Theo Trang tin điện tử Đảng bộ TP HCM, Bộ Giao thông vận tải vừa có buổi làm việc với các tỉnh, thành về dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ.
Báo cáo nghiên cứu tổng thể dự án, đại diện đơn vị tư vấn dự án cho biết, tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định mục tiêu cứu triển khai tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ đến năm 2030 và hoàn thành xây dựng vào năm 2050.
Đơn vị tư vấn đề xuất dự án sẽ có điểm đầu ở ga An Bình (TP Dĩ An, Bình Dương) và điểm cuối ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Toàn tuyến đi qua và kết nối 6 tỉnh, thành, gồm: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ với tổng cộng 13 ga. Tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng.
Tuyến đường sắt này đoạn đi qua TP HCM dài khoảng 33 km. Đoạn 1 đi trên cao, qua địa phận TP Thủ Đức dài 3,3 km. Đoạn 2 từ quận 12 đến hết địa phận thành phố dài 30 km (đoạn đi bằng 21 km và đoạn đi cầu cạn 9 km). Hướng tuyến đi qua quận 12, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo TP HCM cho rằng, cần xác định đường sắt TPHCM - Cần Thơ là một dự án quan trọng để kết nối phát triển vùng, do vậy cần nghiên cứu sớm, triển khai sớm cơ bản trước năm 2030.
Về giải pháp nguồn vốn, lãnh đạo gợi ý, dự án có thể phân làm ba nhóm: Chuẩn bị mặt bằng; đầu tư đường ray; toa tàu và xây dựng các ga đô thị.
Trong đó, cần xác định nhóm nào kêu gọi đầu tư, nhóm nào có thể sử dụng từ khoản thu khai thác quỹ đất quanh nhà ga. Như vậy tổng thể dự án này chúng ta có thể tự cân đối, ngân sách chỉ đầu tư. Giai đoạn 2023 - 2025 sẽ hoàn thiện báo cáo, chuẩn bị đấu thầu và khởi công.
Bên cạnh đó, phải triển khai việc nghiên cứu nguồn vốn, các nhà thầu cung ứng đường ray, đầu tàu song song nghiên cứu các phương án để kịp thời triển khai, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các địa phương cùng đơn vị tư vấn phải có sự phối hợp trong nghiên cứu quy hoạch, qua đó có sự thống nhất trong triển khai thực hiện, hướng đến sự kết nối liên vùng và trung ương.
Lãnh đạo cũng lưu ý việc bố trí vị trí các nhà ga, nhất là nhà ga hàng hóa, cần có kết nối để nhà ga gần nguồn hàng, các trung tâm logistics để khai thác tối đa lợi thế vận chuyển hàng hóa của loại hình phương tiện này.
Cùng với đó, các tỉnh, địa phương cần sớm đưa dự án vào quy hoạch chung để có cơ sở pháp lý thỏa thuận về ranh giới, hướng tuyến khi dự án chính thức đưa vào triển khai thực hiện.