Nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo theo hình thức PPP

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động kêu gọi, thu hút nhà đầu tư; triển khai nghiên cứu đầu tư, xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác Cảng hàng không Côn Đảo.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 110/TB-VPCP ngày 4/4/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo.

Thông báo nêu rõ, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo đồng bộ đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ khác để thành cảng hàng không có tầm cỡ quốc gia là cần thiết.

Ý kiến của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đều thống nhất ưu tiên triển khai đầu tư Dự án theo phương thức đối tác công tư.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT lập phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ các hạng mục cả đường cất hạ cánh, nhà ga, đường lăn, thẩm định tính toán hiệu quả đầu tư kinh doanh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động kêu gọi, thu hút nhà đầu tư; triển khai nghiên cứu đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn; xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác Cảng hàng không Côn Đảo.

Sau khi hoàn thành thủ tục, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất với Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chính thức giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra giám sát trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo các yêu cầu, quy chuẩn, kỹ thuật.

Trước đó vào cuối năm 2022, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ GTVT hai phương án đầu tư sân bay Côn Đảo, gồm:  Phương án một theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công; Phương án hai theo Luật Đầu tư PPP.

Nếu triển khai đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo theo phương án một, Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm chủ đầu tư dự án, đảm bảo quyền của doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp Nhà nước tại cảng hàng không, sân bay; đảm bảo sự ổn định trong phối hợp khai thác, đảm bảo ổn định vai trò quốc phòng an ninh của cảng hàng không, sân bay khai thác dùng chung….

Tuy nhiên, khó khăn của phương án này là hiện tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chưa cân đối được kinh phí đầu tư giai đoạn 2021-2025 để triển khai đầu tư các hạng mục Dự án thành phần ba theo đúng Quy hoạch Cảng Hàng không Côn Đảo đã được phê duyệt.

Nếu thực hiện theo phương án hai để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư (trừ hình thức BOO để đảm bảo nguyên tắc nhà nước có quyền định đoạt đối với kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia) thì UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền dự án PPP Cảng Hàng không Côn Đảo.

Côn Đảo hiện là sân bay cấp 3C và sân bay quân sự cấp hai, tức là đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương, công suất 300.000 khách/năm.

Hiện tại, sân bay Côn Đảo được quy hoạch là cảng hàng không nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự, công suất 2 triệu hành khách/năm và 4.400 tấn hàng hóa/năm. Sân bay có tổng số 8 vị trí đỗ tàu bay.

chọn
Cảnh hoang hóa tại dự án Mai House Hội An sau những lần đổi chủ
Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai House Hội An xuất phát điểm được đầu tư phát triển bởi CTCP Thế kỷ 21 (C21), đến năm 2009 về tay các công ty con của Tập đoàn Indochina Capital. Sau nhiều năm trì trệ, dự án được kỳ vọng hồi sinh khi TBS Group mua lại và tái khởi công vào năm 2022. Đến nay, khu đất dự án đã không còn dấu hiệu thi công, các thông tin về chủ đầu tư cũng đã được gỡ bỏ...