Vừa qua, Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự kiến, ngành giao thông vận tải sẽ khởi công 27 dự án trong năm nay; trong đó, có 5 dự án quan trọng quốc gia, 1 dự án nhóm A là cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 và 21 dự án nhóm B, C.
Riêng quý I, theo kế hoạch khởi công 8 dự án và tính đến nay đã có 4 dự án đã hoàn chỉnh thủ tục. Các dự án gồm cải tạo, nâng cấp đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh; nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn (Thanh Hóa); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đoạn qua tỉnh Quảng Nam.
Trong quý II, dự kiến sẽ có 8 dự án được khởi công. Trong đó, có 5 dự án quan trọng quốc gia khởi công trước ngày 30/6 gồm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 TP HCM.
Trong quý III sẽ có 6 dự án được khởi công gồm cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60, cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ - Giai đoạn 1 (khu vực phía nam); cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, Nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ qua tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ; quốc lộ 14B qua TP Đà Nẵng.
Trong quý IV sẽ khởi công 5 dự án gồm nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang; cải tạo, mở rộng quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì (tỉnh Vĩnh Phúc); đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn.
Ngày 10/3, HĐND TP đã đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP Hà Nội. Cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu là một trong các dự án này.
Tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 5,2 km. Trong đó, tổng chiều dài của cầu khoảng 4 km; chiều dài cầu chính là 820 m, bề rộng cầu khoảng 33 m, thiết kế 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 8.298 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban Quản Lý Dự án ĐTXD Công trình Giao thông thành phố.
Ngày 10/3, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP Hà Nội. Đường vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) - Đầm Hồng là một trong các dự án này.
Quy mô đầu tư đường vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng dự kiến dài khoảng 1,6 km. Đây là dự án nhóm A, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.570 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027.
Cũng theo tờ trình của UBND TP, dự kiến nhu cầu kế hoạch vốn giai đoạn 2026 - 2030 cho dự án đường vành đai 2 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng khoảng 870 tỷ đồng.
Ban Quản lý Dự án 6 vừa qua đã trình Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1.
Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 10.436 tỷ đồng. Dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 10.313 tỷ đồng, ngân sách hai địa phương tham gia 50% chi phí giải phóng mặt bằng hơn 123 tỷ đồng.
Ban Quản lý Dự án 6 đề xuất chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Theo Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, Quảng Ninh sẽ đưa nhiều huyện lên cấp thành phố, sáp nhập huyện Hải Hà vào Móng Cái và tái lập TX Tiên Yên.
Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Trong đó, 12 đô thị vẫn giữ nguyên phân loại như hiện tại, riêng Vân Đồn sẽ được đưa từ đô thị loại IV lên loại III. Tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Ninh giai đoạn này dự kiến đạt 70 - 75%.
Đến năm 2030, tỉnh sẽ còn 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập TX Tiên Yên.
Như vậy, giai đoạn đến năm 2030, huyện Hải Hà sẽ sáp nhập với TP Móng Cái, ba huyện khác sẽ lên thành phố là Đông Triều, Quảng Yên và Vân Đồn.
Ngày 7/3, Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về tình hình thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng và ngồn cung vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Công tác thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cos tổng chiều dài tuyến là 60 km; tổng diện tích thu hồi 495 ha; 5.498 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, trong đó, 1.705 hộ phải tái định cư; di chuyển trên 6.000 ngôi mộ; thực hiện di dời khoảng 7,07 km đường dây cao thế (110 kV và 220 kV), 25 km đường dây trung áp và 23 km đường dây hạ áp.
Đến nay, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khoảng 51/60 km, đạt 84%, trong đó các đoạn tuyến liên tục đã bàn giao thực địa là 50 km.
Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hà Nam gửi tới trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam về việc kiến nghị có chủ trương mở rộng làn đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình để tránh tình trạng ùn tắc.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được mở rộng với quy mô 6 làn xe, đang khai thác, thu phí theo hình thức hợp đồng BOT. Đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có quy mô 4 làn xe.
Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam hoàn thiện đề xuất chủ trương mở rộng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong năm nay.