Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/3 - 26/3): TP HCM và Bình Dương dự chi 5.500 tỷ đồng cho hai dự án giao thông cửa ngõ; Quảng Ninh quy hoạch mới ba đường sắt đô thị

TP HCM và Bình Dương dự chi 5.500 tỷ đồng cho hai dự án giao thông cửa ngõ; Quảng Ninh quy hoạch mới ba đường sắt đô thị; Quảng Trị muốn làm đường quốc lộ nối cửa khẩu La Ray - cảng Mỹ Thủy... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

TP HCM và Bình Dương dự chi 5.500 tỷ đồng cho hai dự án giao thông cửa ngõ

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã đi khảo sát một số dự án trên địa bàn TP Dĩ An bao gồm nút giao Sóng Thần và dự án nâng cấp mở rộng đường An Bình.

Nút giao Sóng Thần (phường An Bình, TP Dĩ An) dự kiến có tổng vốn đầu tư theo đề xuất hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 2.408 tỷ đồng (TP HCM 471 tỷ đồng, Bình Dương 1.937 tỷ đồng).

(Ảnh minh hòa : Hải Quân)

Dự án nâng cấp, mở rộng đường An Bình có chiều dài khoảng 1,4 km (bao gồm tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh), trong đó phần đường thuộc tỉnh Bình Dương có chiều dài khoảng 1,1 km, tổng mức đầu tư đề xuất là 1.693 tỷ đồng, trong đó phần mức đầu tư của tỉnh Bình Dương là 1.501 tỷ đồng.

Quảng Ninh quy hoạch mới ba đường sắt đô thị 

Theo quy hoạch Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa qua, có ba tuyến đường sắt đô thị được quy hoạch mới ở tỉnh này.

Tuyến thứ nhất có lộ trình Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên - Hạ Long, có kết nối với Hải Dương và Hải Phòng. Trên địa bàn Quảng Ninh, tuyến này có điểm đầu trên tại thị xã Đông Triều, điểm cuối là TP Hạ Long.

Tuyến thứ hai có lộ trình Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn. Tuyến này bắt đầu ở TP Hạ Long, điểm cuối là huyện Vân Đồn.

Tuyến thứ ba có lộ trình Hải Hà - Móng Cái, điểm đầu ở khu công nghiệp Hải Hà, điểm cuối là phường Hải Hòa, TP Móng Cái.

Theo quy hoạch, một đoạn đường sắt đô thị được định hướng xây dựng đi qua khu vực dự án của Vinhomes (phường Hồng Gai), sau đó qua biển khu vực đầu vịnh Cửa Lục (song song với cầu Bãi Cháy về hướng biển) rồi bắt vào khu vực Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long thuộc phường Bãi Cháy. (Ảnh tư liệu: Địa ốc thông thái). 

Theo báo cáo quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh và bản đồ định hướng phát triển giao thông của tỉnh, cả ba tuyến đường sắt nói trên có tổng chiều dài 294 km.

Bổ sung hai cao tốc vào danh mục công trình trọng điểm ngành giao thông

Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình số 2891/TTr-BGTVT trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục dự án và thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Sơ đồ hướng tuyên cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. (Ảnh: VGP). 

Nội dung tờ trình nêu rõ: Tại cuộc họp lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung các dự án đường bộ cao tốc: Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng và Chơn Thành - Gia Nghĩa vào danh mục công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Quảng Trị muốn làm đường quốc lộ nối cửa khẩu La Ray - cảng Mỹ Thủy

Ngày 22/3, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với Liên danh CTCP Tập đoàn Hoành Sơn - Công ty TNHH Nhà máy điện Xekong để nghe báo cáo nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng quốc lộ 15D (QL15D) từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng Mỹ Thủy và đầu tư xây dựng cụm cảng Mỹ Thủy cùng khu dịch vụ hậu cần cảng.

Trong đó, QL15D đi qua hai huyện Hải Lăng và Đakrông với tổng mức đầu tư trên 3.433 tỷ đồng. Dự án chia làm ba đoạn gồm đoạn 1 từ QL1 đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài gần 8 km; đoạn 2 từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 34 km; đoạn 3 từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu quốc tế La Lay dài hơn 11 km.

Bình Dương sẽ quy hoạch 10.000 ha đất công nghiệp dọc vành đai 4 và các tuyến cao tốc

Vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC và Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng (VIUP) tổ chức Hội thảo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu đặt ra cho tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 phải tập trung phát triển được 10.000 ha công nghiệp tạo thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng, trên địa bàn các huyện, thị phía bắc.

 Một góc Bình Dương. (Ảnh: Báo Bình Dương). 

Cùng với đó, tiếp tục phát triển công nghiệp vừa là nơi dịch chuyển các doanh nghiệp phía nam (khoảng 2.888 doanh nghiệp cần phải di dời lên phía bắc) hoặc tái cấu trúc lại và dư ra khoảng 2.000 ha để phát triển đô thị, dịch vụ của Thuận An và Dĩ An trở thành trung tâm đô thị tầm cỡ khu vực.

Chuẩn bị khởi công dự án cải tạo 7 ga đường sắt phía bắc

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía bắc đang tiến hành lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công vào tháng 4 năm nay.

Theo đó, dự án gồm hai gói thầu xây lắp, đến nay Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã hoàn thành thẩm định thiết kế, dự toán hai gói thầu này. Chủ đầu tư cũng đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu XL01 ngày 6/3 vừa qua, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công trước ngày 10/4 và khởi công dự án trong tháng 4/2023.

Ga Gia Lâm nằm trong dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc. (Ảnh tư liệu: TTXVN). 

Dự án thực hiện cải tạo nâng cấp ba ga hành khách gồm ga Gia Lâm (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), ga Cẩm Giàng và ga Hải Dương (tuyến Gia Lâm - Hải Phòng); 4 ga hàng hóa gồm: ga Vật Cách, cảng Vật Cách (tuyến Gia Lâm - Hải Phòng), ga Đồng Đăng và ga Lạng Sơn (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), ga Xuân Giao (tuyến Yên Viên - Lào Cai). Bao gồm các hạng mục cải tạo nhà ga, ke ga, xây mới mái che ke ga; làm mới, sửa chữa đường sắt; làm mới, sửa chữa nhà kho; các công trình phụ trợ đồng bộ...

Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch khu vực Bãi Sau thành trung tâm du lịch

Vừa qua, UBND TP Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu.

Theo Quyết định được UBND tỉnh phê duyệt, đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu có tính chất là khu trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại; khu dân cư và công trình công cộng khác thuộc đô thị Vũng Tàu.

Đồ án xây dựng các phân khu chức năng chính gồm khu dân cư đô thị; khu vực cải tạo chỉnh trang; khu vực xây mới; khu công trình công cộng; khu dịch vụ du lịch; khu công viên cây xanh, công viên, TDTT, quảng trường thương mại; các loại hình không gian mở công cộng...

Khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu hiện nay. (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu). 

Cùng với đó, xây dựng các tuyến, điểm tạo cảnh quan kiến trúc gồm tổ chức tuyến cảnh quan chính ven biển - đường Thuỳ Vân chạy dọc từ bắc xuống nam bao quát toàn khu và đường Lê Hồng Phong thành trục cảnh quan chính đông tây lấy hình ảnh vòng xoay tượng đài Liệt sĩ là kiến trúc điểm nhấn chính cho trục cảnh quan và kết thúc bởi quảng trường trung tâm ven biển.

Cùng chủ đề
chọn
Hàng nghìn bị hại đổ về phiên tòa vụ Tân Hoàng Minh
8h20, hơn 1.000 bị hại đã được bố trí ngồi tại ba khu vực song hàng trăm người vẫn tiếp tục đến điểm danh tại 8 bàn đón tiếp trong phiên xét xử vụ án Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu khống.