Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (17-23/10): Quy hoạch đảo Long Sơn thành trung tâm công nghiệp dầu khí, đề xuất hai vị trí mới xây cầu Cát Lái

Quy hoạch đảo Long Sơn thành trung tâm công nghiệp dầu khí; TP HCM đề xuất 2 vị trí mới xây cầu Cát Lái; 13 dự án giao thông phía Bắc phải hoàn thành trong năm nay... là những thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng nổi bật tuần qua.

Quy hoạch đảo Long Sơn thành trung tâm công nghiệp dầu khí

Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đảo Long Sơn, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu.

Về tính chất, đây là trung tâm công nghiệp dầu khí quốc gia. Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp khác; hình thành khu đô thị mới phục vụ công nghiệp dầu khí và khu đô thị sinh thái mật độ thấp.

Cầu Chà Và, cây cầu nối liền đảo Long Sơn - quốc lộ 51, TP Vũng Tàu. (Ảnh: Zingnews) 

Quy hoạch phân khu đảo Long Sơn được chia thành 5 phân khu phát triển bao gồm khu A là khu vực phát triển công nghiệp và cảng biển, diện tích khoảng 1.996 ha. 

Khu B là khu đô thị truyền thống, diện tích khoảng 508 ha; Khu C là khu phát triển phía bắc, diện tích khoảng 542 ha; Khu D là khu phát triển hỗn hợp và du lịch sinh thái, diện tích khoảng 590 ha và Khu E là khu đô thị phía đông nam; diện tích khoảng 466 ha.

TP HCM đề xuất 2 vị trí mới xây cầu Cát Lái

Sở GTVT TP HCM cho biết, hướng tuyến xây dựng cầu Cát Lái tại vị trí phà Cát Lái hiện nay là không khả thi vì nếu xây dựng tại vị trí này thì cần phải điều chỉnh quy hoạch lộ giới đường Nguyễn Thị Định từ 60 m lên 77 m.

Bên cạnh đó, khi xây dựng cầu Cát Lái tại vị trí này có nguy cơ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cảng Cát Lái.

Hướng tuyến cầu Cát Lái theo phương án cũ cách cầu cảng hiện hữu của cảng Cát Lái khoảng 100 m, khi xây dựng cầu tại đây sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của cảng không đảm bảo an toàn cho tàu container quay tàu khi ra vào cảng.

 Một đoạn sông Đồng Nai hiện nay. (Ảnh: Hải Quân)

Ngoài ra, tuyến vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch vừa được khởi công, trong đó có cầu Nhơn Trạch kết nối giữa TP HCM với Đồng Nai. Vì vậy, Sở này cho rằng, vị trí xây cầu Cát Lái tại bến phà hiện nay là không khả thi và đề xuất 2 vị trí mới để xây cầu Cát Lái.

Theo đó, vị trí thứ nhất là xây cầu nối từ đường trục Bắc - Nam (nối quận 7), vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch. Và vị trí thứ hai, kết nối từ TP Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai (theo hướng quy hoạch ĐT.777B).

Chuyển đổi hơn 210 ha rừng làm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Ngày 18/10, ban chỉ đạo (BCĐ) cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã tổ chức họp đánh giá tiến độ triển khai dự án và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Hiện, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trình Thủ tướng Chính phủ gồm tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh 22.690 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn 1 là 13.174 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 9.516 tỷ đồng).

Về hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, UBND hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đã hoàn thành hồ sơ  báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, diện tích đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 104 ha, trên địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 108 ha.

Cần Thơ dự kiến khởi công cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng vào giữa năm 2023

Ngày 18/10, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc báo cáo tình hình thực hiện cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ. Cụ thể là ba huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Dự án này có chiều dài khoảng 37 km.

Một góc TP Cần Thơ hiện nay. (Ảnh: Báo Chính phủ) 

Diện tích sử dụng đất của dự án dự kiến là 234 ha. Thời gian thực hiện từ án từ 2022 - 2027. Tổng mức đầu tư 9.845 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Cần Thơ dự kiến hoàn thành hồ sơ báo cáo khả thi, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi đến ngày 10/11; hoàn thành hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài chỉnh và Môi trường thẩm định, phê duyệt đầu tháng 11; trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định dự án giữa tháng 11, dự kiến đến ngày 10/12 sẽ phê duyệt dự án.

Cùng với đó, trình thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán cuối tháng 4/2023, dự kiến phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán giữa tháng 5/2023. Lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp giữa cuối tháng 5/2023 và khởi công vào cuối tháng 6/2023. 

Quy hoạch hai phân khu hơn 4.600 ha thuộc KKT cửa khẩu Móng Cái 

UBND tỉnh Quảng Ninh đã có hai văn bản về việc phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu A1 - khu trung tâm hiện hữu tại các phường Hòa Lạc, Trần Phú, Ka Long, Hải Yên, Ninh Dương, Hải Hòa, Hải Xuân và khu A2 - khu đô thị mở rộng tại các phường Hải Yên, Ninh Dương, Hải Hòa và xã Hải Xuân thuộc KKT cửa khẩu Móng Cái.

Diện tích quy hoạch khoảng 2.765 ha. Trong đó, phường Hòa Lạc 73 ha; phường Trần Phú 102 ha; phường Ka Long 159 ha; phường Hải Yên 1.403 ha; phường Ninh Dương 420 ha; phường Hải Hòa 483 ha và xã Hải Xuân 125 ha.

Đối với quy hoạch phân khu khu A2 - khu đô thị mở rộng tại các phường Hải Yên, Ninh Dương, Hải Hòa và xã Hải Xuân, phía bắc giáp khu A1 thuộc KKT cửa khẩu Móng Cái; phía nam giáp khu A4, khu A5; phía đông giáp khu A3; phía tây giáp khu vực dự trữ phát triển và Khu C.

Diện tích quy hoạch khoảng 1.861 ha. Trong đó, phường Hải Yên khoảng 208 ha; phường Ninh Dương khoảng 508 ha; phường Hải Hòa khoảng 499 ha; xã Hải Xuân khoảng 606 ha và xã Vạn Ninh khoảng 40 ha.

TP HCM chốt thời gian bàn giao mặt bằng tuyến vành đai 3

Ngày 16/10, tại huyện Hóc Môn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cùng các địa phương trên địa bàn có dự án đi qua (TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) ký kết giao ước đẩy nhanh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Vành đai 3 đoạn qua TP HCM.

Với TP Thủ Đức và huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, các địa phương này cam kết đến tháng 6/2023 bàn giao 70% mặt bằng và đến tháng 12/2023 bàn giao toàn bộ 100% mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai dự án.

 Một đoạn vành đai 3 qua TP Thủ Đức. (Ảnh: Hải Quân)

Đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông (chủ đầu tư) cho biết, trong tháng 10 này sẽ hoàn thành toàn bộ việc cắm 1.901 cọc mốc và bàn giao ranh mốc cho 13 phường, xã thuộc bốn địa phương.

Đối với tiến độ dự án, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị trước tháng 6/2023 phải có 70% mặt bằng để đủ điều kiện khởi công dự án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Dự kiến trước 30/6 cơ bản bàn giao mặt bằng và đến cuối quý 3/2023 sẽ hoàn thành.

Cùng chủ đề
chọn
Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng có thể tìm đến đất nền
Theo các chuyên gia VARS, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền giá không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.