TP Thuận An nằm ở phía nam tỉnh Bình Dương, giữa TP Thủ Dầu Một và TP HCM, có vị trí địa lý phía đông giáp TP Dĩ An; phía tây giáp quận 12 và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, TP HCM qua sông Sài Gòn Phía nam giáp TP Thủ Đức; phía bắc giáp các TP Thủ Dầu Một và Tân Uyên.
Thành phố có diện tích 83,7 km2, dân số năm 2021 là 618.984 người, mật độ dân số đạt 7.394 người/km2. Đây được xem là trung tâm kinh tế và là thành phố lớn nhất tỉnh về dân số.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Thuận An là một trong các tiểu vùng trung tâm phía bắc của khu trung tâm đô thị vùng TP HCM - cửa ngõ phía bắc của TP HCM với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Nam Tây Nguyên.
Đến năm 2025, dân số thành phố đạt khoảng 670.000 người, trong đó dân số thành thị khoảng 670.000 người; đến năm 2030 khoảng 700.000 người, dân số thành thị khoảng 700.000 người; tỷ lệ đô thị hóa là 100%.
Đến năm 2040, Thuận An là trung tâm kinh tế - xã hội lớn phía Nam của tỉnh Bình Dương về thương mại dịch vụ, tài chính, văn hóa - du lịch, công nghiệp. Là đô thị kết nối hệ thống đô thị khu vực phía Bắc tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước với TP HCM; có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh.
Bên cạnh đó, định hướng đến 2025, xã An Sơn nâng cấp thành phường, phát triển đô thị gắn với Cảng sông An Sơn trên sông Sài Gòn, giao thông đường thủy nội địa, sông Sài Gòn được nạo vét và nâng tĩnh không cầu đường sắt Bình Lợi nên khả năng phát triển của cảng này có thể trở thành cảng trung chuyển contener phục vụ xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Dương và TP Thuận An..
Tuyến đường vành đai 3 TP HCM hiện đang thực hiện đi qua phía tây bắc địa bàn là động lực mới phát triển các khu đô thị, vườn cây Trái Lái Thiêu kết hợp với du lịch sinh thái.
Theo quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế thành phố theo 3 vùng chính bao gồm vùng 1 (đô thị sinh thái, đô thị truyền thống và dịch vụ) thuộc khu vực phía tây nam thành phố gồm 4 phường, một xã (An Thạch; Hưng Định; Bình Nhâm; Lái Thiêu; xã An Sơn).
Định hướng phát triển hành lang ven sông Sài Gòn là hành lang cảnh quan, hỗn hợp đa chức năng như: thương mại - dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và các tổ hợp nhà ở sinh thái - dịch vụ chất lượng cao gắn với sông Sài Gòn.
Vùng 2 (trung tâm công nghiệp, dịch vụ Logistic) thuộc khu vực phía đông nam thành phố gồm hai phường Bình Hòa, Vĩnh Phú và một phần địa giới hành chính hai phường An Phú, Thuận Giáo.
Định hướng phát triển khu vực này gắn với trục Đô thị dịch vụ - Công nghiệp (QL 13) và hành lang phát triển hỗn hợp theo TOD gắn đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành phát triển đô thị - dịch vụ - công nghiệp – logistic.
Vùng 3 (đô thị hiện trạng và phát triển mới) thuộc khu vực phía bắc, đông bắc thành phố gồm phường Bình Chuẩn và một phần địa giới hành chính hai phường An Phú; Thuận Giáo.
Đây là khu vực phát triển đô thị hỗn hợp được phát triển theo hành lang, các hành lang này nằm trên các đường trục chính đô thị như Đại lộ Bình Dương, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường vành đai 3, đường ĐT 743a, ĐT 743b,… được phát triển các tổ hợp nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ, văn phòng, tài chính, ngân hàng.
Một trục phát triển là trục chính trung tâm đô thị, đây là hành lang ĐT hỗn hợp cấp 1 rộng từ 300 - 400m, với chức năng chính trung tâm đô thị dịch vụ, công nghiệp gắn với tuyến QL 13, khu vực có ga MRT có bán kính rộng 500 m. Chiều cao công trình tối đa không quá 60 tầng, tầng hầm tối đa 6 tầng. Công trình điểm nhấn kiến trúc không cao hơn 80 tầng.
Ba hành lang phát triển là hành lang sinh thái, dịch vụ du lịch có chức năng của hành lang cấp 3 bao gồm phát triển hỗn hợp cao tầng đa chức năng như thương mại - dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và các tổ hợp nhà ở sinh thái - dịch vụ chất lượng cao gắn với sông Sài Gòn...
Phát triển các công trình hỗn hợp có tầng cao tối đa 40 tầng, tầng hầm tối đa 4 tầng. Công trình điểm nhấn kiến trúc không cao hơn 50 tầng.
Hành lang đô thị dịch vụ gắn với tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đây là hành lang ĐT hỗn hợp cấp 1, rộng từ 300 - 400m; kết nối với các quận phía Bắc TP HCM.
Hành lang đô thị dịch vụ gắn với tuyến đường vành đai 3 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn, là hành lang ĐT hỗn hợp cấp 2, rộng từ 300 - 400 m. Đây cũng là tuyến giao thông kết nối các huyện, quận của TP HCM với các đô thị phía Nam TP Bình Dương.
Đối với hệ thống giao thông đường bộ, đại lộ Bình Dương có điểm đầu tại cầu Vĩnh Bình, điểm cuối giáp đường Vành đai 4 TP HCM, dài 37,2 km, giai đoạn đầu xây dựng đoạn từ cầu Vĩnh Bình đến Vành đai 3 TP HCM, với quy mô 4 làn xe.Giai đoạn 2 với quy mô 8 làn xe (mặt cắt ngang 64 m), tiêu chuẩn đường cấp I.
Quy hoạch đi trên cao, đi một bên đường Đại lộ Bình Dương. Tuyến có các ga với khoảng cách từ 1-1,5 km tại khu vực tập trung đông dân cư. Định hướng quy hoạch 10 ga metro trên Đại lộ Bình Dương.
Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cao tốc với 6 - 8 làn xe, có mặt cắt ngang 60 m. Điểm đầu giao đường Xuyên Á tại giao lộ ngã tư Gò Dưa (điểm cuối đường Vành đai 2), điểm cuối tại Chơn Thành, Bình Phước đường này đi qua ranh TP Thuận An khoảng 11,4 km.
Tuyến metro số 5 (Vĩnh Phú - Uyên Hưng) sẽ đi song song bên trái tuyến theo lý trình từ điểm đầu đến điểm cuối tuyến. Tuyến này nối từ tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ngã tư cầu ông Bố đi theo đường ĐT 743C đến đường TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi theo đường này kết nối Tân Uyên.
Đường vành đai 3 TP HCM được quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với quy mô 6 - 8 làn xe. Bề rộng quy hoạch đường Vành đai 3 trên địa bàn TP Thuận An là 74,5 m.
Điểm đầu giao cắt QL 1A tại khu vực Tân Vạn, tuyến đi trùng đường Tân Vạn - Mỹ Phước (dài 16,3 km đi trên cao), đến Bình Chuẩn tuyến rẽ trái giao quốc lộ 13 (tại Km 14 + 200 - lý trình QL 13) tại TP Thủ Dầu Một, điểm cuối vượt sông sài Gòn tại vị trí cách cảng Bà Lụa hiện hữu về phía hạ lưu khoảng 500 m (xây dựng mới cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn).
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đi qua TX Bến Cát, TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An là đường trục chính đô thị. Tuyến đường này có metro đi qua, do vậy lộ giới được quy hoạch 64 m. Đường Vành đai 3 đi trùng Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ đi trên cao với quy mô 6 - 8 làn xe.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn trong phạm vi TP Thuận An có tuyến đường sắt đô thị chạy song song. Metro trên đường này qua địa bàn Thuận An dài khoảng 7 km dự kiến quy hoạch 5 ga metro, mỗi ga cách nhau khoảng 3,3 km.
Các ga trên tuyến này đi qua địa bàn Thuận An gồm ga An Phú tại ngã 5 An Phú; ga Thuận Giao tại giao cắt với đường Thuận An Hòa; ga Bình Chuẩn tại nút giao của đường vành đai 3 nơi có bến xe Bình Dương.
Hệ thống đường chính đô thị gồm đường ĐT 743a đi qua phường Bình Chuẩn, đường có lộ giới 54 m; đường Thủ Khoa Huân có lộ giới 32 m; đường 745 có lộ giới 32 m; đường 22/12 (đường An Phú - An Thạnh cũ) nối đường Đất Thánh; đường ĐT 743C; Tỉnh lộ 43; Đường Hữu Nghị và Hữu Nghị nối dài qua đại lộ Bình Dương chạy dọc phía nam sân golf (đường LKV8 theo quy hoạch cũ) và 4 tuyến đường CĐT mở mới.
Đối với định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, về công nghiệp, theo nghị quyết Đại Hội Đảng bộ TP Thuận An khóa XII nhiệm kỳ 2020 - 2025, công nghiệp TP Thuận An sẽ thu hẹp chiều rộng, phát triển trong thời gian tới chủ yếu là phát triển chiều sâu, phát triển công nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm có uy tín và chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước.
Đến năm 2030 chuyển đổi khoảng 692 ha đất công nghiệp sang đất dân dụng; rập trung cơ cấu lại các ngành công nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các ngành thâm dụng lao động và có giá trị xuất khẩu lớn. Đồng thời, chuyển đổi chức năng cụm, khu công nghiệp sang dịch vụ logistic, dịch vụ đô thị,...
Theo tìm hiểu của người viết, toàn thành phố hiện có 3 khu công nghiệp và hai cụm công nghiệp tập trung, thu hút 2.368 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, số doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp là 400 doanh nghiệp.
Các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Thuận An bao gồm KCN VSIP (Việt Nam - Singapore), KCN Việt Hương, KCN Đồng An, cụm công nghiệp An Thạnh và cụm công nghiệp Bình Chuẩn.
Về phương án phân bổ sử dụng đất đai, đến 2021 - 2030, đất nông nghiệp 2.031 ha; đất phi nông nghiệp 6.340 ha, trong đó, đất khu công nghiệp 599 ha, đất ở tại đô thị 2.515 ha.
Là một trong 5 thành phố của tỉnh Bình Dương, cùng với đó là địa phương lận cận TP HCM, TP Thuận An hiện nay có khá nhiều dự án bất động sản của các chủ đầu tư lớn như Phát Đạt; Kim Oanh Group; A&T; C.T Group...
Loạt bất động sản tiêu biểu tại TP Thuận An có thể kể đến như khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An với tổng diện tích 4,5 ha, bao gồm hai dự án Thuận An 1 và Thuận An 2. Trong đó, Thuận An 1 có diện tích 1,8 ha, Thuận An 2 có diện tích 2,6 ha. Chủ đầu tư của dự án này là Thiên Long và Hoà Phú - công ty con của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt.
Một dự án cũng của Phát Đạt làm chủ đầu tư là Astral City với quy mô hơn 3,7 ha. Quy mô dự án gồm 8 block, cao 40 tầng với 3 tầng hầm. Theo đó, dự án có tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 530.000 m2.
Dự án Một Thế Giới có vị trí tại phường Thuận Giao, TP Thuận An. Hồi giữa tháng 4 vừa qua, dự án này đã được UBND tỉnh Bình Dương trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chủ đầu tư cho Kim Oanh Group cùng cùng ba đối tác đến từ Nhật Bản là Tập đoàn Sumitomo Forestry, Tập đoàn Kumagai Gumi, Công ty Phát triển Đô thị NTT.
Dự án này có quy mô gần 50 ha và tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD, với các sản phẩm bao gồm shophouse, nhà phố liền kề, biệt thự compound, căn hộ, chung cư nhà ở xã hội…
Setia Gardens Residences nằm tại Khu đô thị Eco Xuân, mặt tiền QL 13, phường Lái Thiêu. Dự án này có diện tích 1,2 ha, quy mô dự án gồm ba tháp căn hộ với chiều cao 26 tầng nổi, hai tầng hầm. Dự án này do Công ty TNHH MTV Setia Lái Thiêu.
Dự án Symlife nằm tại mặt tiền QL 13, thuộc phường Vĩnh Phú. Dự án này có tổng diện tích đất 7.028 m2, trong đó diện tích đất xây dựng là 6.994 m2. Quy mô dự án bao gồm hai block cao 27 tầng và 1 tầng hầm. Dự án này do CTCP Đầu tư xây dựng Nam Hiệp Thành Bình Dương làm chủ đầu tư.
Dự án A&T Sky Garden nằm tại tại đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Lái Thiêu. Dự án này có quy mô 7.684 m2, quy mô xây dựng bao gồm hai tòa chung cư cao 40 tầng nổi và 2 tầng hầm. Có tổng diện tích sàn xây dựng là 106.895 m2. Dự án này do CTCP Đầu tư Thương mại Kỹ thuật A&T làm chủ đầu tư.
The Emerald 68 có vị trí tại đường Vĩnh Phú 10, phường Vĩnh Phú. Dự án này có diện tích 7.102 m2, quy mô 770 căn hộ ở và 15 căn hộ thương mại, dân số 1.822 người, chủ đầu tư là Tập đoàn Lê Phong.
Lavita Thuận An nằm trên mặt tiền QL 13, thuộc địa bàn phường Thuận Giao. Dư án này có quy mô khoảng 2,3 ha. Chủ đầu tư của dự án là CTCP Bất động sản Thuận An. Đơn vị phát triển là CTCP Hưng Thịnh Land.
Opal Skyline nằm tại số 15 Nguyễn Văn Tiết, thuộc phường Lái Thiêu. Dự án này nằm trên khu đất có tổng diện tích hơn 1 ha. Tổng diện tích sàn xây dựng 16 ha. Dự án này có quy mô gồm hai block căn hộ cao 36 tầng, cung ứng ra thị trường 1.530 căn hộ. Dự án do CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An. Đơn vị phát triển là Tập đoàn Đất Xanh...
Quy hoạch 07:44 | 02/11/2024
Quy hoạch 08:20 | 05/10/2024
Quy hoạch 06:45 | 02/10/2024
Quy hoạch 19:00 | 24/09/2024
Quy hoạch 11:41 | 21/09/2024
Quy hoạch 13:53 | 18/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 08/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 07/09/2024