Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa có Kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 44, trong đó có kết luận nội dung quan trọng về phương án sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận cơ bản thống nhất phương án thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn 2023 - 2025, gồm sáp nhập đơn vị hành chính ba huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thành 1 đơn vị hành chính cấp huyện.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 gồm xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Tẻh; xã Quảng Lập vào xã Ka Đô thuộc huyện Đơn Dương. Cùng với đó, sẽ sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt.
TP Đà Lạt hiện nay có diện tích hơn 393 km2, còn huyện Lạc Dương có diện tích khoảng 1.314 km2. Như vậy, sau khi sáp nhập, diện tích TP Đà Lạt sẽ tăng lên thành 1.707 km2, rộng gấp 4,3 lần so với hiện nay.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa qua đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vào ngày 19/5 tới đây.
Đến thời điểm này, dự án đã cơ bản hoàn thành tuyến chính với 49,5 km. Nhà thầu đang tập trung 3 ca, 4 kíp thi công suốt ngày đêm để hoàn thiện các hạng mục an toàn giao thông, vệ sinh môi trường dọc tuyến và trên mặt đường. Đồng thời, triển khai các mũi thi công những điểm giao cắt, lối lên, xuống cao tốc, đường gom dọc tuyến…
Trước đó, do dự án vượt tiến độ đề ra, chủ đầu tư đã đề xuất Bộ GTVT cho tổ chức lễ hoàn thành dự án vào cuối tháng 5 thay vì đầu tháng 9 như kế hoạch ban đầu.
Ngày 5/5, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Trong đó, thông tin về tình hình đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, đến nay, thành phố đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 50% diện tích đất, 60% số mộ cũng đã được di dời. Thành phố đang quyết tâm bàn giao từ 70% diện tích giải phóng mặt bằng trở lên và tiến hành khởi công trong tháng 6.
UBND tỉnh Lào Cai vừa phát thông báo mời thầu dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không (giai đoạn 1) thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Hạng mục của dự án là Xây dựng Cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn Cảng hàng không cấp 4C với công suất 1,5 triệu hành khách/năm (theo phân cấp của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, dự kiến nhu cầu sử dụng đất là hơn 295 ha, thuộc địa phận xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 3.651 tỷ đồng
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường theo quy hoạch từ đường Yên Thường đến đường gom cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (đường vành đai 3) tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm.
Tuyến đường này có chiều dài khoảng 0,73 km, điểm đầu giao với tuyến đường quy hoạch 30 m (đường Yên Thường); điểm cuối giao với tuyến đường gom cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (vành đai 3). Hướng tuyến được xác định dựa trên quy hoạch phân khu đô thị GN.
Về cấp hạng, đây sẽ là đường khu vực với mặt cắt ngang điển hình 20,5 m, trong đó lòng đường xe chạy rộng 10,5 m, vỉa hè hai bên rộng 10 m. Các nút giao trên tuyến được xác định là nút giao ngang bằng.
Thông tin về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tính đến ngày 30/4/2023, các địa phương đã bàn giao cho dự án hơn 583 km, đạt gần 81% tổng diện tích mặt bằng.
Một số địa phương có tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao như: Hà Tĩnh đạt tỷ lệ từ 82 - 99% tại các dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng; Hậu Giang đạt tỷ lệ từ 92 - 96% tại các đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Dù tỷ lệ bàn giao diện tích giải phóng mặt bằng của các tỉnh, thành tương đối cao, song theo báo cáo, trong tổng số 583 km đã được bàn giao cho chủ đầu tư, chiều dài mặt bằng nhà thầu có thể tổ chức thi công chỉ đạt hơn 460 km, đạt hơn 64%.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh, bổ sung các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP HCM vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam.
Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý đưa ba KCN gồm: KCN Bàu Đưng quy mô 175 ha tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi; KCN Phước Hiệp quy mô 200 ha tại xã Phước Hiệp và xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi và KCN Xuân Thới Thượng quy mô 300 ha tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, bổ sung KCN Phạm Văn Hai I với quy mô diện tích 379 ha và KCN Phạm Văn Hai II với quy mô diện tích 289 ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh vào quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP HCM.
Cầu Mỹ Thuận 2 - một trong những dự án trọng điểm quốc gia đang được gấp rút thực hiện để kết nối đồng bộ các tuyến cao tốc về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Du gặp khó khăn về giá vật liệu tăng cao, song dự án vẫn đang đáp ứng đúng tiến độ đề ra là hoàn thành vào cuối năm nay.
Theo kế hoạch cuối năm nay, khi cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, cùng với cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ hoàn thành tuyến cao tốc đường bộ từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, rút ngắn thời gian di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hóa.
Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, dự án cầu Mỹ Thuận 2 có vai trò quan trọng đối với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.