Bình Dương sẽ quy hoạch 10.000 ha đất công nghiệp dọc vành đai 4 và các tuyến cao tốc

Mục tiêu của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2022 - 2030 là phát triển được 10.000 ha công nghiệp, tạo thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng, trên địa bàn các huyện, thị phía bắc.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC và Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng (VIUP) tổ chức Hội thảo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã báo cáo: Định hướng Khung chiến lược tích hợp quy hoạch tỉnh Bình Dương; định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; định hướng quy hoạch phát triển không gian và hệ thống cơ sở hạ tầng.

Cơ sở của chiến lược tích hợp này là vị trí lợi thế và liên kết vùng để Bình Dương trở thành tỉnh thu nhập cao đầu tiên của Việt Nam vào năm 2030, đầu mối giao thương quốc tế và trung tâm vùng Đông Nam bộ. Báo cáo đầu kỳ đã chỉ rõ vị thế đặc biệt của tỉnh Bình Dương - đóng vai trò là vị trí trung chuyển quan trọng giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP HCM, mắt xích quan trọng của hành lang kinh tế Đông Nam Bộ.

 Một góc Bình Dương. (Ảnh: Báo Bình Dương).

Cùng với đó, Bình Dương đóng vai trò hậu phương phía bắc của TP HCM, cũng là hậu phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất do kết nối với Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Campuchia.

Nghị quyết ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định rõ tỉnh Bình Dương thuộc hai tiểu vùng kinh tế phía bắc và trung tâm.

Trong đó, tiểu vùng phía bắc gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía bắc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là khu phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; tiểu vùng trung tâm gồm TP HCM, khu vực phía nam tỉnh Bình Dương và tây nam tỉnh Đồng Nai là trung tâm phát triển của toàn vùng, nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục - đào tạo, y tế và đầu mối giao thương quốc tế.

Theo PGS.TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng - Phó Viện trưởng VIUP, Bình Dương đang đối mặt với một số điểm nghẽn, thách thức cần có giải pháp tháo gỡ để khơi thông nguồn lực, tạo động lực tổng thể đưa Bình Dương tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới. Cụ thể, kết nối vùng bị tắc nghẽn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối phía Nam của tỉnh bị quá tải.

Cùng với đó là các thách thức về mô hình không gian lãnh thổ và phát triển hạ tầng thiếu tầm nhìn dài hạn; giá trị tài nguyên văn hoá, sinh thái đang bị lãng quên và dịch vụ hạn chế; môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro; cạnh tranh nội vùng và trong nước ngày một gay gắt, biến động quốc tế khó lường…

Quy hoạch dự kiến đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Bình Dương đi tiên phong trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, về định hướng không gian phát triển, tỉnh nghiên cứu không gian phát triển thành các vùng: khu vực phía nam gồm Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên là trung tâm cửa ngõ của Bình Dương đi TP HCM, Đồng Nai và cảng biển, đầu mối kết nối giao thông trong vùng. Đô thị hiện đại đáng sống với hạ tầng nhà ở, dịch vụ chất lượng cao, hệ thống y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế, giao thông công cộng tiện lợi kết nối TP HCM, Đồng Nai và trung tâm Thành phố mới Bình Dương.

Khu vực trung tâm Bình Dương (Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên) với hạt nhân là "trung tâm Thành phố mới Bình Dương" phải tiếp tục quy hoạch để trở thành vùng đổi mới sáng tạo, vùng lõi của một đô thị thông minh Bình Dương.

Các địa phương phía bắc (Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên) còn dư địa khá lớn về đất đai, phối hợp quy hoạch để chuẩn bị bất động sản công nghiệp hình thành, tạo lập vành đai công nghiệp.

Khu vực này là trung tâm kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng sông do các tuyến đường vành đai tạo ra. Nơi đây cần trở thành một cực phát triển mới hình thành Khu liên hợp Văn hóa - Thể dục - Thể thao - Y tế - Giáo dục tầm cỡ khu vực để hỗ trợ cho các cực phát triển của tỉnh và của cả vùng Đông Nam bộ.

Về các lĩnh vực cụ thể, mục tiêu đặt ra cho tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 phải tập trung phát triển được 10.000 ha công nghiệp tạo thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng, trên địa bàn các huyện, thị phía bắc.

Cùng với đó, tiếp tục phát triển công nghiệp vừa là nơi dịch chuyển các doanh nghiệp phía nam (khoảng 2.888 doanh nghiệp cần phải di dời lên phía bắc) hoặc tái cấu trúc lại và dư ra khoảng 2.000 ha để phát triển đô thị, dịch vụ của Thuận An và Dĩ An trở thành trung tâm đô thị tầm cỡ khu vực.

Dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ di dời được 30% - 40% các doanh nghiệp sản xuất ở phía nam lên các khu, cụm công nghiệp phía bắc thuộc Đề án di dời của tỉnh. Từ đó hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp khoa học công nghệ, khu công nghiệp phụ trợ, công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0.

Đồng thời, cần phân bổ không gian định hình phát triển các ngành dịch vụ theo hướng trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giáo dục, trung tâm chăm sóc sức khỏe tầm cỡ khu vực và thế giới, các dịch vụ khác.

Về phát triển đô thị, cần chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư, chỉnh trang, nâng tầm chất lượng đô thị hướng đến đô thị thông minh, không để hình thành "ổ chuột" trong lòng đô thị.

Đến năm 2025 phải xóa đi các ngõ, hẻm đường đất, sỏi đỏ chưa được liên thông và các dân cư chưa đáp ứng các điều kiện hạ tầng, đáp ứng đủ chỉ tiêu phát triển nhà ở (diện tích nhà ở đô thị, nông thôn, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội) theo dự báo quy mô dân số của tỉnh theo từng giai đoạn.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, đến cuối tháng 4, phải cơ bản hoàn chỉnh đồ án quy hoạch tỉnh kỳ cuối và lấy ý kiến nhân dân để tiếp thu hoàn thiện quy hoạch.

chọn
Hàng nghìn bị hại đổ về phiên tòa vụ Tân Hoàng Minh
8h20, hơn 1.000 bị hại đã được bố trí ngồi tại ba khu vực song hàng trăm người vẫn tiếp tục đến điểm danh tại 8 bàn đón tiếp trong phiên xét xử vụ án Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu khống.