Thống nhất phương án đầu tư cao tốc Ninh Bình - Thái Bình

Tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đoạn qua tỉnh Ninh Bình được quy mô 4 làn xe đầy đủ, bề rộng nền đường 24,75 m. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.860 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cơ bản thống nhất với phương án đầu tư theo đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình, tách đoạn qua tỉnh Ninh Bình thành dự án độc lập do UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản triển khai theo hình thức đầu tư công.

Cụ thể, đoạn tuyến có tổng chiều dài hơn 25 km. Điểm đầu tại nút giao Mai Sơn giao với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Điểm cuối tại cầu vượt sông Đáy (cầu Tam Toà) nối hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đoạn qua tỉnh Ninh Bình được quy mô 4 làn xe đầy đủ, bề rộng nền đường 24,75 m. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.860 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương bố trí 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 5.860 tỷ đồng.

Liên quan đến việc giao Ninh Bình là cơ quan chủ quản triển khai cao tốc đoạn qua tỉnh Ninh Bình, theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, quy định của pháp luật về việc giao địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án do Trung ương quản lý còn chưa đồng bộ, thống nhất.

Trong khi chờ cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách về việc phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư đường cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao UBND tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Thái Bình nghiên cứu kỹ phương án kết nối điểm đầu tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định pháp luật.

Liên quan đến phương án đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình, Bộ Giao thông Vận tải cũng cơ bản thống nhất với phương án đầu tư của UBND tỉnh Thái Bình.

Cụ thể, tuyến cao tốc đoạn Nam Định - Thái Bình có chiều dài gần 61 km; quy mô 4 làn xe đầy đủ, bề rộng nền đường 24,75 m.

Tuyến cao tốc sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 18.800 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay). Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án khoảng hơn 9.300 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư), vốn BOT là hơn 9.500 tỷ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư). Thời gian hoàn vốn khoảng 30 năm.

Để có cơ sở triển khai dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP (hợp tác công tư).

Theo quy hoạch được duyệt, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng dài 109 km, quy mô 4 làn xe, kết nối từ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Trong đó, đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng có tổng chiều dài 29 km, thành phố Hải Phòng đang đầu tư khoảng 22 km theo dự án BOT đường ven biển qua Hải Phòng.

Đối với 7 km kết nối từ đường BOT đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, UBND thành phố Hải Phòng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Hải Phòng là cơ quan chủ quản và cho phép đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố.

Còn lại 80 km đi qua địa phận 3 tỉnh Ninh Bình 18 km, Nam Định 27 km, Thái Bình 35 km, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 657/TTg-CN ngày 22/7/2022 giao UBND tỉnh Thái Bình làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án theo phương thức đối tác công tư.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.