Long An: Hơn 3.000 tỷ đồng làm đường dẫn vào ba cầu trên tỉnh lộ 827E

Đường dẫn vào ba cầu trên ĐT 827E có chiều dài khoảng 10,6 km, với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, Long An dự kiến khởi công dự án này vào quý IV/2025.

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường về dự án đường dẫn vào ba cầu tuyến ĐT 827E.

Trên tuyến ĐT 827E có ba vị trí phải xây dựng cầu lớn gồm cầu bắc qua sông Cần Giuộc, qua sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây.

Nhằm phù hợp nguồn lực đầu tư và sớm đưa tuyến ĐT 827E vào khai thác, HĐND tỉnh Long An đã thống nhất chủ trương đầu tư ba cầu lớn nêu trên; dự kiến sử dụng vốn vay ODA với phạm vi đầu tư gồm cầu Cần Giuộc: Đầu tư phần cầu và đường dẫn hai đầu cầu; chưa bao gồm chí phí GPMB Cầu Vàm Cỏ Đông và cầu Vàm Cỏ Tây.

ĐT 827E kết nối Tiền Giang với TP HCM qua các huyện vùng hạ của tỉnh Long An. (Ảnh: Tỉnh ủy Long An).

Chiều dài gần 11 km, qua ba huyện của tỉnh Long An

Theo Sở GTVT tỉnh Long An (chủ đầu tư), đường dẫn vào ba cầu trên ĐT 827E có chiều dài khoảng 10,6 km, đã trừ phạm vi xây dựng cầu Vàm Cỏ Đông và cầu Vàm Cỏ Tây thuộc dự án ba cầu trên ĐT 827E (cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây).

Điểm đầu nằm tại nút giao với đường ĐT 826, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước; điểm cuối nằm tại nút giao với đường ĐT 827B, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành.

Phạm vi thực hiện dự án nằm trong ranh giới địa lý hành chính của huyện Cần Đước, huyện Tân Trụ và huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Trong đó, huyện Cần Đước nằm tại xã Mỹ Lệ; xã Phước Tuy; huyện Tân Trụ đi qua xã Tân Phước Tây; xã Nhựt Minh; xã Đức Tân; thị trấn Tân Trụ; huyện Châu Thành đi qua xã Phú Ngãi Trị.

 Hướng tuyến dự án. (Ảnh chụp từ văn bản).

Hiện trạng sử dụng đất của dự án khoảng 78,36 ha (diện tích đất bị chiếm dụng vĩnh viễn), trong đó, đất trồng lúa khoảng 21,21 ha, đất ở khoảng 15 ha, đất trồng cây lâu năm 1,22 ha, đất trồng cây hàng năm 35 ha.

Đất nuôi trồng thủy sản 0,7 ha và đất công cộng (đất giao thông, đất thủy lợi) khoảng 3,77 ha và đất nghĩa trang khoảng 1,04 ha, đất bằng chưa sử dụng là 0,053 ha. Diện tích chiếm dụng đất vĩnh viễn dựa trên số liệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất do UBND các huyện thực hiện thống kê.

Tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, khởi công quý IV/2025

Về hướng tuyến dự án, tuyến vượt sông Vàm Cỏ Đông (Km19+200) tại vị trí cách bến phà Bến Bạ hiện hữu khoảng 3 km về phía hạ lưu.

Tuyến tiếp tục đi mới và vượt sông Vàm Cỏ Tây (Km27+000} tại vị trí cách phà Tân Trụ về phía hạ lưu khoảng 1,5 km. Sau đó, tuyến tiếp tục đi mới theo hướng Tây Nam và kết thúc tại ranh giới tỉnh Long An - Tiền Giang.

Về quy mô xây dựng dự án, trong giai đoạn này chỉ tiến hành xây dựng hai tuyến đường song hành với quy mô mặt cắt ngang tổng 4 làn xe cho hai bên gồm hai đơn nguyên trái và phải, mỗi đơn nguyên bề rộng mặt/nền là 8 m/10 m.

Phần đường được thiết kế cơ bản theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng với,vận tốc thiết kế 60 km/h, mặt đường cấp cao A1 (bê tông nhựa). Bình đồ tuyến được thiết kế theo nguyên tắc đảm bảo các tiêu chuẩn của đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Đối với các đoạn thông thường, quy mô mỗi đơn nguyên phần đường có bề rộng 10 m; phần đường dẫn vào mố M1 và M2 cầu Vàm Cỏ Đông có bề rộng 25,5 m; phần đường dẫn vào mố M1 cầu Vàm Cỏ Tây có bề rộng 25,5 m; đoạn tiếp giáp với ĐT 827B là 27 m.

Phần đường kết nối với đường hiện hữu là 13 m; đoạn đường nút giao ĐT 826 và ĐT 832 rộng 28,5 m; đoạn đường giao nút giao Huỳnh Văn Đảnh là 20 m; đoạn đường nút giao ĐT 833 rộng 28,5 m; đoạn nút giao ĐT 827B 21,5 m.

Về tiến độ, dự án sẽ thực hiện công tác GPMB từ đầu quý II/2025 - quý IV/2025; hoàn tất thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình trong quý III/2025; thi công xây dựng công trình từ quý IV/2025; kết thúc dự án vào năm 2030. Thời gian thi công phần đường 36 tháng. Thời gian thi công cầu 36 tháng.

Tổng mức đầu tư của dự án này là 3.040 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 1.607 tỷ đồng; chi phí xây dựng 1.208 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án gần 12 tỷ; chi phí tư vấn 36 tỷ đồng; chi phí khác gần 15 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 162 tỷ đồng.

Tuyến sẽ xây dựng 5 nút giao trên tuyến đường để kết nối với các tuyến giao thông trong khu vực, bao gồm nút giao với ĐT 826; nút giao với ĐT 832; nút giao với đường Huỳnh Văn Đảnh; nút giao với ĐT 833; nút giao với ĐT.827B.

Xây dựng 4 cầu vượt dòng chảy trên tuyến bao gồm cầu Rạch Kiến Vàng; cầu Rạch Cá; cầu Rạch Thôn Thành; cầu Rạch Đồng Hiểm.

Loạt dự án đường và cầu vượt sông ưu tiên đầu tư ở Long An đến năm 2030

Theo quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Long An sẽ ưu tiên đầu tư cho 14 dự án hạ tầng giao thông.

14 dự án này bao gồm đường vành đai 3 TP HCM đoạn qua tỉnh Long An, tổng mức đầu tư khoảng 4.208 tỷ đồng, đợn vị phụ trách dự án là Sở Giao thông Vận tải (GTVT), thời gian thực hiện từ 2023 - 2026 từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.

Đường vành đai 4 TP HCM đoạn qua tỉnh Long An, với tổng mức đầu tư khoảng 42.657 tỷ đồng, đơn vị phụ trách dự án là Sở GTVT, thời gian thực hiện từ 2024 - 2030 từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.

Đường tỉnh 827E (QL 50B), tổng mức đầu tư khoảng 20.202 tỷ đồng, đơn vị phụ trách dự án là Sở GTVT, thời gian thực hirnj từ năm 2022 - 2030 từ nguồn ngân sách tỉnh và Trung ương, kết hợp kêu gọi vốn xã hội hóa.

Đường trục động lực Đức Hòa, tổng mức đầu tư khoảng 2.180 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ 2021 - 2030 từ nguồn vốn doanh nghiệp.

Tuyến QL N1, tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, đơn vị phụ trách dự án là Bộ GTVT, thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2030 từ ngân sách tỉnh kết hợp kêu gọi vốn xã hội hóa.

Đường song hành QL 62, đơn vị phụ trách dự án là Sở GTVT, thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2030 từ ngân sách tỉnh kết hợp kêu gọi vốn xã hội hóa.

Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, đơn vị phụ trách dự án là Sở GTVT, thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2030 từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.

Đường Tân Lập - Long Hậu (đoạn từ đường vành đai 4 - ĐT 830), tổng mức đầu tư khoảng 2.324 tỷ đồng, đơn vị phụ trách dự án là Sở GTVT, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025 từ nguồn ngân sách tỉnh.

Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây trên ĐT 834B, huyện Thủ Thừa, tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, đơn vị phụ trách dự án là Sở GTVT, thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2030 từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.

ĐT 819 nối dài (đoạn từ QL 62 đến ĐT 893), tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, đơn vị phụ trách dự án là Sở GTVT, thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2030 từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.

ĐT 823C (đoạn từ ĐT 823 đến ĐT 821), tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, đơn vị phụ trách dự án là Sở GTVT, thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2030 từ nguồn ngân sách tỉnh kết hợp kêu gọi vốn xã hội hóa.

Ba dự án còn lại là cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, huyện Mộc Hóa thuộc ĐT 819; đường tỉnh mở mới 5 (Phú An Thạnh - Mỹ An) và ĐT 827K, hiện chưa có thông tin cụ thể của ba dự án này.

Theo tìm hiểu của người viết, ĐT 827E có chiều dài hơn 35 km, được thiết kế gồm 6 làn xe với vận tốc 60 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Dự án kết nối tỉnh Tiền Giang tại huyện Châu Thành qua Tân trụ, Cần Đước, Cần Giuộc trước kéo dài đến TP HCM.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.