Theo Cổng TTĐT Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 27/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì Hội nghị Phương án đầu tư một số dự án cao tốc gồm cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và cao tốc CT 8, đoạn Nam Định - Thái Bình.
Trình bày báo cáo tóm tắt, cao tốc CT 8, đoạn Nam Định - Thái Bình, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết, tuyến đường này nối với đường cao tốc đi qua tỉnh Ninh Bình được xác định là tuyến đường cao tốc liên vùng, hướng tới luồng giao thông không đi xuyên qua trung tâm các tỉnh, thành phố để giảm tải lưu lượng xe ngày càng lớn dồn vào các cửa ngõ các thành phố có tuyến đường đi qua.
Dự án có tổng chiều dài 61 km với điểm đầu là cuối cầu vượt sông Đáy thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; điểm cuối tại nút giao quốc lộ 37B (QL 37B) và đường ven biển, địa phận huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; đầu tư theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.
Tại Hội nghị, đại diện các nhà đầu tư cũng đã khẳng định cam kết của mình trong việc tham gia Dự án. Đại diện các bộ, ngành liên quan đã làm rõ thêm các nội dung được nêu như tổng mức đầu tư dự kiến, phương án tài chính, khả năng cân đối nguồn vốn, huy động nguồn vốn, nguồn lực triển khai thực hiện.
Thông tin từ Báo Đầu tư, cao tốc CT 8, đoạn qua Nam Định - Thái Bình dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 18.081 tỷ đồng, nếu tính cả lãi vay là 18.823 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi phí giải phóng mặt bằng là 3.105 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị là 12.739 tỷ đồng.
“Theo phương án được trình Chính phủ từ hôm 12/3, tổng mức đầu tư đã giảm 2.800 tỷ đồng, chi phí đầu tư/km đường, cầu đều thấp hơn so với định mức chung”, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết.
Theo lãnh đạo, một trong những lý do cơ bản khiến tổng mức đầu tư của dự án giảm được 2.800 tỷ đồng là do nhà đầu tư - Tập đoàn Geleximco, sau khi rà soát, tham chiếu các công trình đường cao tốc được đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT đã được phê duyệt, đã quyết định giảm mức lợi nhuận đầu tư từ mức 13,37% xuống còn 11,77%.
Trên cơ sở tổng mức đầu tư mới, cơ cấu vốn của dự án được xác định là nhà đầu tư sẽ chi 9.511 tỷ đồng, ngân sách nhà nước là 9.312 tỷ đồng, tương đương 49,5% tổng mức đầu tư. Ngoài phần vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, hai tỉnh Thái Bình và Nam Định cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh để triển khai theo tiến độ được duyệt.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ 8.000 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hai tỉnh Nam Định và Thái Bình, trong đề xuất trước đây đã cam kết lo hơn 3.000 tỷ đồng, giờ vẫn giữ như vậy. Phần còn lại, ngân sách trung ương sẽ thu xếp hỗ trợ.