Xem xét hai phương án đầu tư cảng hàng không Côn Đảo

Theo Cục Hàng không, có hai phương án đầu tư đồng bộ sân bay Côn Đảo bao gồm phương án 1 theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và phương án 2 theo Luật Đầu tư PPP.

 Sân bay Côn Đảo hiện nay. (ẢNh: VietnamPlus)

Theo Báo Chính phủ, tại công văn ngày 16/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT lấy ý kiến của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan liên quan về việc đánh giá kỹ lưỡng hai phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11.

Theo Cục Hàng không, có hai phương án đầu tư đồng bộ sân bay Côn Đảo: Phương án 1 theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công; phương án 2 theo Luật Đầu tư PPP.

Nếu triển khai đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo theo phương án 1, Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm chủ đầu tư dự án.

Nếu thực hiện theo phương án 2 để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư (trừ hình thức BOO để đảm bảo nguyên tắc nhà nước có quyền định đoạt đối với kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia) thì UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền dự án PPP Cảng Hàng không Côn Đảo.

Phân tích về những lợi thế của mỗi phương án, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, theo phương án 1 thì sẽ đảm bảo quyền của doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp Nhà nước tại cảng hàng không, sân bay; đảm bảo sự ổn định trong phối hợp khai thác, đảm bảo ổn định vai trò quốc phòng an ninh của cảng hàng không, sân bay khai thác dùng chung….

Tuy nhiên, khó khăn của phương án này là hiện tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chưa cân đối được kinh phí đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai đầu tư các hạng mục Dự án thành phần 3 theo đúng Quy hoạch Cảng Hàng không Côn Đảo đã được phê duyệt.

Với phương án 2, ưu điểm là huy động được nguồn vốn của xã hội đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; giảm áp lực về nguồn vốn cho nhà nước cũng như doanh nghiệp nhà nước là ACV.

Nhược điểm là thay đổi về vai trò doanh nghiệp cảng, theo đó doanh nghiệp Nhà nước không còn đóng vai trò là doanh nghiệp cảng. Thay đổi cơ chế khai thác, theo đó ảnh hưởng đến công tác phối hợp ổn định về quốc phòng an ninh của Cảng Hàng không Côn Đảo từ trước đến nay.

Theo Bộ GTVT, giai đoạn đến năm 2030, sân bay Côn Đảo được quy hoạch xây dựng mở rộng, nâng cấp đường băng với kích thước 1.830 m x 45 m; sân đỗ bảo đảm khai thác 8 vị trí đỗ cho tàu bay code C và tương đương; xây nhà ga hành khách mới phía đông nam nhà ga hiện hữu, đáp ứng công suất 2 triệu hành khách/năm. 

Hiện Bộ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Côn Đảo, trong đó dự kiến bố trí khoảng 1.590 tỷ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cục Hàng không Việt Nam được giao là chủ đầu tư dự án.

Đối với các công trình như nhà ga hành khách, đường giao thông nội cảng, công trình cấp, thoát nước; công trình chiếu sáng…, trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình này là của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Sân bay Côn Đảo là sân bay cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO. Nhà ga hành khách đưa vào khai thác năm 2005 với công suất thiết kế 400.000 khách/năm. Sân bay có ba hãng hàng không nội địa khai thác các chuyến bay gồm Vasco, Bamboo Airways và Vietnam Airlines.  

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.