5 điểm nổi bật về quy hoạch huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương

Huyện Bàu Bàng được tỉnh Bình Dương định hướng lên thành phố vào năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch địa phương này.

Huyện Bàu Bàng nằm ở phía bắc tỉnh Bình Dương, cách TP Thủ Dầu Một 32 km, cách TP HCM 62 km về phía bắc theo QL 13. Phía đông huyện giáp huyện Phú Giáo; phía tây giáp huyện Dầu Tiếng; phía nam giáp TP Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên và phía bắc giáp TX Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Huyện Bàu Bàng có diện tích 340 km2, dân số năm theo cập nhật mới nhất là 105.371 người, mật độ dân số đạt 310 người/km2.

Huyện Bàu Bàng hiện có 7 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Lai Uyên (huyện lỵ) và 6 xã Cây Trường II, Hưng Hòa, Lai Hưng, Long Nguyên, Tân Hưng, Trừ Văn Thố.

 Một góc huyện Bàu Bàng hiện nay. (Ảnh: Báo Nhân dân).

Định hướng lên thành phố vào năm 2050

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về định hướng phát triển đô thị, các huyện phía Bắc (Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên) được quy hoạch phát triển theo mô hình thị xã trên cơ sở phát triển mở rộng các trung tâm thị trấn hiện hữu, nhưng phải ưu tiên bảo vệ các diện tích sinh thái tự nhiên, hạn chế phát triển lan tỏa làm ảnh hưởng tới tài nguyên đất trong tương lai.

Giai đoạn 2022 - 2025 nâng cấp thị trấn Lai Uyên theo mô hình đô thị đạt tiêu chí đô thị loại V vào năm 2025. Trong đó, thành lập đô thị mới Lai Hưng (từ xã Lai Hưng) đạt tiêu chí đô thị loại V.

Giai đoạn 2026 - 2030: nâng cấp thị trấn Lai Uyên theo mô hình đô thị đạt tiêu chí đô thị loại V vào năm 2030. Trong đó, thành lập đô thị mới Lai Hưng (từ xã Lai Hưng) đạt tiêu chí đô thị loại V.

Giai đoạn 2030 - 2040 thành lập thị xã Bàu Bàng đô thị loại III trở thành Trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ của tỉnh. Nâng cao các tiêu chí loại IV/III của đô thị Bàu Bàng.

Giai đoạn đến năm 2050 sẽ nâng cao các tiêu chí của đô thị Bàu Bàng đạt đô thị loại II (TP Bàu Bàng).

Về dân số, đến năm 2025 khoảng 177.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 69.000 người (nâng cấp thị trấn Lai Uyên theo mô hình đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025, thành lập đô thị Lai Hưng đạt tiêu chí đô thị loại V).

Đến năm 2030 khoảng 320.000 người, dân số thành thị khoảng 208.000 người; tỷ lệ đô thị hóa là 65%. Dự kiến đến năm 2050 tổng dân số khoảng 510.000 người, dân số nội thị là 510.000 người, tỷ lệ đô thị hóa là 100%.

Nằm trên trục phát triển chính của tỉnh Bình Dương

Trên cơ sở điều kiện hiện trạng của Bình Dương, định hướng liên kết vùng, đề xuất phương án tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh Bình Dương theo mô hình cấu trúc phát triển gồm gồm một trục phát triển; hai hành lang sinh thái; ba Vành đai liên kết và 4 phân vùng phát triển.

Trong đó, Bàu Bàng thuộc trục phát triển chính của toàn tỉnh Bình Dương là trục phát triển theo trục Bắc Nam, lấy trục quốc lộ 13, Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; cao tốc Chơn Thành - TP HCM; đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên - Bàu Bàng … làm trục liên kết, phát triển trục đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.

Bàu Bàng cũng thuộc Vùng đô thị vệ tinh (huyện Bàu Bàng) trọng tâm của vùng đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị đầu mối phân phối lưu thông giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, TP HCM.

Trong tương lai, Vùng đô thị - công nghiệp – dịch vụ (hình thoi ở giữa) phát triển theo 3 đới, tương ứng với hệ đô thị quá khứ, hiện tại và tương lai (TP Dĩ An phía nam, TP mới và thành phố mới trung tâm, TP Bàu Bàng phía bắc).

Về phân vùng phát triển kinh tế. Vùng huyện Bàu Bàng được phân thành ba vùng phát triển kinh tế bao gồm Vùng I là Vùng trung tâm - vùng động lực phát triển.

Đây là vùng phát triển kinh tế động lực của huyện bao gồm thị trấn Lai Uyên, đô thị Lai Hưng, xã Cây Trường II và xã Trừ Văn Thố; là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật của huyện Bàu Bàng.

Vùng II là Vùng đô thị phía đông với một phần thị trấn Lai Uyên, xã Tân Hưng và xã Hưng Hòa. Trung tâm tiểu vùng là trung tâm phần thị trấn Lai Uyên trên trục đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, tuyến kết nối các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng (ĐT 706). Định hướng phát triển: Phát triển đô thị và các dịch vụ đô thị.

Vùng III Vùng nông nghiệp phía tây, phạm vi gồm xã Long Nguyên. Trung tâm tiểu vùng là trung tâm xã. Định hướng phát triển sẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển Du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, thương mại dịch vụ gắn với nông nghiệp.

Huyện Bàu Bàng nằm trên trục phát triển chính của tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Báo Bình Dương).

Có thêm hai khu công nghiệp đến năm 2030

Theo Quy hoạch, huyện Bàu Bàng sẽ bố trí không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy lợi ích của liên kết giữa các ngành và giữa các vùng, địa phương trên địa bàn tỉnh và trong vùng để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đó, Bàu Bàng có hai KCN hiện hữu ( KCN Bàu Bàng và KCN Bàu Bàng mở rộng tại xã Cây Trường, Lai Hưng và Long Nguyên, huyện Bàu Bàng và Long Tân, huyện Dầu Tiếng), hai KCN đầu tư giai đoạn đến 2030 là KCN Cây Trường ( tại xã Cây Trường II và TT Lai Uyên) và KCN khoa học công nghệ Lai Hưng (tại xã Tân Hưng).

Giai đoạn 2030 - 2050 đầu tư KCN Bàu Bàng 3 (tại xã Cây Trường II và Trừ Văn Thố) và KCN Dầu Tiếng 4 (xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng và xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng). Dự kiến sau 2050 hình thành KCN Bàu Bàng 5 (tại Long Nguyên).

Bên cạnh đó, đối với thương mại, đến năm 2025, toàn huyện có 10 chợ, một siêu thị, trung tâm Logistics. Đến năm 2030, toàn huyện có 11 chợ (trong đó có một chợ đầu mối nông sản); ba siêu thị; hai trung tâm thương mại và hai trung tâm logistics.

Có tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua

Đối với hệ thống giao thông trên địa bàn huyện, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là tuyến đường cao tốc quan trọng dự kiến chạy qua địa bàn huyện, tổng chiều dài tuyến khoảng 69 km, quy mô 6 - 8 làn xe.

Cùng với đó là loạt tuyến quốc lộ bao gồm QL 13C có điểm đầu tại Tp. Đồng Soài, tỉnh Bình Phước. Điểm cuối tại Trảng bom, tỉnh Đồng Nai. Sau khi kết nối vào tỉnh Bình Dương, tuyến đi theo đường Tam Lập – Đồng Phú (thuộc cụm tuyến Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng) đến cầu Tam Lập (dài 12,2 km), tuyến đi theo đường huyện đến đường Vành đai 4 TP HCM. Tổng chiều dài QL 13C qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 32 km.

QL 56B có điểm đầu giao QL 56, TP Long Khánh, Đồng Nai. Điểm cuối tại cửa khẩu Phước Tân, tỉnh Tây Ninh. Chiều dài khoảng 164 km, đường cấp III, quy mô 2 - 4 làn xe. Cùng với tuyến QL 56, tuyến đóng vai trò kết nối vùng giữa các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 84,5 km, điểm đầu tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (xây dựng mới cầu Hiếu Liêm vượt sông Đồng Nai), đi qua huyện Phú Giáo đến Bàu Bàng và điểm cuối tại đường và cầu kết nối Tây Ninh, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng.

Bên cạnh đó, hệ thống đường tỉnh cũng quy hoạch theo tiêu chuẩn đường đô thị, đạt các cấp II - III bao gồm ĐT 741B; ĐT 741C; ĐT 749A; ĐT 750; đường Đông - Tây 1; ĐT 749C (ĐT 749C); đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng; vành đai Mỹ Phước - Bàu Bàng; đường tạo lực Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên; đường Bắc - Nam 1 và đường phía Tây QL 13 (Bắc - Nam 2),…

Đối với hệ thống đường sắt đô thị, huyện có tuyến 4 (Thủ Dầu Một - Bến Cát - Bàu Bàng) dài 36,4 km, kết nối với tuyến số 2 rồi dọc theo QL 13, ĐT 744 tới Bến Cát, theo ĐT 748 tới Bàu Bàng. Tuyến kết nối trung tâm Bàu Bàng và TP Bến Cát với TP Thủ Dầu Một, đồng thời trung chuyển qua tuyến số 2 về TPHCM.

Tuyến 6 (Tân Uyên - TP Mới - Bàu Bàng) Từ Thuận An, đi dọc theo cao tốc TP HCM - Chơn Thành, tiếp tục chạy song song với tuyến đường sắt quốc gia TPHCM - Lộc Ninh qua Tp mới, TX Bến Cát đến Bầu Bàng. Tuyến dài 31,9 km. Tuyến kết nối trục dọc của tỉnh Bình Dương, đồng thời chuyển tuyến qua tuyến số 1, tuyến số 3 về TP HCM.

Tuyến 7 (Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bầu Bàng) với chiều dài 28 km, từ trung tâm Bắc Tân Uyên theo đường Vành đai 5 (ĐT 745A), Trung tâm Bàu Bàng. Tuyến kết nối với tuyến Đường sắt quốc gia TP. HCM – Lộc Ninh, tuyến số 3, tuyến số 6 từ đó chuyển tuyến về TP HCM.

Loạt bất động sản hiện diện tại huyện Bàu Bàng

Giống như các địa phương khác của tỉnh Bình Dương, huyện Bàu Bàng cũng là nơi hiện diện của hàng loạt dự án bất động sản của các chủ đầu tư lớn như Becamex IDC; Trần Anh Group; Sài Gòn Land;  Nam Long Bình Dương...

Một số các dự án tiêu biểu gồm khu dân cư Urban Dream có tổng diện tích 30,5 ha. Dự án có quy mô 1.709 lô đất; quy mô dân số tại dự kiến 3.135 người. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Đức Phát.

Dự án Thăng Long 2 với diện tích khoảng 18,5 ha nằm trong khu công nghiệp Bàu Bàng có quy mô hơn 2.200 ha, với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Phát triển Địa ốc An Lạc Land.

Khu đô thị Elite Town với quy mô hơn 1,6 ha. Chủ đầu tư dự án là Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC Corp), cùng các đơn vị phân phối của dự án như Nam Phát, Nam Land, Nam Long, Thế Giới Đất Việt.

Khu nhà ở thương mại Phúc An Ashita với tổng diện tích của dự án là gần 9,4 ha. Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh BĐS Đất Thành, đơn vị phát triển của dự án là Trần Anh Group.

Khu đô thị Đại Phước Molita có tổng diện tích hơn 9,4 ha, với diện tích đất ở là 5,2 ha. Quy mô dự án này có 435 lô đất gồm 40 lô biệt thự, 60 lô Shophouse và 335 nhà liền kề được quy hoạch biệt lập và khép kín. Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Đất Thành (thành viên của Đại Phước Group).

Dự án Thăng Long Residence được quy hoạch trên diện tích hơn 40 ha với tổng số 2.400 sản phẩm. Trong đó, giai đoạn một triển khai trên diện tích đất khoảng 21 ha, 988 nền nhà liền kề.  Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Phát triển Địa ốc Thuận Phát Land.

Khu đô thị Center City 3 với tổng diện tích đất 19 ha. Dự án nàydo Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Sài Gòn Land làm chủ đầu tư...

chọn
Mời đầu tư 4 khu đô thị 22.000 tỷ ở Cam Lâm
Tỉnh Khánh Hòa sẽ bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho 4 khu đô thị trên địa bàn huyện Cam Lâm vào tháng 12/2024.