Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (14/12 - 20/12): Khởi công cao tốc TP HCM - Chơn Thành, khai thác thương mại metro Bến Thành - Suối Tiên

Khởi công cao tốc TP HCM - Chơn Thành; khai thác thương mại metro Bến Thành - Suối Tiên vào ngày mai; Hải Phòng xây cầu thứ 6 qua sông Cấm; đề xuất khai thác gần 70 km cao tốc Vân Phong - Nha Trang trước Tết... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Khởi công cao tốc TP HCM - Chơn Thành

Ngày 14/12, UBND tỉnh Bình Phước cùng Bộ Giao thông Vận tải tổ chức khởi công dự án 7 km cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua địa bàn.

Đây là dự án cao tốc đầu tiên của tỉnh này với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương khoảng 1.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương, dự kiến hoàn thành trong năm 2026.

Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 69 km, trong đó đoạn qua Bình Dương khoảng 52 km (dự kiến khởi công đầu năm 2025); 7 km đi qua Bình Phước và hai km qua TP HCM. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024 - 2027

Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ chạy chính thức vào ngày 22/12 

Ngày 19/12, toàn bộ 4 gói thầu chính của metro Bến Thành - Suối Tiên đã được chủ đầu tư và nhà thầu ký kết bàn giao. Dự kiến metro số 1 sẽ khai thác thương mại từ ngày 22/12 và hiện các công tác chuẩn cho dự án đi vào hoạt động chính thức đã sẵn sàng.

 Metro Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam).

Metro Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km (2,6 km đi ngầm và 17,1 km trên cao) qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức của TP HCM và TP Dĩ An của tỉnh Bình Dương.

Hải Phòng khởi công cầu Nguyễn Trãi hơn 6.000 tỷ đồng

Ngày 18/12, UBND TP Hải Phòng đã khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận.

Đây là dự án trọng điểm của Hải Phòng trong năm 2024, với tổng mức đầu tư hơn 6.235 tỷ đồng. Dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2027.

Phối cảnh cầu Nguyễn Trãi. (Ảnh: UBND TP Hải Phòng). 

Cây cầu này có quy mô 4 làn xe cơ giới, được thiết kế là cầu dây văng, phần cầu có chiều dài gần 1.500 m, riêng nhịp giữa rộng 300 m, rộng nhất so với các cây cầu trên địa bàn Hải Phòng, 2 trụ tháp cao 111 m. 

Đề xuất khai thác gần 70 km cao tốc Vân Phong - Nha Trang trước Tết

Liên danh nhà thầu thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex, CTCP Lizen gửi Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư - Bộ Giao thông Vận tải) về đề nghị cho khai thác gần 70 km cao tốc Vân Phong - Nha Trang trước ngày 10/1/2025 giúp người dân thuận tiện đi lại dịp Tết.

 Thi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang. (Ảnh: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam).

Với tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng, dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài hơn 83 km, đi qua thị xã Ninh Hòa và ba huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh được khởi công ngày 1/1/2023.

Khởi công 4 cao tốc vào tháng 2/2025 

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành sân bay Long Thành trước 31/12/2025 và khởi công các dự án Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành trong tháng 2/2025.

Sẽ có thêm đường kết nối sân bay Long Thành

Sân bay Long Thành dự kiến sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 trong năm 2026. Do đó, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ của dự án này thì các dự án hạ tầng giao thông phục vụ kết nối Sân bay Long Thành hiện cũng đang được trung ương và tỉnh Đồng Nai triển khai đồng loạt.

Đồng Nai hiện đang tiến hành các thủ tục để đầu tư xây dựng tuyến đường tỉnh 769E. Tuyến có điểm đầu giáp ranh với sân bay Long Thành, điểm cuối tuyến giao với đường tỉnh 770B. Tổng chiều dài tuyến hơn 8 km.

Sân bay Long Thành đang thi công. (Ảnh: UBND tỉnh Đồng Nai).

Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án là hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là gần 600 tỷ đồng. Dự án được triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2024 - 2029.

Cuối năm 2025 sẽ thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau

Ngày 15/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra hai dự án cao tốc trục ngang và trục dọc tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm tuyến Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. (Ảnh: Báo Giao thông). 

Cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau  là đoạn tuyến cuối cùng của toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông chạy dọc đất nước, trong đó giai đoạn trước (2015 - 2020) đã hoàn thành 11 dự án thành phần với gần 700 km; giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục đầu tư để đến năm 2025 hoàn thành toàn bộ 12 dự án thành phần với khoảng 730 km để thông toàn tuyến.

Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ và tới Cà Mau

Tại buổi tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ ngày 15/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ không dừng lại ở TP HCM mà phải xuống tới TP Cần Thơ và Cà Mau. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên việc thực hiện dự án phải phân bổ ra, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Trên thực tế đường sắt nối khu vực Đông Nam Bộ và miền Tây đã được cơ quan chức năng tính toán. Cụ thể cách đây hơn 10 năm, đường sắt tốc độ cao từ TP HCM đi Cần Thơ dài 174 km, tổng đầu tư 9 tỷ USD, tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h được đề xuất, song do nhiều nguyên nhân chưa triển khai.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (14/12 - 20/12): Khởi công cao tốc TP HCM - Chơn Thành, khai thác thương mại metro Bến Thành - Suối Tiên
Khởi công cao tốc TP HCM - Chơn Thành; khai thác thương mại metro Bến Thành - Suối Tiên vào ngày mai; Hải Phòng xây cầu thứ 6 qua sông Cấm; đề xuất khai thác gần 70 km cao tốc Vân Phong - Nha Trang trước Tết... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.