Đảo Ngọc Sài Gòn chuẩn bị khởi công hai dự án resort 71 ha ở Côn Đảo

Dự kiến trong quý I/2023, Công ty Đảo Ngọc Sài Gòn sẽ khởi công dự án Cadabay Resort & Spa và Hon Tre Island Resort & Spa thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Công ty TNHH Đầu tư Đảo Ngọc Sài Gòn vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với hai dự án ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm dự án Cadabay Resort & Spa và Hon Tre Island Resort & Spa với tổng diện tích gần 71 ha. Đơn vị tư vấn lập các báo cáo là Trung tâm Tư vấn và Kỹ thuật Môi trường. 

Cả hai dự án trên có tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng, trong đó mỗi dự án là 120 tỷ đồng (gồm 30 tỷ đồng vốn góp và 90 tỷ đồng vốn vay). Dự kiến, Đảo Ngọc Sài Gòn sẽ khởi công hai dự án này vào quý I/2023 và đưa vào kinh doanh, hoạt động từ đầu năm 2024 trở đi.

Một góc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: FB Dân Côn Đảo).

Cadabay Resort & Spa 

Đi vào chi tiết từng dự án, đầu tiên là Cadabay Resort & Spa, dự án này được Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt giá thuê môi trường rừng để thực hiện dự án, đến tháng 6/2019 cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tháng 7/2020, tỉnh đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái tại Bãi Ông Câu, tiểu khu 58, Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Khu đất thực hiện dự án có tổng diện tích thuê môi trường rừng là 37,88 ha, trong đó có 27,25 ha thuộc phân khu Dịch vụ hành chính và 10,63 ha thuộc phân khu Phối hợp sinh thái. Phía đông giáp rừng tự nhiên núi Sở Rẫy; phía bắc giáp rừng tự nhiên Ông Đụng; phía nam giáp rừng tự nhiên núi Thánh Giá; phía tây giáp bãi biển Ông Câu. 

Trong cơ cấu sử dụng đất của Cadabay Resort & Spa, diện tích xây dựng kiến trúc, cơ sở hạ tầng chiếm 5% (khoảng 1,7 ha) và diện tích làm đường mòn, điểm dừng chân chiếm 10 - 15% (khoảng 5,13 ha). 

Khu vực thực hiện dự án thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo, do đó không có dân cư sinh sống. Xung quanh Cadabay Resort & Spa đang hiện diện nhiều dự án nghỉ dưỡng khác, như Resort Six Senses Côn Đảo; Con Dao Resort; Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Côn Đảo; Poulo Condor Boutique Resort & Spa Côn Đảo; The Secret Côn Đảo Resort và Tân Sơn Nhất Côn Đảo Resort.

Vị trí Bãi Ông Câu nhìn từ vệ tinh. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Mật độ xây dựng tại Cadabay Resort & Spa là 4,5%, quy mô phục vụ khoảng 712 người. Các hạng mục xây dựng bao gồm 88 bungalow dưới tán rừng, chiều cao 9 m, diện tích xây dựng 12.672 m2; một khách sạn cao tối đa 12 m; một nhà hàng cao tối đa 9 m; một khu phòng họp cao tối đa 12 m; một khu gym; một khu spa; một khối đón tiếp văn phòng; một khu lễ tân; một khu hành chính thương mại;...

Ngoài ra, bố trí đất hồ bơi tại dự án với diện tích 10.960 m2; đất giao thông hơn 1,1 ha; đất khu văn hoá gần 2,7 ha.

Khu vực quy hoạch chưa có hệ thống thoát nước thải. Giai đoạn vận hành, hệ thống thoát nước thải của khu vực quy hoạch được thiết kế riêng với hệ thống thoát nước mưa. Hướng dốc chính thoát nước thải của khu vực quy hoạch là hướng từ phía đông bắc về phía tây nam. Tuyến cống chính thoát nước thải nằm trên đường số 1.

Nước mưa tại dự án sẽ được thu gom về các hố ga riêng của từng công trình để lắng trước khi thoát ra môi trường. Sẽ thường xuyên khơi thông hệ thống thoát nước, dọc tuyến thoát nước mưa bố trí song chắn rác, thực hiện che chắn và hạn chế vật liệu xây dựng rơi vãi trên công trường.

Hon Tre Island Resort & Spa  

Ảnh chụp từ ĐTM.

Dự án thứ hai mà Đảo Ngọc Sài Gòn đầu tư là Hon Tre Island Resort & Spa. Khu resort này được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2019, đến tháng 1/2021 Bà Rịa - Vũng Tàu đã lấy ý kiến nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch sinh thái Hòn Tre, Côn Đảo.

Hon Tre Island Resort & Spa rộng 33 ha, nằm tại đảo Hòn Tre Lớn, thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo. Bao quanh dự án là Biển Đông, phía bắc cách tỉnh Trà Vinh khoảng 60 hải lý; phía tây cách tỉnh Bạc Liêu 60 hải lý; phía đông cách đảo Côn Sơn khoảng 2 hải lý và phía nam cách đảo Hòn Bà khoảng 3 hải lý.. Khoảng cách giữa 2 điểm gần nhất từ đảo Hòn Tre Lớn tới đảo Côn Sơn là 2,7 km đường biển. 

Về hiện trạng, toàn bộ diện tích khu vực cho thuê môi trường rừng là 46 lô. Tổng diện tích toàn bộ khu vực cho thuê là 33 ha. Hiện trạng rừng được xác định chủ yếu là trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đó nghèo, các lô phân bố sát mép biển chủ yếu là đất trống, núi đá.

Khu vực cho thuê môi trường rừng được chia thành nhiều khu vực khác nhau, trong đó, diện tích được nhóm thành 2 hiện trạng chính: Đất trống núi đá chiếm diện tích khoảng 9,9 ha và Rừng gỗ tự nhiên núi đá lá rừng thường xanh nghèo, trung bình và kiệt chiếm diện tích khoảng 23,1 ha.

Khu vực thực hiện dự án thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo, do đó không có dân cư sinh sống trong khu đất hiện hữu, không có các công trình công cộng và các công trình tôn giáo. Hiện trạng có một số căn nhà đã xây dựng từ trước cho kiểm lâm, bộ đội ở.

Mật độ xây dựng tại dự án là 5% (khoảng 1,65 ha), quy mô dân số tối đa khoảng 667 người. Các hạng mục chính gồm 91 bungalow từ với quy mô 3 - 7 người/căn; một toà khách sạn 3 tầng với 85 phòng khách sạn, công suất 3 người/phòng; 1 nhà hàng ở khu trung tâm; 2 nhà hàng vọng biển;...

Phối cảnh nhà hàng, khách sạn khu vực dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Minh hoạt tuyến đường ven biển tại dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Địa hình khu đất quy hoạch khu vực dốc, hiện trạng tự nhiên là khu rừng núi, nên độ dốc tự nhiên là rất lớn, chênh cao giữa điểm cao nhất và thấp nhất của dự án không dưới 60 m. Dự án sẽ không san lấp khu vực đất cây xanh, rừng đặc dụng và khu vực đường quy hoạch.

Nguồn nước cấp cho dự án được lấy từ hồ chứa nước lên trạm xử lý nước sạch sinh hoạt và nước máy sẽ được nối từ khu vực Ông Câu, chủ đầu tư sẽ đào 3 hồ chứa nước ở xung quanh đảo để chứa nước mưa, nước chảy từ suối trên núi xuống.

Về cấp điện, chủ đầu tư sẽ có công văn thỏa thuận với Điện lực Côn Đảo cung cấp điện cho dự án, lên phương án nối điện từ khu vực Ông Câu sang đảo Hòn Tre Lớn theo đường biển. Bên cạnh đó, điện mặt trời cũng được Chủ đầu tư lắp đặt để sử dụng do nhu cầu công suất tại dự án khá lớn.  

Về thoát nước mưa, đối với các công trình nhỏ lẻ như villa, nhà kho… nước mưa sẽ cho chảy tự nhiên và tự thấm vào trong đất. Đối với các công trình có mái che lớn thì nước mưa sẽ được thu gom về các hố ga tự thấm riêng của từng công trình, ngoài ra bố trí thêm các nhánh thoát ra khe suối...

Nước thải từ các thiết bị sẽ theo độ dốc của ống nhánh chảy vào đường ống thoát nước thải chính sau đó được đưa về bể tự hoại, xử lý sơ bộ và dẫn theo một mạng lưới riêng biệt về trạm xử lý nước thải tập trung.  

Chủ đầu tư là công ty tư vấn tài chính

Theo tìm hiểu của người viết, Đảo Ngọc Sài Gòn được thành lập vào tháng 1/2017, có trụ sở tại phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ tài chính, hỗ trợ tư vấn đầu tư. Giám đốc kiêm đại diện pháp luật doanh nghiệp hiện nay là bà Nguyễn Thị Thùy Vân.

Hồi tháng 4 vừa qua, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả xét chọn nhà đầu tư thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn Quốc Gia Côn Đảo tại hai khu vực. 

Hai khu vực này bao gồm Khu vực Ông Câu, tiểu khu 58 với diện tích hơn 40 ha và khu vực hòn Tre Lớn 33 ha. Nhà đầu tư đủ điều kiện và được xét chọn cho thuê để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí là Công ty Đảo Ngọc Sài Gòn.

Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, bao gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng 76 km2, diện tích mặt biển thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo khoảng 140 km2 và vùng biển xung quanh các đảo.

Theo đó, đặt mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, khai thác và bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia.

Quyết định cũng nhấn mạnh, Côn Đảo có quỹ đất hạn chế, do đó, quy mô đất đai để xây dựng, phát triển khu dân cư và du lịch được cân nhắc để khai thác sử dụng hiệu quả.