Đề xuất xây khu đô thị, khu công nghiệp quanh đường sắt TP HCM - Cần Thơ

CT Group, doanh nghiệp tham gia đề xuất đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ cho rằng cần quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu đô thị để phát huy tối đa giá trị của tuyến đường sắt này.

Sơ đồ hướng tuyến đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ. (Ảnh: Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam)

Tại hội thảo “Xóa trắng” cao tốc, phát huy lợi thế đồng bằng sông Cửu Long do báo Thanh Niên tổ chức mới đây, đã có nhiều ý kiến, đề xuất về việc xây dựng đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ.

Về hạ tầng giao thông, miền Tây hiện có có 2.688 km đường bộ, nhiều cầu lớn đã và đang được đầu tư như cầu Mỹ Thuận, Vàm Công, Cao Lãnh…

Tuy nhiên, đường cao tốc chỉ có 91 km (đoạn TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km đường cao tốc của cả nước, chiếm tỷ lệ 7%.

Mạng lưới cao tốc còn khiêm tốn, để giảm tải cho đường bộ, cần có sự tham gia của phương thức vận tải sắt trên hành lang này.

Theo TS, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, mấu chốt để nối kết đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ, là đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ.

"Mối quan hệ kinh tế giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM là quan hệ chiến lược, chủ chốt và lâu dài. Không có đường sắt TP HCM - Cần Thơ, miền Tây không thể phát triển. Do đó, việc xây dựng đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ là rất cấp thiết.

Cách đây một thế kỷ, người Pháp đã làm được đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, thế nhưng tuyến đường sắt này dần chìm vào quên lãng và bị tháo sắt vụn bán đi. Việc đầu tư nội vùng cần thiết, thế nhưng việc kết nối miền Tây với TP HCM bằng đường sắt quá chậm", TS Trần Du Lịch chia sẻ.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, CT Group - một công ty tham gia đề xuất đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ cho rằng tuyến đường này là dự án quan trọng, sẽ nối Đông Nam Bộ với trung tâm là TP HCM và vùng kinh tế ĐBSCL với trung tâm là TP Cần Thơ.

Đường sắt TP HCM - Cần Thơ có điểm đầu ga hàng hóa dự kiến tại ga An Bình, TX Dĩ An, Bình Dương; ga hành khách sẽ bắt đầu từ ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM. Điểm cuối dự kiến là ga Cái Răng của TP Cần Thơ. Tổng chiều dài dự kiến là 174 km đối với tuyến vận tải hàng hóa. Khoảng 135 - 140 km đối với tuyến hành khách.

Số lượng ga dự kiến quy hoạch là 13 ga đi qua các tỉnh là Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Về dự báo nhu cầu phát triển, đến năm 2030, nhu cầu vận tải hành khách khoảng 4,1 triệu hành khách, chiếm 3%. Đến năm 2050, nhu cầu tăng lên 8,8 triệu hành khách, chiếm 8,8% thị phần vận tải hành khách.

Đến năm 2030, nhu cầu vận tải hàng hóa khoảng 5 triệu tấn, chiếm 0,85% thị phần. Đến năm 2050, nhu cầu khoảng 41 triệu tấn, chiếm 3% thị phần vận tải.

Tốc độ tối đa của tuyến đường sắt cao tốc TP HCM - Cần thơ dự kiến là 200 km/h. Sử dụng khổ đường sắt 1435 mm và dùng hệ thống đường sắt đôi. Dự kiến mặt cắt ngang của đường khoảng 25 m.

Mức vốn đầu tư sơ bộ cho dự án này dự kiến là 170.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 56.000 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 85.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, đại diện CT Group còn đề xuất xung quanh các nhà ga, cần kết hợp với quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cùng với đó là các nhà máy, khu đô thị nhằm phát huy giá trị của tuyến đường sắt này.

chọn
Con trai chủ tịch Tân Hoàng Minh: 'Không ngờ hậu quả lớn đến vậy'
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, khai thực hiện các "biện pháp huy động vốn" để gỡ khó cho công ty nhưng "không lường được hậu quả lớn vậy".