Theo thông tin từ Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 1/7, UBND TP HCM vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để phối hợp khai thác tuyến vận chuyển hành khách, khách du lịch bằng đường thủy từ TP HCM đi Côn Đảo và ngược lại.
UBND TP HCM đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ tuyến vận tải đường thuỷ này. Theo UBND TP HCM, việc này nhằm góp phần thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển và du lịch đường thủy, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tại hai địa phương.
Cụ thể hơn, TP HCM mong muốn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo UBND huyện Côn Đảo và cơ quan, đơn vị liên quan xem xét sắp xếp, hỗ trợ bố trí cảng, bến để thuận tiện cho việc điều động phương tiện thủy (2 lượt/ngày).
Trước đó ngày 14/4, Sở GTVT TP HCM đã tổ chức cuộc họp có sự tham dự của các cơ quan, đơn vị của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm Sở GTVT tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu để nghe về kế hoạch tổ chức khai thác tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ TP HCM đi Côn Đảo và ngược lại.
Tại cuộc họp, các bên đã nghe Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP, CTCP Cao tốc Phú Quốc báo cáo tình hình, kế hoạch triển khai thực hiện và ý kiến của các đơn vị dự họp và đi đến thống nhất một số nội dung.
Theo đó, Sở GTVT TP HCM và các cơ quan, đơn vị dự họp ủng hộ chủ trương các doanh nghiệp đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ TP HCM đi Côn Đảo và ngược lại.
Để sớm đưa tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ TP HCM đi Côn Đảo và ngược lại vào khai thác, Sở GTVT TP HCM đề nghị Công ty TNHH Công nghệ xanh DP, CTCP Cao tốc Phú Quốc làm việc với đơn vị quản lý 2 cầu bến.
Đối với cầu bến tại huyện Nhà Bè (TP HCM), 2 doanh nghiệp trên chủ động phối hợp với CTCP Cảng Sài Gòn để có ý kiến thống nhất cho phương tiện vào đón, trả hành khách và triển khai các dịch vụ hỗ trợ phục vụ hành khách tại khu vực Cảng Hiệp Phước.
Đối với cầu bến huyện Côn Đảo, theo ý kiến của UBND huyện Côn Đảo, dự án Nâng cấp mở rộng cảng Bến Đầm và Cảng tàu khách Côn Đảo dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm nay và huyện Côn Đảo chỉ xem xét tiếp nhận thêm tàu khách khi 2 dự dự án trên hoàn thành, đưa vào hoạt động.
Do đó, trong thời gian chờ 2 dự án trên hoàn thành, các doanh nghiệp chủ động phối hợp với UBND huyện Côn Đảo, đơn vị quản lý cảng đề xuất phương án điều phối, sắp xếp phương tiện vào đón, trả khách phù hợp, phục vụ vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ TP HCM đi Côn Đảo và ngược lại.
Trong nội dung kết luận cuộc họp trên còn yêu cầu 2 doanh nghiệp xây dựng cụ thể phương án khai thác tuyến; trong đó đặc biệt lưu ý đối với công tác bảo đảm an toàn hàng hải trong suốt quá trình hành trình trên tuyến.
Ngoài ra, 2 doanh nghiệp phải liên hệ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Cảng vụ Hàng hải TP HCM để được hướng dẫn và thực hiện thủ tục đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo.
Để thuận tiện trong việc phối hợp quản lý, vận hành tuyến, Công ty TNHH Công nghệ xanh DP, CTCP Cao tốc Phú Quốc có văn bản thống nhất hoặc thỏa thuận đề xuất một doanh nghiệp đăng ký khai thác tuyến.
Liên quan đến hạ tầng kết nối Côn Đảo, vừa qua, Bộ GTVT đã có quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo đến năm 2030 đạt công suất 2 triệu hành khách/năm với 8 chỗ đỗ tàu ba. Bộ GTVT cũng xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình tại cảng trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2026.
Các hạng mục đầu tư xây dựng tại cảng gồm nhà ga mới công suất 2 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa công suất 4.400 tấn hàng hóa/năm; mở rộng sân đỗ tàu bay thành 8 vị trí; cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh 1.830 m x 45 m (hiện tại là 1.830 m x 30 m), hệ thống đèn tín hiệu; công trình quản lý bay. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.794 tỷ đồng.