Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (27/2 - 5/3): Chuyển động mới tại nhiều dự án cao tốc phía Nam

Sẽ mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 làn xe; Bình Phước dự chi 1.500 tỷ làm cao tốc TP HCM - Chơn Thành; Triển khai Đề án đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận trong quý IV... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Sẽ mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 làn

 Bộ GTVT vừa qua đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về việc đẩy nhanh tiến độ mở rộng làn đường cao tốc TP HCM - Long Thành.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được quy hoạch với quy mô 10 làn xe.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hải Quân) 

Vừa qua, trên cơ sở đề xuất của VEC và ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc giao VEC tự huy động vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây theo quy hoạch, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng dự án.

Bình Phước dự chi 1.500 tỷ làm cao tốc TP HCM - Chơn Thành 

Ngày 1/3,  tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với Đoàn lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước đến trao đổi về công tác quy hoạch kết nối vùng giữa hai tỉnh.​​

Sở GTVT tỉnh Bình Dương đã báo cáo phương án đầu tư dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và các điểm kết nối giao thông chính giữa hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Sơ đồ 5 tuyến cao tốc, bao gồm cao tốc TP HCM - Chơn Thành. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam) 

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước tiếp thu đề xuất của tỉnh Bình Dương, qua đó UBND tỉnh sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và HĐND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn đoạn cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đi qua tỉnh Bình Phước dài 7 km, sẽ do tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư theo hình thức đầu tư công, với tổng số vốn giải toả đền bù và xây lắp khoảng 1.500 tỷ đồng.

Triển khai Đề án đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận trong quý IV

Ngày 3/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch số 68 về việc Triển khai thực hiện Đề án xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận.

Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo UBND thành phố, thành ủy về việc hoàn thiện hồ sơ, Đề án đối với hai huyện Đông Anh, Gia Lâm trong tháng 6/2023; đối với ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì hoàn thành trong quý II/2024.

UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đề nghị Đề án đối với hai huyện Đông Anh, Gia Lâm trong tháng 7/2023; đối với ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì hoàn thành trong quý III/2024.

Đề án đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận sẽ được trình Chính phủ trong quý IV/2023. (Ảnh tư liệu minh hoạ: Kiều Anh). 

Hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ về Đề án đối với hai huyện Đông Anh, Gia Lâm trong quý IV; ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì hoàn thành trong năm 2025.

Sắp phê duyệt đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 

Theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), thời điểm hiện tại, cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương đầu tư 57/63 dự án, còn lại 6 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong 57 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, có 39 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư.

Còn lại 18 dự án, tiến độ phê duyệt đều chậm so với yêu cầu. Hiện tại, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đã lập kế hoạch điều chỉnh phê duyệt dự án. Trong đó, hai dự án gồm Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến được phê duyệt đầu tư ngay trong tháng 3/2023. 16 dự án khác sẽ được phê duyệt trong quý II và quý III.

Đèo Cả trúng thêm hai gói thầu cao tốc Bắc - Nam

Thông tin từ CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (DII, mã chứng khoán: HHV), mới đây, Ban Quản lý dự án 2 vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL02 và gói thầu XL03, dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn thuộc cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn năm 2021 – 2025.

Theo đó, liên danh DII – CTCP Tập đoàn Đèo Cả (DCG) – CTCP Xây dựng Đèo Cả (DCC) đã trúng thầu gói thầu XL02 có giá trị 4.129 tỷ đồng. Gói thầu bao gồm thi công xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, thời gian thực hiện là 34 tháng kể từ ngày khởi công.

Bên cạnh đó, liên danh DII – Tập đoàn Đèo Cả – CTCP Trường Long cũng trúng gói XL03 có giá trị 6.686 tỷ đồng. Gói thầu bao gồm thi công xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, thời gian thực hiện là 42 tháng kể từ ngày khởi công.

Đồng Tháp duyệt hơn 700 tỷ cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Ngày 28/2, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định về việc giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.

Theo đó, Đồng Tháp phân bổ 745 tỷ đồng cho Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1, bao gồm phần chuẩn bị đầu tư (do Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư) hơn 12 tỷ đồng; phần xây lắp (Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư) gần 183 tỷ đồng; phần bồi thường, giải phóng mặt bằng (Trung tâm Phát triển quỹ đất - Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư) là 550 tỷ đồng.

Kiến nghị thanh tra dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống do chậm tiến độ

Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) đã chậm hơn 27 tháng so với tiến độ hoàn thành. Sở Giao thông Vận tải TP HCM kiến nghị UBND TP thanh tra toàn diện dự án này.

Trong báo cáo gửi UBND thành phố về tình hình thực hiện dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, Sở GTVT, dự án không phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thi công thuận lợi nhưng công trình đã chậm hơn khoảng 27 tháng so với tiến độ hoàn thành đề ra. Nhà thầu thi công đã tạm ngưng thi công từ tháng 6/2022. Việc chậm trễ hoàn thành công trình làm lãng phí nguồn lực ngân sách, gây bức xúc trong dư luận.

Một đoạn đường Đồng Văn Cống hiện nay. (Ảnh: Hải Quân) 

Do đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TP HCM giao Thanh tra thành phố tổ chức thanh tra toàn diện dự án; xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan; báo cáo kết quả và tham mưu, đề xuất UBND Thành phố giải pháp xử lý để đảm bảo hoàn thành công trình trong năm 2023.

Long An dự kiến thông xe toàn tuyến vành đai TP Tân An vào cuối năm

UBND TP Tân An cho biết, đường vành đai TP Tân An là một trong ba công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Dự án này nhiều lần gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư cũng như bị tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch Covid -19,...

Đến nay, công trình đã có mặt bằng thi công toàn tuyến. Dự án sau khi hoàn thành sẽ giảm áp lực cho Quốc lộ 1, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Tân An và đường Hùng Vương, Hùng Vương nối dài, chuyển hướng lưu thông ra các vùng ven ngoại thành.

Thời gian tới, TP Tân An sẽ tiếp tục cùng Sở Giao thông Vận tải đôn đốc thực hiện, dự kiến thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2023. 

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.