Ngày 16/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) chủ trì phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo.
Về các dự án đường sắt, TP Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác đoạn trên cao (Nhổn - Đại học GTVT) của tuyến Nhổn - ga Hà Nội vào tháng 12/2022; tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, đến nay tuyến đường sắt Bến Thành - Suốt Tiên đã đạt 93% kế hoạch, dự kiến tháng 12 vận hành thử đoạn trên cao. Vướng mắc của tuyến Bến Thành - Suối Tiên hiện nay liên quan đến điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án. Tuyến Bến Thành-Tham Lương đạt 85% GPMB, chuẩn bị thủ tục lựa chọn nhà thầu.
UBND TP Hà Nội vừa có Báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố khóa XVI. Liên quan đến các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn quận Đống Đa, cử tri đã đề nghị thành phố xem xét triển khai mở rộng 4 tuyến đường.
Các tuyến đường bao gồm mở nút thông từ Ngõ Chợ Khâm Thiên ra phố Xã Đàn; mở rộng đường Phan Văn Trị; mở rộng đường Vĩnh Hồ chạy dọc sân chơi nhà C2 Vĩnh Hồ và mở nút từ Trung Phụng ra phố Khâm Thiên.
Vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện thủ tục triển khai dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Theo đó, dừng thực hiện dự án thành phần 2; triển khai trình tự, thủ tục điều chỉnh tách Dự án thành phần 2 ra khỏi tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.
Điều chỉnh hợp đồng và phụ lục hợp đồng dự án; thực hiện thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư theo quy định đối với dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT sau khi tách thành dự án độc lập.
Ngày 12/11, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đi kiểm tra tiến độ thi công đường từ cầu Tam Lập (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đến Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) thuộc tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng.
Theo báo cáo, đến ngày 10/11, dự án đã giải ngân được khoảng 40% vốn đầu tư. Hiện đang thi công hạng mục nền đường sỏi đỏ, hệ thống thoát nước dọc, hệ thống thoát nước ngang, phần cầu Suối Rạc…
Khối lượng thi công đạt khoảng 19% khối lượng toàn công trình, chậm so với tiến độ đề ra. Lãnh đạo tỉnh đề nghị đơn vị thi công khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, dự kiến trong năm 2023 thi công xong toàn tuyến.
Cầu sông Hồng có tổng chiều dài 1,4 km với 27 nhịp, trong đó có 5 nhịp cầu chính và nhịp chính giữa sông vượt khẩu độ 120 m. Tổng vốn đầu tư của công trình gần 1.000 tỷ đồng. Đây là cây cầu bắc qua sông Hồng nối hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định).
Đơn vị thi công đang tập trung triển khai các hạng mục như mố, trụ cầu, đúc dầm cầu và cọc khoan nhồi trụ 17,18... Đến nay, tiến độ thi công công trình vẫn đang bảo đảm theo kế hoạch, hiện đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng. Dự kiến hoàn thành xây dựng và hợp long cầu sông Hồng vào dịp 30/4/2023.
Tại công văn ngày 16/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT lấy ý kiến của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan liên quan về việc đánh giá kỹ lưỡng hai phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11.
Theo Cục Hàng không, có hai phương án đầu tư đồng bộ sân bay Côn Đảo: Phương án 1 theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công; phương án 2 theo Luật Đầu tư PPP. Nếu triển khai đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo theo phương án 1, Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm chủ đầu tư dự án.
Nếu thực hiện theo phương án 2 để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư (trừ hình thức BOO để đảm bảo nguyên tắc nhà nước có quyền định đoạt đối với kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia) thì UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền dự án PPP Cảng Hàng không Côn Đảo.
Sở GTVT vừa qua đã báo cáo UBND TP HCM danh mục 7 dự án giao thông chuẩn bị trình HĐND Thành phố xem xét thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm nay. Tổng mức đầu tư của các dự án này lên đến trên 17.513 tỷ đồng.
Các dự án này bao gồm xây dựng vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội và đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng; dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu trên Quốc lộ 13; dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1A; dự án xây dựng và lắp đặt hệ thống thang máy tại cầu vượt bộ hành các nhà ga trên cao metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; đóng mới 2 ponton chốt kiểm soát trên sông Đồng Nai và dự án còn lại là xây dựng hệ thống quan trắc phục vụ khai thác, vận hành metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy.
Ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự lễ khởi công các gói thầu thuộc dự án đường vành đai phía tây TP Cần Thơ (kết nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C), Báo Chính phủ đưa tin.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 19,4 km, trong đó có 24 vị trí cầu trung và nhỏ, 1 vị trí cầu lớn (bao gồm 49 đơn nguyên cầu) và các cống thoát nước theo địa hình. Tổng mức đầu tư dự án là 3.837 tỷ đồng, trong đó 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Thời gian thực hiện 900 ngày, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.