Ngày 26/9, trong chương trình công tác tại Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát thực địa, kiểm tra tiến độ triển khai cao tốc TP HCM - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.
Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành và khởi công dự án trong tháng 11.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài tuyến khoảng 52 km, trong đó đoạn giữ nguyên theo quy mô mặt cắt ngang đường hiện trạng khoảng 6,5 km, đoạn xây dựng mới khoảng 45,6 km.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP HCM).
Về lựa chọn tốc độ thiết kế, phía Bộ GTVT cho rằng tốc độ 350 km/h phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta.
Lãnh đạo tỉnh QUảng Trị vừa qua đã chủ trì cuộc họp về việc xem xét các phương án đầu tư xây dựng quốc lộ 15D đoạn từ quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Trị theo phương thức PPP.
Dự án có chiều dài tuyến 42 km, trong đó có 8 km đoạn từ QL 1 đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đề xuất sử dụng vốn Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Đến thời điểm hiện tại, Liên danh nhà đầu tư đã nghiên cứu xây dựng 4 phương án thiết kế thi công và đề xuất với UBND tỉnh lựa chọn phương án giải phóng mặt bằng hai làn xe, đầu tư hai làn xe và thiết kế hai hầm với tổng mức đầu tư 7.409 tỷ.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre vừa qua đã ký ban hành kế hoạch tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường ven biển tỉnh Bến Tre và khởi động tuyến đường ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh.
Theo kế hoạch, lễ khởi công sẽ diễn ra vào ngày 2/10 tới tại khu vực nút giao giữa dự án cầu Ba Lai 8 và QL 57B, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Cầu thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, có quy mô dài 527,6 m. Tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.
Theo TTXVN, ngày 26/9, ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh dự kiến dành hơn 860 tỷ đồng cho dự án giải phóng mặt bằng để tiến đến thực hiện đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp sân bay Cà Mau.
Dự án dự kiến thực hiện trong hai năm 2024 và 2025, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Quy mô đầu tư thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 105,21 ha đất tại phường 6 và phường Tân Thành thuộc TP Cà Mau.
Ngày 24/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, một số bộ, ngành liên quan về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ KHĐT phối hợp với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao thẩm quyền cho hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, thiết kế kỹ thuật đối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) theo hướng điều chỉnh quy mô toàn tuyến lên 4 làn xe.
Ngày 23/9, tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ khánh thành hai dự án bao gồm tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng tại nút giao giữa tuyến đường này với đường cao tốc TP HCM -Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Cùng với đó là dự án cầu Bạch Đằng 2.
Đường tạo động lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng được tỉnh Bình Dương khởi công từ năm 2021. Tuyến có quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, tổng kinh phí đầu tư trên 3.800 tỷ đồng, đi qua các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Bàu Bàng (Bình Dương).
Cầu Bạch Đằng 2 là cây cầu nối liền giữa xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) với xã Bạch Đằng (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Dự án cầu có tổng chiều dài hơn 2,8 km. Tổng mức đầu tư dự án là gần 500 tỷ đồng.
Ngày 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu rút ngắn tiến độ hơn nữa, đến ngày 31/12/2025 phải hoàn thành dự án đoạn qua tỉnh Bắc Ninh.
Vành đai 4 đoạn qua địa phận tỉnh này có chiều dài tuyến theo lý trình cao tốc là 35,3 km, trong đó 25,6 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối đường Vành đai 4 với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư là 5.274 tỷ đồng.
Ngày 22/9, tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024 đã diễn ra nghi thức khởi công nhiều dự án trên địa bàn.
Trong đó có dự án cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, có chiều dài tuyến khoảng 13,4 km, do Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh (Sở Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí hơn 2.182 tỷ đồng. Dự kiến năm 2025 sẽ hợp long cầu.