Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ

Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP HCM) đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ (đoạn trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bình Dương) đi sát vành đai 3 khu vực TP HCM.

Theo Báo Chính phủ, ngày 12/4, Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP HCM) tổ chức Hội thảo về ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ (đoạn trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bình Dương).

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, Trưởng nhóm nghiên cứu, quy hoạch tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 trên nền tảng đi sát đường vành đai 2 TP HCM.

Tuy nhiên, sau nhiều năm chưa được triển khai, dọc tuyến vành đai 2 hiện nay đã đô thị hóa nhanh, giá nhà trong khu vực tăng lên rất cao. Ước tính, giá đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) dọc tuyến vành đai 2 hiện đã tăng 2,5 - 3 lần so với giá đền bù trên vành đai 3.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, với hướng tuyến hiện nay trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bình Dương, dự án này sẽ gặp một số bất cập trong giải phóng mặt bằng, tổ chức giao thông và phát triển đô thị.

Vì vậy, Viện Nghiên cứu vùng và đô thị đề xuất ý tưởng điều chỉnh hưởng tuyển đường sắt TP HCM-Cần Thơ (đoạn trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bình Dương) đi sát vành đai 3 khu vực TP HCM nhằm giảm diện tích đất sử dụng (do giảm hành lang an toàn đường sắt theo quy chuẩn) và giảm đơn giá đền bù, GPMB (do đưa tuyến này ra xa trung tâm hơn và tránh các khu vực có mật độ dân cư cao).

Đồng thời, tạo điều kiện tổ chức tốt việc kết hợp giao thông đường bộ - giao thông đường sắt và tạo điều kiện phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển của hệ thống giao thông công cộng) tại dọc theo đoạn vành đai 3 kết hợp với đường sắt TP HCM - Cần Thơ.

Theo TS Trịnh Văn Chính, thành viên nhóm nghiên cứu, việc kết hợp các tuyến đường sắt và đường bộ sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn so với trường hợp hai tuyến này bố trí riêng. Theo đó sẽ giúp giảm bớt diện tích chiếm đất; giảm bớt được chi phí đầu tư xây dựng và đạt hiệu quả tổ chức giao thông tốt hơn về các mặt kinh tế, an toàn và thuận tiện.

Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, phương án kết hợp gần như hoàn toàn đường sắt TP HCM - Cần Thơ vào một phần bên trái đường vành đai 3. Cụ thể, từ điểm đầu tuyến tại ga An Bình, tuyến đi theo hành lang đã quy hoạch về phía bắc đến ga Dĩ An và ga Bình Chuẩn, sau đó rẽ trái và đi theo vành đai 3 về phía nam, đến vị trí km + 64,710 (gần Cao tốc Bến Lức - Long Thành) sẽ đi tiếp tới vùng ĐBSCL theo hành lang đã được quy hoạch trước đây.

Nhóm nghiên cứu đánh giá hướng tuyến điều chỉnh như vậy thay đổi khá nhiều so với phương án được phê duyệt nhưng tạo tiềm năng phát triển các đô thị mới. Đồng thời, tạo được vành đai kết hợp đường sắt - đường bộ cho khu vực TP HCM.

Theo phương án đã chọn, các ga được dự kiến sẽ là ga An Bình, Dĩ An, Bình Chuẩn, trạm khách Bình Mỹ, ga Tân Thới Nhì, trạm khách Phạm Văn Hai và ga Tân Nhựt; đồng thời, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị như tuyến số 3, tuyến số 4.

Về đầu tư xây dựng, phần lớn tuyến đường sắt được đề xuất sẽ đi trên mặt đất (trừ một số vị trí đi trên cầu vượt sông hoặc các nút giao khác mức ....). Do đó, việc đầu tư xây dựng sẽ giảm chi phí; giảm thiểu sự bất tiện đến sinh hoạt và đi lại của người dân do việc thi công xây dựng gây ra.

Lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đánh giá đầy đủ các tác động của dự án đối với xã hội, phân tích các lợi ích, ưu nhược điểm so với phương án cũ.

Theo lãnh đạo, việc chuyển tuyến đường sắt ra xa trung tâm thì cơ cấu vận chuyển cũng thay đổi, lượng hàng hóa vận chuyển sẽ nhiều hơn số lượng hành khách được phục vụ, do tuyến vành đai 2 chủ yếu vận chuyển hành khách còn tuyến vành đai 3 phần lớn vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc về tính kết nối của tuyến đường sắt theo quy hoạch. Nếu thay đổi, tuyến này có được kết nối với đường sắt cao tốc Nha Trang - TP HCM hoặc cao tốc Bắc - Nam hay không...

Về đường sắt TP HCM - Cần Thơ, theo Ban quản lý dự án đường sắt, hướng tuyến của tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ) đi qua 6 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 174,42 km. Trên tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe, chỉnh bị.... được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi - khổ 1.435 mm - điện khí hóa.

Công nghệ được lựa chọn cho tuyến đường sắt này là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến, tốc độ thiết kế lớn nhất là 190 km/h (tàu khách khai thác tốc độ).

Về phương án tổ chức vận tải tàu khách và tàu hàng, Ban quản lý dự án đường sắt kiến nghị tàu hàng sẽ được tổ chức từ ga Tân Kiên đến ga An Bình và Cần Thơ; tàu khách được tổ chức từ ga Tân Kiên và ga Bình Triệu đến ga Cần Thơ; trong đó, tổ chức một số đoàn tàu ngoại ô từ ga Tân Kiên đến ga Tam Hiệp. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 213.948 tỷ đồng (khoảng 9,07 tỷ USD).

Về phương án đầu tư, tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án theo hình thức PPP (hợp tác công tư): Nhà nước thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho nhà nước.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn
Một tập đoàn Đài Loan với 30 doanh nghiệp vệ tinh dự báo sắp kéo về KCN Châu Đức, vừa trả trước cho SZC gần 400 tỷ đồng
Quý III vừa qua, SZC đã nhận 359 tỷ đồng tiền thuê đất từ Electronic Tripod. Theo ước tính của BSC, có 30 doanh nghiệp phụ trợ theo Tập đoàn Tripod cũng có nhu cầu thuê đất tại KCN Châu Đức. Nhờ đó, SZC có thể sẽ cho thuê thêm 30 - 40 ha đất trong 2 năm tới.