Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa qua đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về phương án đầu tư cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình.
Theo đó, Bộ GTVT cơ bản thống nhất với phương án đầu tư theo đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình, tách đoạn qua tỉnh Ninh Bình thành dự án độc lập do UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản triển khai theo hình thức đầu tư công.
Cụ thể, đoạn tuyến có tổng chiều dài hơn 25 km, được quy mô 4 làn xe đầy đủ, bề rộng nền đường 24,75 m. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.860 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương bố trí 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 5.860 tỷ đồng.
Lãnh đạo TP Hà Nội vừa qua đã ký ban hành Quyết định về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023, theo đó điều chỉnh tăng 4.240 tỷ đồng để bố trí vốn cho các dự án đầu tư công.
Theo đó, UBND thành phố sẽ điều chỉnh giảm 4.240 tỷ đồng nguồn vốn bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (trong đó điều chỉnh giảm nguồn ngân sách trung ương gần 2.000 tỷ đồng).
UBND thành phố cũng quyết định điều chỉnh tăng 4.240 tỷ đồng để bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án, trong đó bố trí cho đường vành đai 4 là 3.840 tỷ đồng.
Hà Nội chọn huyện Hoài Đức làm một điểm khởi công đường vành đai 4
Ngày 6/4, Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã làm việc với huyện ủy Hoài Đức về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, quý I/2023 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Đối với công tác GPMB thực hiện đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện, đoạn qua địa bàn huyện có chiều dài 17 km và đi qua địa phận 12 xã. Tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn huyện để thực hiện dự án khoảng 240 ha. Số ngôi mộ đã kê khai 2.440 ngôi và huyện đã được bàn giao 769 mốc giới.
Huyện Hoài Đức dự kiến đến hết tháng 6/2023 sẽ GPMB được 198 ha (đạt 82,6%). Trong công tác tái định cư, huyện triển khai dự án tái định cư tại xã Đông La (1,2 ha) và xã Đức Thượng (1,9 ha). Dự kiến khởi công trong tháng 6 và hoàn thành hạ tầng trong tháng 9.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, với những kết quả của huyện, thành phố lựa chọn Hoài Đức là một điểm khởi công dự án vành đai 4 trong thời gian tới.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu của việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc đô thị công nghiệp sang mô hình cấu trúc đô thị dịch vụ và công nghiệp; hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Về tính chất, TP Biên Hoà là đô thị loại I, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai; có vai trò là đô thị hạt nhân trong vùng đô thị trung tâm của tỉnh; là một trong các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo; đầu mối logistics quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam bộ.
Đồng thời, TP Biên Hòa là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng trong Vùng Đông Nam bộ, gắn với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 vùng TP HCM và cảng Đồng Nai; là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng cũng như của cả nước.
Ngày 5/4, lãnh đạo thành phố đã có buổi làm việc với nhà thầu thi công hai gói thầu thuộc Dự án 3: Xây dựng cầu Trần Hoàng Na, xây dựng đường từ cầu Trần Hoàng Na đoạn song song tới điểm nút giao IC3.
Theo Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, đến nay công trình xây dựng cầu Trần Hoàng Na (gói thầu CT3-PW-2.4) giá trị thực hiện được hơn 545,9 tỷ đồng (tiến độ đạt hơn 75%), đã hoàn thành bê tông mặt cầu 8 nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực (4 nhịp phía Ninh Kiều và 4 nhịp Cái Răng)...
Lãnh đạo tỉnh cho biết, đến ngày 15/8 phải thông xe hoàn thiện cầu và ngày 2/9 sẽ khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Trần Hoàng Na, nhà thầu lập lại kế hoạch tiến độ thi công cụ thể, đảm bảo hoàn thành công trình theo kế hoạch.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa qua đã thay Thủ tướng ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030 , tầm nhìn đến năm 2050.
Theo định hướng, Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Hình thành 4 cực tăng trưởng bao gồm: Cực tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị tại thành phố Tuyên Quang và phía Nam huyện Yên Sơn; cực tăng trưởng công nghiệp, đô thị, du lịch tại huyện Sơn Dương; cực tăng trưởng du lịch, nông nghiệp hàng hóa đặc sản, chất lượng cao tại huyện Na Hang và Lâm Bình; cực tăng trưởng công nghiệp và nông, lâm nghiệp tại khu vực huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 110/TB-VPCP ngày 4/4/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo.
Thông báo nêu rõ, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo đồng bộ đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ khác để thành cảng hàng không có tầm cỡ quốc gia là cần thiết.
Ý kiến của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đều thống nhất ưu tiên triển khai đầu tư Dự án theo phương thức đối tác công tư.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT lập phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ các hạng mục cả đường cất hạ cánh, nhà ga, đường lăn, thẩm định tính toán hiệu quả đầu tư kinh doanh.