Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (10/4 - 16/4): Dự kiến hoàn thành metro Bến Thành - Suối Tiên vào dịp 2/9; Bình Dương đưa TX Tân Uyên lên thành phố

Dự kiến hoàn thành metro Bến Thành - Suối Tiên vào dịp 2/9; Bình Dương đưa TX Tân Uyên lên thành phố; Quảng Ninh dự kiến hoàn thành đường ven sông hơn 6.300 tỷ đồng vào năm 2024... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Dự kiến hoàn thành metro Bến Thành - Suối Tiên vào dịp 2/9

Ngày 15/4, tại TP HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát, tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ ga Rạch Chiếc đến ga Bến xe Suối Tiên thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro Bến Thành - Suối Tiên). 

Buổi chạy thử nghiệm tàu đang nằm trong giai đoạn thử nghiệm số 5 và giai đoạn thử nghiệm số 6 trong quy trình thử nghiệm gồm 8 giai đoạn, được triển khai từ nhiều tháng nay.

Đến nay, tiến độ thi công toàn dự án đã đạt khoảng 95%. Hiện, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đang phối hợp các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ dự án để hoàn thành 100% công tác thi công bao gồm lắp đặt các thiết bị còn lại.

Một đoạn metro Bến Thành - Suối Tiên hiện nay. (Ảnh: Hải Quân). 

Thủ tướng giao các cơ quan, đơn vị hoàn thành dự án Bến Thành - Suối Tiên vào dịp 2/9, trước một quý so với dự kiến. Đây là công trình biểu tượng để chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Bình Dương đưa TX Tân Uyên lên thành phố

Ngày 10/4, Nghị quyết số 725 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực, TX Tân Uyên chính thức trở thành TP Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.

TP Tân Uyên được thành lập trên cơ sở toàn bộ gần 192 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 466.053 người của TX Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.

TP Tân Uyên giáp các TP Dĩ An, Thủ Dầu Một, Thuận An, TX Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Một góc TP Tân Uyên. (Ảnh: Zingnews) 

Sau khi thành lập, Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường: Hội Nghĩa, Khánh Bình, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân và hai xã Bạch Đằng và Thạnh Hội.

Quảng Ninh dự kiến hoàn thành đường ven sông hơn 6.300 tỷ đồng vào năm 2024

Tỉnh Quảng Ninh đã quyết định đầu tư công trình Đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều với chiều dài khoảng 41 km, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều, đi qua TX Quảng Yên, TP Uông Bí và TX Đông Triều. Dự án đã được khởi động thi công từ cuối tháng 12/2022.

Đường được thiết kế quy mô đường cấp III đồng bằng với 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn đường gom) với tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương và tỉnh.

Theo báo cáo từ chủ đầu tư dự án, hiện mới có gói thầu thi công cầu Kênh Đào và Tổ Hợp đã tổ chức thi công, thực hiện khoan khảo sát, thăm dò hang Karst được 200/514 hố khoan và đang thi công cọc khoan nhồi của 10/48 trụ.

Một khu vực thi công thuộc dự án đường ven sông tại Quảng Ninh. (Ảnh: UBND tỉnh Quảng Ninh). 

Hiện tại, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các hạng mục, quyết tâm hoàn thành công trình trong năm 2024.

TP Thủ Đức đề xuất làm 6 dự án giao thông với 30.800 tỷ đồng 

Ngày 13/4, lãnh đạo TP HCM đã có buổi làm việc với UBND TP Thủ Đức. Tại buổi làm việc, UBND TP Thủ Đức đề xuất đầu tư 6 dự án án giao thông trên địa bàn, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 30.800 tỷ đồng.

Các dự án này bao gồm đoạn đường nối từ Nguyễn Xiển với Khu Công nghệ cao; điểm kết nối giữa đường vành đai 3 tại phường Long Bình; dự án khép kín vành đai 2, gồm hai đoạn là đoạn 1 từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía đông đến xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); đoạn 2 từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng.

Một đoạn vành đai 2 từ cầu Phú Hữu tới xa lộ Hà Nội. (Ảnh: Hải Quân). 

Hai dự án khác được TP Thủ Đức đề xuất là tuyến khép kín đường nối ngã ba Gò Công đến nút giao trạm 2 và tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu.

Phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Bình

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa qua đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Quảng Bình bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Quảng Bình và phần không gian biển được xác định theo pháp luật.

Mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung.

Một góc TP Đồng Hới. (Ảnh: Báo Quảng Bình). 

Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Bình sẽ có hai trung tâm động lực tăng trưởng; ba trung tâm đô thị; ba hành lang kinh tế và bốn trụ cột phát triển kinh tế.

Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ 

Ngày 12/4, Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP HCM) tổ chức Hội thảo về ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ (đoạn trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bình Dương). 

Theo đó, Viện Nghiên cứu vùng và đô thị đề xuất ý tưởng điều chỉnh hưởng tuyển đường sắt TP HCM-Cần Thơ (đoạn trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bình Dương) đi sát vành đai 3 khu vực TP HCM nhằm giảm diện tích đất sử dụng (do giảm hành lang an toàn đường sắt theo quy chuẩn) và giảm đơn giá đền bù, GPMB (do đưa tuyến này ra xa trung tâm hơn và tránh các khu vực có mật độ dân cư cao).

Đồng thời, tạo điều kiện tổ chức tốt việc kết hợp giao thông đường bộ - giao thông đường sắt và tạo điều kiện phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển của hệ thống giao thông công cộng) tại dọc theo đoạn vành đai 3 kết hợp với đường sắt TP HCM - Cần Thơ.

Theo phương án đã chọn, các ga được dự kiến sẽ là ga An Bình, Dĩ An, Bình Chuẩn, trạm khách Bình Mỹ, ga Tân Thới Nhì, trạm khách Phạm Văn Hai và ga Tân Nhựt; đồng thời, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị như tuyến số 3, tuyến số 4.

Khởi công đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa trong năm nay

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ được khởi công trong năm nay.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 12/2007, với quy mô đường cấp 3 và hai làn xe.

Dự án đã được khởi công và triển khai xây dựng từ năm 2009, tuy nhiên thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ dự án đã bị đình hoãn từ năm 2011.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 2.293 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 2.178 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 115 tỷ đồng. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.