Bình Thuận đề xuất chuyển đổi hơn 600 ha rừng làm Hồ chứa nước Ka Pét, dự chi 167 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Trong báo cáo ĐTM của dự án Hồ chứa nước Ka Pét, Bình Thuận cho biết sẽ cần phải chuyển đổi khoảng 620 ha đất rừng để thực hiện. Dự án khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho KCN Hàm Kiệm 2 và sinh hoạt của người dân; phòng chống lũ, điều tiết nước cho vùng hạ du Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã lập báo cáo đánh giá tác đông môi trường (ĐTM) đối với dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH Mỏ địa chất Miền Nam.

 

Báo cáo cho biết, huyện Hàm Thuận Nam là huyện khô hạn thường xuyên của tỉnh Bình Thuận. Hàng năm cứ vào các tháng mùa khô (tháng 12 năm trước - tháng 6 năm sau) là hầu hết nguồn nước từ các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện phục vụ cho cấp nước sinh hoạt và phát triển sản xuất nông nghiệp bị thiếu trầm trọng, do ít có công trình thủy lợi hồ chứa lớn tạo nguồn để cung cấp nước.

Đặc biệt là việc cấp nước sinh hoạt cho trung tâm thị trấn Thuận Nam và cấp nước cho cây trồng chủ lực tại địa phương là cây thanh long vào mùa khô cũng gặp khó khăn. 

Để khắc phục tình trạng trên, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 và Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ đầu tư và thực hiện dự án Hồ chứa nước Ka Pét cho UBND tỉnh Bình Thuận tại Công văn số 541/TTg-NN ngày 14/5/2020.

Hồ chứa nước Ka Pét là một trong những dự án ưu tiên đầu tư theo Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là dự án đầu tư xây dựng mới với tầm quan trọng Quốc gia, mục tiêu đầu tư của dự án đã được Quốc hội ban hành chủ trương đầu tư, cụ thể như sau: Cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; Cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; Phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Sau khi hoàn thành, hồ Ka Pét có thể điều tiết nguồn nước sông Ka Pét nhằm cấp nước tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm 2 và sinh hoạt của người dân; phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.

 

Vị trí dự án Hồ Ka Pét

Hồ chứa nước Ka Pét bao gồm công trình hồ chứa nước, các công trình đầu mối và hệ thống các kênh thuộc địa phận xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Dự án cách TP Phan Thiết khoảng 22 km về phía Tây Bắc, cách TP HCM khoảng 140 km về phía Đông.

Vị trí cụ thể của các hạng mục như sau: Vị trí hồ chứa nước sẽ nằm trên sông Bà Bích (tên khác là sông Ta Da), thuộc địa phận xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.

Công trình đầu mối của dự án thuộc địa phận xã Mỹ Thạnh, đập chính cách vị trí cầu Bà Bích khoảng 4,5 km về phía thượng lưu (điểm hợp lưu giữa hai nhánh sông để tạo thành sông Ka Pet) và cách vị trí đập Hàm Cần hiện hữu khoảng 8,5 km về phía thượng lưu, đồng thời xây đập dâng kết hợp điều tiết trên nhánh suối phụ, kênh chuyển nước về hồ.

Vị trí các hạng mục của dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM). 

Hạng mục đường thi công kết hợp quản lý vận hành thuộc địa phận xã Mỹ Thạnh, điểm đầu nối với tuyến đường QL1A đi Mỹ Thạnh tại vị trí cách cầu Bà Bích khoảng 2,5 km về phía thượng lưu, sau đó đi men theo khe hẹp giữa hai sườn núi vào tới vị trí đập.

Hệ thống kênh tưới tại xã Mỹ Thạnh bao gồm kênh chính dài khoảng 4,2 km và các kênh nhánh dài khoảng 2,5 km.

Hệ thống kênh Hàm Cần thuộc địa phận xã Hàm Cần, công trình hiện trạng gồm đập Hàm Cần và 6,4 km kênh chính, kéo thêm khoảng 9,25 km để nối vào kênh Sông Linh – Cẩm Hang.

 

 

 

Vị trí các hạng mục của dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Cần chuyển đổi hơn 600 ha đất rừng

Về hiện trạng, dân cư khu vực dự án tập trung dọc tuyến đường liên xã, người dân chủ yêu sản xuất nông nghiệp và một số hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Bán kính 1 km quanh khu vực dự án không có các công trình văn hóa, tôn giáo, các di tích lịch sử; không có các doanh nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp nào.

Trên diện tích đất của dự án không có nhà cửa của người dân và công trình hạ tầng nào ngoài 20 ngôi mộ nằm trong vùng ngập lòng hồ. 

Tổng diện đất cần sử dụng trong quá trình xây dựng công trình hồ chứa nước Ka Pét (bao gồm các công trình đầu mối và hệ thống kênh) là 697,73 ha. Trong đó, diện tích sử dụng đất rừng là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, đất rừng nhưng không có rừng là 60,14 ha), còn lại là 18,01 ha là đất sản xuất nông nghiệp. 

Dự án phải bồi thường đất, cây cối hoa màu, không phải thực hiện đền bù tái định cư do không ảnh hưởng đến đất ở và nhà cửa của người dân, chỉ phải di chuyển khoảng 20 ngôi mộ nằm trong vùng ngập lòng hồ.

Bản đồ hiện trạng dự án Hồ chứa nước Ka Pét. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Cơ cấu hiện trạng đất dự án.

Cơ cấu đất rừng dự án.

Báo cáo kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp thuộc dự án cho thấy, hầu hết diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực nằm trong dự án là 639 ha (chiếm 94%), trong đó phần lớn là đất rừng sản xuất với 489,1 ha; đất rừng đặc dụng 149,1 ha và một phần rất nhỏ là đất rừng phòng hộ với 0,86 ha. Diện tích có rừng ngoài 3 loại rừng trong khu vực điều tra là 40,72 ha.

Phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực điều tra thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét với 481,7 ha; kế đến là diện tích thuộc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông với 149,1 ha; UBND xã Mỹ Thạnh quản lý 40,7 ha; Công ty TNHH MTV LN Bình Thuận quản lý 8,2 ha.

Để thực hiện dự án, sẽ cần phải chuyển đổi mục đích đối với khoảng 620 ha đất rừng, bao gồm 612,5 ha đất rừng tự nhiên và 7,1 ha đất rừng trồng. 

 

 

Một số hình ảnh hiện trạng dự án.

Có thể cấp nước cho gần 8.000 ha và 120.000 người dân

Về quy mô, Hồ chứa nước Ka Pét nằm trong nhóm dự án quan trọng Quốc gia được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư, là công trình cấp II thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Về các hạng mục chính, đầu tiên sẽ là hồ chứa nước với dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3, tích hợp các công trình gồm: Đập đầu mối; công trình tràn xả lũ; cống lấy nước đầu mối; công trình điều tiết; kênh chuyển nước.

Đối với hệ thống kênh, sẽ nâng cấp và kéo dài kênh chính Hàm Cần với tổng chiều dài 15,4 km, trong đó đoạn kênh nâng cấp dài khoảng 6,4 km và đoạn kênh kéo dài (làm mới) dài 9 km. Kênh Mỹ Thạnh sẽ kênh chính dài khoảng 4,1 km và các kênh nhánh dài khoảng 2,3 km.

Các công trình phụ trợ gồm: Nhà quản lý công trình đầu mối; nhà quản lý hệ thống kênh; đường thi công kết hợp quản lý vận hành nối từ đường Mỹ Thạnh vào vị trí đập chính (4,1 km; rộng 6 m); hệ thống điện phục vụ quản lý vận hành.

Bản vẽ đập chứa nước của dự án.

Dự án được triển khai xây dựng sẽ đảm bảo cấp đủ nước tưới cho 7.762 ha, gồm khu tưới Mỹ Thạnh (127 ha), đập Hàm Cần (1.430 ha), bổ sung nước tưới của kênh Sông Linh – Cẩm Hang (745 ha); điều tiết bổ sung nước cho khu tưới của hồ Ba Bầu (1.000 ha); tiếp nước để tưới mở rộng cho khu tưới của hồ sông Móng (4.460 ha). 

Bên cạnh đó, sẽ cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm 2 khoảng 2,63 triệu m3/năm; cấp nước thô cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.

Ngoài ra, dự án sẽ giúp điều tiết, cắt giảm đỉnh lũ và cải tạo môi trường. Cụ thể: Trung chuyển nước từ hồ La Ngà 3 sang lưu vực sông Cà Ty với lưu lượng 8,3 m3/s (khi hồ La Ngà 3 hoàn thành); cắt giảm đỉnh lũ trên sông Cà Ty và điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái.

Phối cảnh dự án. (Ảnh: Dân trí).

Dự kiến hoàn thành vào năm 2025

Về tiến độ, thời gian thực hiện dự án Hồ chứa nước Ka Pét dự kiến là 6 năm, từ năm 2019 đến năm 2025.

Trong đó, quý IV/2019 trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư; năm 2020 - hết quý II/2022 lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo đánh giá tác động môi trường, khai thác nước mặt và các báo cáo chuyên ngành. Cả hai bước này dự án đã hoàn thành.

Giai đoạn Quý II - quý IV/2022 sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án. Quý I/2023 quyết định đầu tư, triển khai lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công cho các hạng mục công trình đầu mối và hệ thống kênh; các công trình phụ trợ như nhà quản lý, đường thi công kết hợp quản lý; hệ thống điện phục vụ quản lý vận hành; thực hiện công tác trồng rừng thay thế.

Giai đoạn quý II - quý III/2023 sẽ tổ chức đấu thầu và triển khai thi công công trình đầu mối; công tác khai thác tận dụng lâm sản; công tác rà phá bom mìn, vật nổ và đền bù đất nông nghiệp các hạng mục kênh. 

Giai đoạn quý III - quý IV/2023 sẽ tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng thi công hệ thống kênh; tiếp tục thi công các hạng mục công trình đầu mối; thực hiện đền bù đất nông nghiệp các hạng mục còn lại.

Từ quý I - quý III/2024 sẽ hoàn thành các công trình phụ trợ, công tác tận thu lâm sản và vệ sinh lòng hồ theo tiến độ thi công tăng chiều cao đập công trình đầu mối; tiếp tục thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng (nếu có) và thi công hệ thống kênh.

Quý IV/2024, dự án sẽ thi công hoàn thành toàn bộ công trình đầu mối cùng với các công trình phụ trợ, tiếp tục thực hiện công tác trồng rừng thay thế. 

Dự kiến vào năm 2025, dự án sẽ thi công hoàn thành toàn bộ công trình, tổ chức công tác nghiệm thu bàn giao công trình cho đơn vị quản lý sử dụng, quyết toán công trình; tất toán tài khoản dự án và bàn giao tài sản dự án.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 586 tỷ đồng, sau này đã được Quốc hội điều chỉnh tăng lên thành 874 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn, chi phí xây dựng sẽ chiếm 438 tỷ đồng; chi phí trồng rừng thay thế là 167 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 132 tỷ đồng;... Vốn đầu tư sẽ đến từ nguồn ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương.