5 điểm nổi bật về quy hoạch TP Dĩ An, Bình Dương

Dĩ An là trung tâm công nghiệp, kinh tế và là đơn vị hành chính cấp huyện có dân số đông thứ hai ở tỉnh Bình Dương. Cùng điểm qua những điểm nổi bật trong quy hoạch thành phố này.

Dĩ An là một thành phố nằm ở phía đông nam tỉnh Bình Dương. Phía đông giáp TP Biên Hòa; phía nam giáp TP Thủ Đức; phía tây giáp TP Thuận An; phía bắc giáp TP Tân Uyên. TP Dĩ An có diện tích 60,05 km2, dân số theo cập nhật mới nhất là 463.023 người, mật độ dân số đạt 7.711 người/km2.

Hiện nay, Dĩ An là trung tâm công nghiệp, kinh tế và là đơn vị hành chính cấp huyện có dân số đông thứ 2 ở tỉnh Bình Dương, sau TP Thuận An. Dĩ An là thành phố trực thuộc tỉnh có quy mô dân số đứng thứ 3 cả nước. Đây là cửa ngõ quan trọng để đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía bắc.

 Một góc TP Dĩ An hiện nay. (Ảnh: Báo Bình Dương).

Đạt mức đô thị 100%, chạm mốc dân số hơn nửa triệu người vào năm 2025

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2021 - 2025, Dĩ An sẽ tập trung đầu tư vào một số dự án hạ tầng khung có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội TP Dĩ An (quốc lộ 1A, 1K, xây dựng hoàn chỉnh đường Vành đai 3, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, các tuyến Vành đai Đông Bắc,) ….

Xây dựng các đô thị hiện đại và bền vững, tập trung nguồn lực xây dựng thành phố đạt tiêu chí đô thị loại I, là thành phố trực thuộc tỉnh. Tổng dân số thành phố khoảng 550.000 người, tỷ lệ đô thị hoá 100%. Giai đoạn 2026 - 2030: tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I;.

Đến năm 2040, DĨ An tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống trục Đông - Tây, Bắc - Nam, các tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và các đầu mối giao thông tiếp cận vùng như: bến xe miền đông, ga metro Suối Tiên, Ga Dĩ An, Ga An Bình.

Cùng với đó là bố trí các khu ở hỗn hợp (ở kết hợp với khu thương mại – dịch vụ) được quy hoạch tập trung trên các đường chính đô thị (QL 1K, QL 1A, Vành đai 3 …) và tại các cửa ngõ đô thị.

Bên cạnh đó, cải tạo các khu ở hiện hữu tại các trung tâm các phường trên địa bàn thành phố, phát triển các khu nhà ở thấp tầng, nhà vườn dọc theo sông, suối tập trung tại khu vực phường Tân Bình, tập trung kêu gọi đầu tư phát triển các khu đô thị mới dọc theo các tuyến hành lang như Vành đai 3, QL 1A, QL 1K, Xuyên Á.

Quan tâm định hướng phát triển không gian ngầm cho đô thị loại I. Dân số thành phố 600.000 người, tỷ lệ đô thị hóa là 100%.

Thành phố còn được phân thành ba phân vùng phát triển gồm vùng đô thị phía Đông đường sắt Bắc - Nam là trung tâm chính trị văn hoá, xã hội, thương mại....của thành phố. Lấy trung tâm đô thị và Đại học Quốc gia TP HCM làm hạt nhân.

Vùng đô thị phía Tây đường sắt Bắc - Nam kết hợp đầu mối giao thông vùng, và các khu công nghiệp cải tạo làm hạt nhân; vùng đô thị phía Bắc đường sắt Lộc Ninh - Dĩ An - Vũng Tàu phát triển trung tâm dịch vụ Cảng (Cảng Logistics Tan Vạn), thương mại cấp vùng, dịch vụ du lịch sinh thái và các khu ở hỗn hợp tích hợp đa chức năng dọc theo tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn.

 Dĩ An sẽ đạt mốc dân số hơn nửa triệu người vào năm 2025. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Chia thành 5 phân khu chức năng để phát triển

Đối với hệ thống phân khu chức năng, dự kiến TP. Dĩ An sẽ chia thành 5 phân khu chức năng phát triển bao gồm khu đô thị số 1: Khu đô thị trung tâm, đây là đô thị trung tâm hành chính - chính trị, trung tâm văn hóa - thể dục thể thao của Dĩ An gồm một phần phường Dĩ An, 1 phần phường Đông Hòa và 1 phần phường Tân Đông Hiệp.

Duy trì phát triển khu trung tâm hành chính Dĩ An, lấy trung tâm thị xã làm hạt nhân phát triển. Hình thành các tuyến giao thông chính và đầu mối giao thông tạo động lực phát triển; chỉnh trang lại các khu dân cư hiện hữu. Phát triển các khu đô thị mới theo mô hình “đô thị nén” mật độ cao.

Khu đô thị số 2: Khu đô thị công nghiệp, đây là đô thị công nghiệp công nghệ cao (KCN Sóng Thần 1, 2) của Dĩ An gồm một phần phường Dĩ An và một phần phường Tân Đông Hiệp.

Phát triển cải tạo các khu công nghiệp thành công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao; phát triển giao thông đầu mối chính, tạo động lực phát triển cho các khu vực lân cận; cải tạo, chỉnh trang lại các khu ở hiện hữu; phát triển thương mại, dịch vụ phục vụ công nghiệp.

Khu đô thị số 3: Khu đô thị dịch vụ kết hợp các khu ở mật độ trung bình – là đô thị với mật độ trung bình kết hợp phát triển thương mại dịch vụ, tập trung phía Bắc TP Dĩ An gồm phường Tân Bình và một phần phường Tân Đông Hiệp. Phát triển các khu đô thị mới tập trung tại nút giao tuyến Metro dọc Vành đai 3 với đường Nguyễn Thị Minh Khai và nút giao Vành đai 3 với đường Bắc Nam.

Tái phát triển, chuyển đổi công năng các khu sản xuất công nghiệp thành các dự án động lực, các dự án đô thị phức hợp theo mô hình TOD.

Khu đô thị số 4: Khu đô thị dịch vụ Cảng (logistics), du lịch và thương mại dịch vụ - là đô thị dịch vụ Cảng (Cảng Logistics Tan Vạn) gồm 1 phần phường Bình An và 1 phần phường Bình Thắng. Phát triển các chức năng về dịch vụ cảng, các chức năng chuyên ngành quy mô lớn theo mô hình hiện đại, có khu vực cao tầng, đa chức năng.

Phát triển trung tâm dịch vụ, thương mại cấp vùng và các khu đô thị hỗn hợp tích hợp đa chức năng dọc theo tuyến Mỹ Phước Tân Vạn (Vành đai 3); phát triển triển dịch vụ phục vụ hỗ trợ cho du lịch tại khu vực núi Châu Thới (phường Bình An), khu vực hồ đá (phường Tân Đông hiệp).

Khu đô thị số 5: Khu đô thị giáo dục - đào tạo/khu đô thị đại học, (với trung tâm là Đại học Quốc gia TP HCM) gồm một phần phường Bình An, một phần phường Bình Thắng và một phần phường Đông Hòa.

Phát triển dịch vụ thương mại gắn với khu phát triển hỗn hợp, kết nối với Bến xe Miền Đông, Đại học Quốc gia TP HCM và Cụm cảng Logistic Tân Vạn.

Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh làng đại học kết hợp với các chức năng dịch vụ đầu mối cấp vùng sẽ tạo ra hiệu ứng phát triển đô thị cho không gian xung quanh; phát triển khu đô thị mới xung quanh khu vực bến xe Miền Đông, kết hợp dịch vụ thương mại, khu phức hợp phát triển cao tầng theo mô hình TOD.  

Hưởng lợi từ tuyến vành đai 3 và cao tốc TP HCM - Chơn Thành

Đối với hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của Dĩ An, thành phố sẽ được hưởng lợi khi tỉnh hoàn thành xây dựng tuyến cao tốc TP HCM - Chơn Thành. Cùng với đó, tuyến vành đai 3 hiện cũng đang được xây dựng qua TP Dĩ An.

Theo thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả, điểm đầu của tuyến cao tốc TP HCM - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương nằm tại vành đai 3 TP HCM thuộc địa phận TP Thuận An; điểm cuối nằm tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (Km52 +247 theo lý trình dự án).

Tổng chiều dài tuyến gần 46 km.Tổng diện tích đất GPMB của dự án khoảng 322,5 ha. Về tiến độ, dự án dự kiến phê duyệt đầu tư vào quý II/2024; phê duyệt thiết kế kỹ thuật và đền bù GPMB vào quý III/2024; khởi công dự án vào quý IV/2024; thanh thải, hoàn thành dự án đến hết quý IV/2027. Thời gian thi công dự án dự kiến ba năm.

Tổng mức đầu tư dự án là 17.408 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Vốn tham gia của Nhà nước là 8.530 tỷ đồng.

Vành đai 3 TP HCM đoạn đi qua Bình Dương dài 26,6 km, tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng. Đoạn đường được thiết kế đạt chuẩn cao tốc với đường song hành hai bên. Giai đoạn đầu tuyến được đầu tư 4 làn xe và nâng lên 8 làn khi hoàn thiện.

Với tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng, Vành đai 3 TP HCM là dự án có mức đầu tư lớn nhất trong các công trình giao thông phía Nam từ trước đến nay. Tuyến đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành thực hiện hai dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.

Toàn tuyến dự kiến hoàn thành năm 2026, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics... Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển Vùng trọng điểm phía Nam. 

Tại TP Dĩ An, tuyến vành đai 3 có nút giao thông lớn nhất toàn tuyến hiện đang được xây dựng tại đây. Nút giao thông này là nút giao thông Tân Vạn, đây là cửa ngõ ba tỉnh, thành Bình Dương, TP HCM và Đồng Nai, lượng xe rất lớn nên thường xuyên ùn tắc. Dưới nút giao này có hệ thống hạ tầng kỹ thuật dày đặc, tương lai đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng chạy qua.

 Khu vực làm nút giao Tân Vạn trên tuyến vành đai 3 tại TP Dĩ An. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Bên cạnh hai tuyến này, QL 1A (cải tạo nâng cấp lộ giới 113,5 m bao gồm các làn xe cao tốc, các làn nội bộ với các giải phân cách cùng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên), đường Xuyên Á (lộ giới 120 m, bố trí tuyến Metro song hành).

Có ba tuyến đường sắt quốc gia, một tuyến metro

Về hệ thống đường sắt, đường sắt quốc gia đi qua địa bàn thành phố gồm có tuyến Bắc - Nam (đoạn tránh đi qua tỉnh Bình Dương nằm trong dự án đường sắt trên cao Trảng Bom - Hòa Hưng).

Tuyến Dĩ An - Lộc Ninh (từ ga Dĩ An đi qua Thủ Dầu Một, Chơn Thành, Lộc Ninh đến ga Hoa Lư tiếp giáp biên giới Campuchia), dài khoảng 128 km, khổ 1.435mm, toàn tuyến có 17 ga, trạm khách. Trong đó, đoạn Dĩ An - Chơn Thành đường đôi, đoạn Chơn Thành – Lộc Ninh đường đơn.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 60 km (trong đó từ ga An Bình Đến ga Bàu bảng dài 52,3 km). Cuối cùng là tuyến TP HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ - Cà Mau.

Về đường sắt đô thị, tuyến số 01 (thành phố mới - Suối Tiên) dài 28,2 km được điều chỉnh kéo dài thêm 1,8 km (theo lộ trình điểm đầu tại ga trung tâm thành phố mới theo đường Nguyễn Huệ đến ĐT 742, theo đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường 4QH (trong khu Công nghiệp dệt may Bình An), chạy dọc QL 1A đến ga Suối Tiên).

Hệ thống ga đường sắt bao gồm ga Dĩ An (vị trí Km 0+000 tương ứng với Km 1706+713 của đường sắt Thống Nhất hiện hữu, vị trí Km 1705+413 giữ nguyên hiện trạng), ga An Bình (Km 1706+430), trạm khách Nghĩa Sơn (Km 1697+4500), trạm khách Sóng Thần (Km 1709+010), trạm khách Tân Bình (Km 03+600).

Ga Metro - Depot sẽ phát triển kết hợp TOD khu vực nút giao phường Bình Thắng (1,8 ha) và TOD khu vực phường Tân Đông Hiệp (11,5 ha).

Hệ thống BRT Thành phố Mới - Suối Tiên dọc đường Mỹ Phước - Tân Vạn; ga trung tâm - Hùng Vương - ĐT 742 - Mỹ Phước - Tân Vạn - Suối Tiên (tuyến BRT).

 (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Loạt bất động sản hiện diện tại TP Dĩ An

Là một trong 5 thành phố của tỉnh Bình Dương, cùng với đó là địa phương lận cận TP HCM, TP Dĩ An hiện nay có khá nhiều dự án bất động sản của các chủ đầu tư lớn như Bcons, An Gia, Phú Đông Group..., loạt bất động sản tiêu biểu của Dĩ An có thể kể đến như khu căn hộ Phúc Lộc Khang (TT AVIO) do CTCP Đầu tư Phúc Lộc Khang - đơn vị trực thuộc TT Capital làm chủ đầu tư, quy mô khoảng 1,6 ha.

Bcons Avenue Bình Thắng do CTCP Đầu tư Xây dựng Bcons làm chủ đầu tư. Dự án này nằm trên tổng diện tích 1,2 ha, gồm hai block căn hộ cao 50 tầng. Khu đô thị Đông Bình Dương có tổng diện tích 126,7 ha, được chia làm 3 giai đoạn phát triển cơ sở hạ tầng và quy hoạch xây dựng với 6.090 lô đất, chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương.

Loạt dự án khác của CTCP Đầu tư Xây dựng BconsBcons Polaris với tổng diện tích 3.788 m2, được thiết kế xây dựng với mô hình tòa tháp căn hộ và shophouse thương mại. Dự án sở hữu 1 block căn hộ, cao 29 tầng.

Dự án căn hộ Green Topaz được thiết kế xây dựng với ba blocks căn hộ, chiều cao 29 tầng và 2 tầng hầm, tổng diện tích quy hoạch 7.847 m2.

Khu phức hợp Bcons City có tổng diệ tích 4,4 ha, mật độ xây dựng 38%. Trong giai đoạn đầu dự án ra mắt tòa tháp Green Topaz với chiều cao 29 tầng nổi, hai tầng hầm với mật độ xây dựng 38%. Dự án Nhà phố Bcons Plaza có tổng diện tích khoảng 1,5 ha, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 3 ha.

Dự án căn hộ Bcons Polygon được xây dựng trên diện tích 5.855,5 m2, mật độ xây dựng 38% và cung cấp chỗ ở cho khoảng 1.527 người...

Phú Đông Sky One có tổng diện tích 5,6 ha, mật độ xây dựng 50,2% với tổng diện tích sàn xây dựng 7,4 ha. Dự án được thiết kế xây dựng với mô hình tòa tháp căn hộ chung cư, cung cấp ra thị trường 2 block căn hộ cao 30 tầng với một tầng hầm. Chủ đầu tư của dự án này là CTCP Địa ốc Phú Đông – Phú Đông Group.

Phú Đông Group cũng là chủ đầu tư của dự án Phú Đông Sky Garden nằm trên khu đất có tổng diện tích hơn 6.000 m2. Quy mô dự án gồm 1 tòa tháp, cao 27 tầng (04 tầng thương mại dịch vụ và 23 tầng căn hộ) với 1 tầng hầm.

Khu căn hộ Opal Luxury được quy hoạch đầu tư với diện tích là 8,7 ha, diện tích sàn xây dựng 41 ha, bao gồm 11 tòa cao tối đa 30 tầng. Tổng sản phẩm mà dự án này cung cấp dự kiến khoảng 3.400 căn hộ. Chủ đầu tư dự án này là CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An.

Ventoso Tower có tổng diện tích 7,1 ha, trong đó khu đất dành để xây dựng dự án với diện tích 8.338 m2, mật độ xây dựng 45%. Ventoso Tower được thiết kế xây dựng với hai tòa tháp căn hộ A và B, được có chiều cao 18 tầng nổi và 2 tầng hầm. Chủ đầu tư của dự án này là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thạnh Tân.

Picity Sky Park được quy hoạch trên tổng diện tích đất rộng khoảng 1,1 ha, với diện tích xây dựng 5.660m2 (mật độ xây dựng 53,3%) bao gồm hai block cao 39 tầng, thiết kế khối đế 6 tầng và khối tháp là 33 tầng. Chủ đầu tư của dự án này là CTCP Đầu tư phát triển Pi Group (Tập đoàn Pi Group) .

The Gió Riverside xây dựng trên quỹ đất trống có diện tích 3 ha, mật độ xây dựng là 36%. Dự án được xây dựng với hai tòa tháp căn hộ, sở hữu chiều cao 40 tầng.  Chủ đầu tư dự án này là Tập đoàn Bất động sản An Gia.

New Galaxy Bình Dương là dự án do Công ty TNHH Đại Phúc làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 2,9 ha, với quy mô 6 block với thiết kế cao 19 tầng và 1 tầng hầm. Dự án hiện đang được thi công, xây dựng.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.