Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/2 - 26/2): Bàn giao 90% mặt bằng vành đai 3 TP HCM vào tháng 6; chi hơn 13.300 tỷ đồng GPMB, tái định cư đường vành đai 4 - vùng Thủ đô

Bàn giao 90% mặt bằng vành đai 3 TP HCM vào tháng 6; Chi hơn 13.300 tỷ đồng GPMB, tái định cư đường vành đai 4 - vùng Thủ đô; Quảng Bình chuyển đổi 257 ha rừng làm cao tốc Bắc - Nam... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Bàn giao 90% mặt bằng vành đai 3 TP HCM vào tháng 6

Ngày 21/2, UBND TP HCM ban hành kế hoạch triển khai thực hiện dự án thành phần 2 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) đường vành đai 3 TP HCM đoạn qua địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, UBND TP HCM yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh khẩn trương ban hành kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thu hồi đất; báo cáo, đề xuất xác định hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ tháng 3 - 6/2023 và bàn giao 90% mặt bằng dự án trước ngày 30/6, bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12.

Một đoạn vành đai 3 sẽ mở qua TP Thủ Đức. (Ảnh: Hải Quân) 

Chi hơn 13.300 tỷ đồng GPMB, tái định cư đường vành đai 4 - vùng Thủ đô

Vừa qua, lãnh đạo TP Hà Nội đã ký quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1.1 gồm Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia địa phận TP Hà Nội) thuộc đường vành đai 4.

Dự án thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn 7 quận, huyện gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín với tổng diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng tuyến đường Vành đai 4 và đất hành lang dự trữ đường sắt Quốc gia là khoảng 812 ha (diện tích trong chỉ giới khoảng 797 ha; diện tích ngoài chỉ giới phục vụ hoàn trả kênh mương nội đồng, hoàn trả hệ thống điện cao thế, vuốt nối đường giao thông hiện hữu khoảng 15 ha).

 

Hướng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô. (Ảnh: Báo Chính phủ).  

Giá trị tổng mức đầu tư Dự án thành phần 1.1 là 13.362 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 11.252 tỷ đồng.

TP HCM khởi công cải tạo và xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Ngày 23/2, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị TP HCM đã khởi công dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).

Với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng (trong đó vốn Ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng, vốn Ngân sách địa phương 4.200 tỷ đồng), dự án có mục tiêu giải quyết thoát nước, chống ngập và ô nhiễm môi trường; kết nối hạ tầng giao thông, đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM.

Một đoạn kênh Tham Lương giao với đường Võ Văn Kiệt, quận Tân Phú hiện nay. (Ảnh: Hải Quân) 

Quảng Bình chuyển đổi 257 ha rừng làm cao tốc Bắc - Nam

Vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch số chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác năm 2023 để thực hiện dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh (TP Đồng Hới); Vũng Áng - Bùng thuộc (huyện Quảng Trạch); Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc (huyện Lệ Thủy) nhằm xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn tuyến qua TP Đồng Hới) có diện tích rừng được phê duyệt chuyển đổi sang mục đích khác là 86 ha.

Đoạn qua Vũng Áng - Bùng thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn tuyến qua huyện Quảng Trạch) có diện tích được phê duyệt chuyển đổi sang mục đích khác là 62 ha.

Đối với đoạn qua Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn tuyến qua huyện Lệ Thủy), diện tích được phê duyệt chuyển đổi sang mục đích khác là 109 ha.

Ninh Thuận sắp làm đường kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná - Nam Tây Nguyên

Vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư đường động lực kết nối từ Cảng tổng hợp Cà Ná - khu vực Nam Tây Nguyên.

Mục tiêu đầu tư nhằm kết nối liên vùng từ tỉnh Lâm Đồng ở khu vực Nam Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên về Cảng tổng hợp Cà Ná phục vụ nhu cầu giao thương, du lịch, vận chuyển hàng hóa, quặng bauxit Tân Rai, Nhân Cơ.

Cảng tổng hợp Cà Ná. (Ảnh: Báo Thanh niên) 

Dự án có tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Theo kế hoạch, dự án sẽ chuẩn bị đầu tư từ năm nay và thực hiện trong 6 năm.

Đề xuất giữ lại hơn 3.750 tỷ đồng cho 5 dự án giao thông

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ vừa qua đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án và phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, theo kết quả thẩm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT còn lại hơn 3.750 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết.

Số vốn này dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án: Ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án BOT hầm Đèo Cả dự kiến bố trí 1.180 tỷ đồng; vốn đối ứng cho 3 dự án ODA mới (Mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A, Tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ: Quốc lộ 53, Quốc lộ 62 và Quốc lộ 91B tại Đồng bằng sông Cửu Long) và dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc với tổng số dự kiến bố trí hơn 2.570 tỷ đồng”, Bộ Giao thông Vận tải thông tin.

Bộ GTVT kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo các cấp có thẩm quyền không điều chỉnh giảm nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT, số vốn hơn 3.750 tỷ đồng để bảo đảm khả năng cân đối vốn cho các dự án khi quyết định chủ trương đầu tư. 

Đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng đường sắt  

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, năm 2023 sẽ khởi công 5 dự án hạ tầng đường sắt nhóm B, nguồn vốn đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, vốn ODA của Hàn Quốc.

Trong đó, có ba dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tại 3 đoạn: Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn, thời gian dự kiến thực hiện trong 3 năm, giai đoạn 2022-2025.

Ba dự án này có thể coi là bước đầu tư tiếp theo của 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 (gói 7.000 tỷ đồng), nhằm phát huy hiệu quả đầu tư hơn nữa trên toàn tuyến. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.