Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (10-16/10): Duyệt quy hoạch Cam Lâm, Đà Nẵng lấy ý kiến phân khu sân bay, Hà Nội nghiên cứu làm metro số 6

Hà Nội nghiên cứu làm tuyến đường sắt đô thị số 6 nối sân bay Nội Bài - Ngọc Hồi, Đà Nẵng lấy ý kiến quy hoạch phân khu sân bay hơn 1.300 ha, Khánh Hòa thông qua quy hoạch chung huyện Cam Lâm... là những thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng nổi bật tuần qua.

Hà Nội nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 6

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản giao các sở, ngành liên quan và Ban Quản lý Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) triển khai nghiên cứu dự án tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi.

Dự án này sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong đó, UBND thành phố giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là đơn vị đầu mối để tiếp nhận tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia tài trợ thông qua WB để nghiên cứu về Tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi. 

 Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội. (Nguồn: MRB).

Nội dung nghiên cứu cần đề xuất các hình thức đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi để huy động được các nguồn vốn tham gia đầu tư.

Trong đó, nghiên cứu áp dụng mô hình TOD (phát triển định hướng giao thông) nhằm khai thác các không gian ngầm tại các ga đường sắt đô thị, các khu đất lân cận của tuyến đường (đặc biệt là điểm đầu và điểm cuối) để có thể thu hồi một phần vốn đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị, nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt đô thị số 6 có tổng chiều dài khoảng 43km với điểm đầu tại sân bay Nội Bài, điểm cuối tại Ngọc Hồi. Tuyến bao gồm 29 nhà ga và 02 Depot tại Ngọc Hồi và Kim Nỗ. Tuyến đi qua các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì các quận Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông. 

Đà Nẵng lấy ý kiến quy hoạch phân khu sân bay hơn 1.300 ha

Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP Đà Nẵng (Ban QLDA) hiện đang lấy ý kiến đồ án Quy hoạch phân khu sân bay tỷ lệ 1/2.000.

Đồ án quy hoạch phân khu sân bay Đà Nẵng có quy mô khoảng 1.327 ha. Phía bắc giáp đường Điện Biên Phủ; phía đông giáp đường Nguyễn Tri Phương và đường Nguyễn Hữu Thọ; phía tây giáp đường Trường Chinh và phía nam giáp đường Cách mạng Tháng Tám.

 

 Khu vực quy hoạch phân khu sân bay Đà Nẵng. 

Về định hướng phát triển không gian, phân khu sân bay Đà Nẵng sẽ bao gồm 4 khu vực chính, đô thị lấy sân bay làm trung tâm, các đơn vị ở, công trình thương mại, dịch vụ và các khu chức năng đô thị khác bố trí xung quanh. 

Quy hoạch đô thị tăng cường liên kết đông - tây, kết nối khu vực phía tây với khu vực trung tâm thành phố. Trong đó chú trọng tăng cường liên kết đông - tây trong nội bộ đô thị sân bay và với các phân khu đô thị khác.

Hà Nội duyệt chỉ giới đường đỏ hai đoạn tuyến thuộc vành đai 4

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành các quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 4.

Đầu tiên là vành đai 4 đoạn Quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở, điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 1A, điểm cuối tại ranh giới giữa TP Hà Nội và Hưng Yên. Tổng chiều dài tuyến 5 km. Mặt cắt ngang của tuyến rộng 120 m, gồm 6 làn xe cao tốc và các đường gom song hành. 

Đoạn tuyến Quốc lộ 1A - cầu Mễ Sở sẽ giao liên thông với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đối với các đường khác giao cắt chỉ tổ chức đấu nối vào đường song hành.

Vị trí đường vành đai 4 sẽ đi qua Quốc lộ 32. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ). 

Tiếp đến là vành đai 4 đoạn Quốc lộ 32 đến hết cầu Hồng Hà. Điểm đầu tuyến giao với quốc lộ 32, điểm cuối giao với đê tả Hồng. Chiều dài đoạn tuyến khoảng 9,6 km. Mặt cắt ngang của tuyến rộng 120 m, gồm 6 làn xe cao tốc và các đường gom song hành.

Đoạn tuyến Quốc lộ 32 - cầu Hồng Hà sẽ có 3 nút giao khác mức, gồm 1 nút giao liên thông với Quốc lộ 32, 2 nút giao với trục Tây Thăng Long và đê Hữu Hồng. Đối với các đường giao cắt khác, sẽ đấu nối vào đường song hành.

Nam Định khởi công cầu vượt sông 1.200 tỷ đồng

Ngày 15/10, UBND TP Nam Định tổ chức khởi công cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi.

Dự án này có tổng mức đầu tư là 1.200 tỷ đồng, quy mô gồm hạng mục xây dựng cầu qua sông Đào và đường dẫn có tổng chiều dài khoảng 1,6 km.

Phối cảnh cầu vượt sông Đào. (Ảnh: Báo Giao Thông 

Việc xây dựng cầu qua sông Đào sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông TP Nam Định, tăng khả năng kết nối các huyện phía nam với TP Nam Định. Dự án dự kiến triển khai thi công trong thời gian 22 tháng, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2024.

Đầu tư cao tốc Chợ Bến - Yên Mỹ đoạn qua Hưng Yên 

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư cao tốc Chợ Bến - Yên Mỹ, đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Xét kiến nghị trên, tại văn bản ngày 14/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ GTVT hướng dẫn UBND tỉnh Hưng Yên về việc đầu tư xây dựng đường bộ có liên quan đến cao tốc Chợ Bến  - Yên Mỹ, đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Theo Bộ GTVT, căn cứ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Chợ Bến - Yên Mỹ (CT.14) có điểm đầu tại đường vành đai 5, điểm cuối tại đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tổng chiều dài khoảng 45 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.

Đề xuất thêm 5 hạng mục cầu, đường dự án kết nối giao thông Tây Nguyên

Mới đây, Ban quản lý dự án 2 đã có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.

Theo đó, Ban quản lý dự án 2 kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Cụ thể, dự án sẽ hoàn thành nâng cấp khoảng 127 km Quốc lộ 19; xây dựng mới 3 cầu và xây dựng mới khoảng 39km tuyến tránh theo tiêu chuẩn đường cấp III.

Trên địa phận tỉnh Bình Định, dự án sẽ nâng cấp đoạn Km 50+000 - Km 67+000; xây dựng mới 3 cầu (Trắng 2 - Km 24+650, Nước Xanh - Km 36+546, Đồng Xiêm - Km 39+482); xây dựng tuyến tránh Tây Giang dài khoảng 8 km.

Trên địa phận tỉnh Gia Lai, Dự án sẽ nâng cấp các đoạn Km67-Km70+740; Km83+600- Km90; Km131+300-Km167; Km180-Km243; xây dựng tuyến tránh thị xã An Khê dài khoảng 13,7 km; xây dựng tuyến tránh thành phố Pleiku dài khoảng 13 km; xây dựng tuyến tránh Kon Dơng dài khoảng 4 km.

Các hạng mục dự kiến bổ sung thêm là cầu Trắng 2 (Km24+650); cầu Nước Xanh (Km36+546); cầu Đồng Xiêm (Km39+482); tuyến tránh Tây Giang dài khoảng 8 km; tuyến tránh Kon Dơng dài khoảng 4 km.

Thông qua quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm

Ngày 10/10, tại kỳ họp chuyên đề HĐND huyện Cam Lâm khoá IV, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết về việc thông qua đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2045. 

Tại kỳ họp, đã có một số góp ý cho đồ án, HĐND huyện đề nghị UBND huyện phối hợp với Viện Quy hoạch Đô thị Nông thông Quốc gia lưu ý.

Cụ thể, về quy hoạch đất ở và tái định cư, đề nghị tăng diện tích đất ở các khu vực ngoại thị thuộc các phân khu quy hoạch 2, 5, 6 và 7). Đề nghị xem xét giữ lại những khu vực dân cư hiện hữu nào có thể giữ lại thì giữ nguyên trạng; đồng thời bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân bị giải tỏa ở những phân khu này.

Một góc huyện Cam Lâm. (Ảnh: Khải An). 

Về xây dựng tuyến kênh nước mặn, đề nghị đánh giá tác động môi trường về xâm nhập mặn; làm rõ giải pháp chống xâm nhập mặn. Đề nghị xem xét xây dựng tuyến kênh nước mặn rộng 300 - 350 m, vì theo đồ án xây dựng kênh nước mặn để tránh ngập úng nhưng thực tế trên địa bàn huyện Cam Lâm tình trạng ngập lụt không nhiều. Mặt khác, khi xây dựng tuyến kênh nước mặn vào sâu đất liền thì có nguy cơ xâm nhập mặn.

Bà Rịa - Vũng Tàu mục tiêu lên thành phố trực thuộc Trung ương 

Ngày 10/10, lãnh đạo tỉnh chủ trì cuộc họp nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo dự thảo quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát Quy hoạch tỉnh là xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, là trung tâm hướng ra biển, cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ; đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, bố trí không gian phát triển tỉnh theo 4 vùng chức năng gồm công nghiệp - cảng biển; du lịch; nông nghiệp và vùng biển - hải đảo.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.