Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của UBND tỉnh Bình Dương, trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, năm vừa qua, tỉnh này đã hoàn thành công tác chọn đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời lập quy hoạch riêng để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.
Bình Dương cũng thông qua phương án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung của các thị xã, thành phố, quy hoạch vùng của cấp huyện để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Năm qua, Bình Dương nghiên cứu phát triển đô thị dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và dọc các tuyến đường trọng điểm. Tỉnh này cũng thực hiện các thủ tục đề nghị công nhận đô thị Dĩ An là đô thị loại II.
Về giao thông vận tải, tỉnh Bình Dương tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm như: Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành, mở rộng quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, các dự án giao thông kết nối vùng, đặc biệt là dự án liên quan TP HCM, Đồng Nai.…
Theo kế hoạch, năm nay, Bình Dương sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tặng kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn lực thích hợp cho các lĩnh vực như giao thông, chỉnh trang đô thị, câp thoát nước công cộng, giáo dục, y tế.
Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 157.482 tỷ đồng, bằng 31% GRDP của tỉnh năm 2023 và tăng 11% so với năm 2022. Năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tại Bình Dương ước thực hiện 154.473 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2021 (trong đó, vốn nhà nước 10.182 tỷ đông, giảm 12,7%; vốn ngoài nhà nước 82.527 tỷ đồng, tăng 15,6%; vốn đầu tư nước ngoài 61.764 tỷ đồng, tăng 14,9%).
Bình Dương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm như: Khu công nghiệp VSIP III, dự án nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng 2; bệnh viện tuyến cuối 2.000 giường, Vành đai 3; Vành đai 4; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; mở rộng quốc lộ 13; nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cảng An Tây. Tỉnh cũng khẩn trương triển khai các dự án giao thông trọng điểm và các dự án mang tính chất kết nối vùng, có hiệu quả lan tỏa.
Về quy hoạch và phát triển đô thị, năm 2023, Bình Dương đặt mục tiêu hoàn thành và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung của các thị xã, thành phố và quy hoạch vùng của cấp huyện để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Tỉnh này sẽ tập trung phát triển nhanh hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại từng bước hình thành lớp thứ nhất (quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng) trong Đề án vùng đổi mới sang tạo tỉnh Bình Dương; triển khai Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị hài hoà, hợp lý để khai thác lợi thế của các sông Sài Gòn, Đồng Nai, dọc các tuyến đường trọng điểm.