đô thị trung tâm lịch sử TP Biên Hòa, gồm các khu chức năng như khu trung tâm dịch vụ cảnh quan sinh thái, khu dịch vụ logistic, khu trung tâm công cộng thương mại dịch vụ đô thị, khu phát triển hỗn hợp, khu ở,...

chọn
Nhà riêng 5 - 6 tỷ ở Hà Nội hút khách
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, nhà riêng Hà Nội giá 5 - 6 tỷ đồng/căn đang có giao dịch tốt nhất trên thị trường thổ cư khu vực. So với nửa năm trước, hiện giá bán phân khúc này tăng khoảng 15 - 25%.